- Cách Meghan 'thao túng tâm lý' Vương tử Harry: Lạnh nhạt với anh trai William, dung túng việc nhạo báng cố Nữ hoàng Anh
- 13 chi tiết “đắt giá” chưa từng được kể trong phim bom tấn của Harry và Meghan
- Vương phi Kate có khả năng sẽ phản bác những lời 'buộc tội' của Harry và Meghan trong bộ phim tài liệu mới
Mạng xã hội phát triển bùng nổ đã tạo cơ hội cho các thuyết âm mưu xoay quanh cái chết của Nữ hoàng Elizabeth, Michael Jackson, Nữ hoàng Elizabeth II, Elvis Presley... được dịp lan tràn. Đằng sau những tin đồn ấy là một âm mưu không đơn giản.
Theo South China Morning Post, ngay sau khi rapper người Mỹ Coolio qua đời hồi tháng 9 vừa qua, vô số thuyết âm mưu vô căn cứ xoay quanh cái chết của anh đã được lan truyền.
Một vài người cho rằng Coolio bị thủ tiêu để bịt đầu mối. Một số thành phần cơ hội khác tung tin rapper tử vong vì biến chứng khi tiêm vaccine Covid-19.
Đây là ví dụ mới nhất cho tình trạng mỗi khi có một người nổi tiếng qua đời, hàng tá thuyết âm mưu xoay quanh cái chết của họ sẽ ồ ạt xuất hiện trên Internet như nấm sau mưa. Danh sách này bao gồm mọi cái tên, trên mọi lĩnh vực - từ nam diễn viên Bob Saget, Anne Heche cho tới rapper MDX và thậm chí cả Nữ hoàng Elizabeth II… Dưới bàn tay nhào nặn của các nhóm người dùng Internet theo xu hướng chính trị thiên hữu (ví dụ như cộng đồng QAnon) cùng các hội bài trừ vaccine, dường như không người nổi tiếng nào còn được chết một cách tự nhiên.
"Các thuyết âm mưu từng một thời bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Nhưng cách thức hình thành của các thuyết âm mưu kiểu mới mà chúng ta thấy thời gian gần đây không còn bị giới hạn. Chúng cố gắng làm sáng tỏ mọi điều bất thường, có vấn đề với thế giới này bằng một lời giải thích đơn giản", Tiến sĩ Yotam Ophir - giáo sư truyền thông của Đại học Buffalo - nói.
Hệ sinh thái của thuyết âm mưu
Cộng đồng thiên hữu QAnon thường sử dụng cái chết của người nổi tiếng làm công cụ truyền bá tư tưởng cá nhân. Chính nhóm này đã từng loan tin rằng cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump là vị cứu tinh trong thầm lặng, đã bí mật chiến đấu chống lại một nhóm những kẻ ấu dâm thuộc lớp tinh hoa đang kiểm soát thế giới này.
Khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời hồi tháng 9, các diễn đàn của Qanon như bùng nổ bởi loạt giả thuyết hoang đường. Một vài nhân vật có tiếng nói trong tổ chức này hùng hồn tuyên bố một cách thiếu căn cứ rằng Nữ hoàng đã băng hà từ trước đó, nhưng tới giờ giới cầm quyền mới quyết định loan tin. Số khác nói rằng họ đọc được trong các bài đăng của ông Trump trên mạng xã hội ẩn ý rằng vị chính trị gia này đã bằng cách nào đó biết trước được lúc Nữ hoàng sẽ qua đời.
Hồi tháng 8 năm nay, khi nữ diễn viên Anne Heche qua đời trong một vụ tai nạn giao thông, QAnon cũng từng có những động thái tương tự. Những người ủng hộ của nhóm đã tung tin Heche bị ám sát để che đậy tội ác tình dục của Hollywood và Jeffrey Epstein. Một bài đăng từng nhận về hàng ngàn lượt chia sẻ trên hai nền tảng Twitter và Facebook đa lan truyền tin đồn thất thiệt rằng trước khi chết, Anne Heche đang tham gia một bộ phim về Epstein.
Sau cái chết của Coolio, một vài thành viên tiêu biểu của QAnon cùng những người dùng khác đã nhanh chóng tung tin rapper bị ám sát. Họ tin rằng nam rapper nắm trong tay nhiều bằng chứng về các vụ tiêu cực trong nền công nghiệp âm nhạc và dự định tố cáo đường dây buôn người liên quan đến giới tinh hoa. Vụ ám sát là một bước trong kế hoạch lớn hơn nhằm ngăn chặng anh khui ra vụ việc này.
Theo Aoife Gallagher, một nhà nghiên cứu về các thông tin sai sự thật kiêm tác giả một cuốn sách viết về các thuyết âm mưu, việc gắn cho cái chết của những người nổi tiếng những động cơ không có thật nhân danh "cố gắng vạch trần sự thật" là "hành động thường xuyên và lặp đi lặp lại trong các phong trào kiểu này".
Cũng theo lời vị học giả, người theo dõi QAnon ưa chuộng xây dựng thuyết âm mưu xoay quanh cái chết của những người nổi tiếng có thể vì hai lý do. Thứ nhất, việc biến đối tượng này thành mắt xích trong một âm mưu lớn sẽ giúp thu hút sự chú ý của công chúng. Thứ hai, lối tư duy của những người theo đuổi thuyết âm mưu luôn có xu hướng lập tức phủ nhận thông tin từ các đơn vị báo chí chính thống vì mặc định đó chỉ là tin giả.
Cộng đồng bài trừ vaccine cũng "dính máu ăn phần"
Ngoài QAnon, cái chết của người nổi tiếng cũng dễ trở thành cái cơ hội để cộng đồng những người bài trừ vaccine bám víu, lan truyền những quan điểm phản khoa học có lợi cho mình. Một trong số đó là tin đồn thất thiệt về việc vaccine phòng Covid-19 cũng như các mũi tiêm nhắc lại không đủ an toàn. Các thông tin sai lệch kiểu này thường được lan truyền rất nhanh trên các nền tảng không được kiểm soát như ứng dụng nhắn tin được mã hóa.
Trên các nền tảng này, nhiều người dùng đã loan tin diễn viên hài Bob Saget tử vong vì biến chứng sau tiêm vaccine Covid-19. Trước đó, chính cộng đồng này cũng tung tin thất thiệt tương tự về cái chết của nữ diễn viên Betty White. Vụ tử vong của Earl Simmons - được biết đến rộng rãi với nghệ danh DMX, cũng châm ngòi cho nhiều thuyết âm mưu của hội bài trừ vaccine.
Những lời thêu dệt tương tự cũng xuất hiện trên Internet khi Nữ hoàng Elizabeth II và Coolio qua đời. Mỗi tin đồn sai lệch này đều nhắm tới cái đích làm giảm giá trị của những bằng chứng khoa học và luân lý lẽ thường song song bồi đắp những định kiến và thuyết âm mưu đã tồn tại sẵn trong đầu những kẻ tin theo.
Chuyên viên phân tích của Viện Đối ngoại Chiến lược Aoife Gallagher chỉ ra luận điệu chống vaccine và thuyết âm mưu xoau quanh cá chết của người nổi tiếng đã hòa trộn với nhau trong những năm trở lại đây bởi những người bài trừ vaccine thường tuyên bố mũi tiêm Covid-19 là một phần của âm mưu kiểm soát đà tăng dân số, sẽ khiến người bị tiêm chết hàng loạt.
"Chúng ta phải nhìn vào sự thật là cá tin đồn kiểu này sẽ còn tồn tại thêm nhiều năm nữa, nhất là khi nhiều người có sức ảnh hưởng trên mạng đã nói về việc vaccine gây chết người trong suốt thập kỷ qua", Gallagher nói. Cứ mỗi lần có người nổi tiếng tử vong, đặc biệt với lý do liên quan đến bệnh tim, Twitter và Telegram sẽ lập tức tràn ngập các bài đăng dò hỏi liệu có phải người vừa nhắm mắt xuôi tay đã tiêm phòng không.
Vì sao thuyết âm mưu về cái chết của các ngôi sao được lan truyền?
Các thuyết âm mưu xoay quanh nguyên nhân tử vong của người nổi tiếng đã tồn tại trong nhiều thập kỷ. Điều này không có gì mới. Những cái đầu chất chứa thuyết âm mưu - từ những người chỉ nghe vu vơ cho tới nhóm hoàn toàn tin tưởng chúng - luôn hiện diện xung quanh cái chết của John F. Kennedy, Elvis Presley, Princess Diana, Michael Jackson và hàng loạt người khác.
Nhưng trong những năm gần đây, cùng với sự lớn mạnh của QAnon và mạng lưới các phong trào lan truyền thuyết âm mưu khác như phủ nhận sự tồn tại của Covid-19, tố bầu cử gian lận, số lượng thuyết âm mưu về cái chết của những người nổi tiếng đã gia tăng nhanh chóng.
Cả Ophir và Gallagher đều chỉ ra môi trường công nghệ và các thuật toán mạng xã hội như động lực chính đứng sau tốc độ gia tăng và lây lan nhanh chóng của những giả thuyết vô căn cứ. Ngày càng có nhiều người tạo ra và lan truyền các thuyết âm mưu trong những không gian kín đáo như ứng dụng Telegram thay vì các mạng xã hội - nơi các thông tin thất thiệt có thể dễ dàng bị khoanh vùng và xử lý.
Theo tiến sĩ Yotam Ophir, xu hướng thêu dệt các thuyết âm mưu hoành tráng xoay quanh cái chết của người nổi tiếng đang vào hồi cực thịnh và được tiếp sức bởi đại dịch Covid-19 cùng mạng xã hội. "Nếu bạn đã tin rằng có một nhóm quyền lực mờ ám nào đó phải đứng ra chịu trách nhiệm cho mọi điều sai quấy trên thế giới này, thì tại sao lại không khép luôn họ vào tội gây ra cái chết cho những nghệ sĩ bạn yêu mến?" - ông Ophir nói.
Vị học giả tiếp tục: "Dù sao thì những người nổi tiếng được yêu mến cũng thu hút sự chú ý của dư luận, và nếu ai đó đưa ra được một câu chuyện giật gân, bất ngờ và giàu cảm xúc hơn cả để lý giải cho cái chết của họ, thuật toán sẽ ưu tiên những thông tin này thay vì 'sự thật nhàm chán'. Nhưng họ chỉ chết vì sau cùng ai cũng phải chết mà thôi".
Tags