Số là, một người tên Jay Branscomb đăng trên mạng xã hội Facebook một bức ảnh cùng với dòng chú thích đùa cợt: “Bức ảnh đáng ghê tởm của một thợ săn tạo dáng bên một con khủng long ba sừng mà ông ta vừa giết hại. Xin hãy chia sẻ để thế giới biết đến gã đàn ông vô liêm sỉ này”.
Rõ ràng là đạo diễn Spielberg không thể giết hại con khủng long đã tuyệt diệt cách đây 66 triệu năm. Đó chỉ là một mô hình của siêu phẩm điện ảnh Công viên kỷ Jura chiếu cách đây hơn 20 năm.
Nhưng nhiều cư dân mạng sau khi xem bức hình không cần biết ngô khoai gì đã nhảy vào “tổng sỉ vả” vị đạo diễn lừng danh với những “mỹ từ” như “vô nhân đạo”, “kinh tởm” hay “sát thủ máu lạnh”.
“Tôi không quan tâm ông ta là ai. Nhưng ông ta không được giết hại khủng long như vậy”. Nhiều cư dân mạng một mực tin rằng khủng long vẫn tồn tại và chính Spielberg góp phần làm chúng tuyệt chủng: “Tại sao ông nỡ giết một loài động vật quý hiếm như vậy”. Một số đe dọa sẽ tẩy chay những bộ phim của ông.
Có lẽ đạo diễn Spielberg sẽ méo mặt khi đọc những dòng bình luận trên trong khi một tờ báo ngao ngán: “Chỉ cần một người tin rằng Spielberg thực sự giết khủng long cũng đã là thảm họa rồi”.
Đó là ở nước ngoài, còn ở ta có câu “ném chuột vỡ bình”, nhưng từ lâu chúng ta lại quen cảnh “ném bình không cần chuột”, theo cách “thấy người ta chửi thì em cũng chửi”.
Như tỷ phú Mỹ Bill Gates sau khi đăng tải ảnh cột điện “mạng nhện” Việt Nam kèm theo ghi chú bày tỏ lo lắng về vấn đề năng lượng. Ngay lập tức, ông đã dính hàng ngàn lời thóa mạ, văng tục của những “facebooker” cách ông nửa vòng trái đất, không cần biết ý ông nói gì.
Không ai có thể phản bác đám đông ấy. Họ ném đá hả hê mà không chịu sự chỉ trích hay hậu quả nào. Và thế là, ai có thể cấm họ theo thói quen, đi tìm những nạn nhân mới để thể hiện mình.
2. “Đắng lòng” đang được coi là một từ mốt của các bạn trẻ trên mạng xã hội, ai cũng có thể dễ dàng sử dụng ngôn từ này để thể hiện mình. Mới hơn, chuyện Lệ Rơi, anh chàng thuộc diện “văn nghệ quần chúng” chả có gì đáng bàn, qua mạng xã hội thành “hotboy” gây bão trên mạng. Nó đơn giản chỉ là sản phẩm của đám đông không cần biết hay dở, nguồn gốc, đúng sai, ý nghĩa thế nào.
Theo mạng xã hội là sự ra đời của những hội nhóm, những cụm từ được dùng theo trào lưu đang dần chi phối ngôn ngữ giới trẻ. Cùng với đó là sự chuyển dịch tư duy và cách tiếp cận khác trước nhiều vấn đề của đời sống, kể cả vấn đề nằm ngoài thế giới của các bạn trẻ… Sự "khác" ấy không phải lúc nào cũng tích cực.
Đó không chỉ là chuyện tầm phào của ai, mà sẽ là câu chuyện của cả thế hệ. Một thế hệ mà nếu không cẩn thận, bằng sự hồn nhiên và thoải mái ngẫu hứng của mình, có thể làm xô lệch, gãy vụn cả những giá trị chuẩn mực. Không chỉ chuẩn mực ngôn ngữ mà còn cả chuẩn mực đạo đức. Nhất là khi nhiều điều tốt đẹp đang trong cơn “thoi thóp” với giá trị nhòe dần trong thế giới phẳng.
Nói cách khác, sự “lệch chuẩn” đang tràn lan trên mạng. Nhất là thực tế, giới trẻ đang sống trên mạng ngày càng nhiều hơn.
Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa
Tags