Việc đội tuyển bóng đá trẻ U17 Việt Nam phải "xách vali" về nước, dù không để thua bất cứ trận đấu nào trước Nhật Bản, Australia và UAE tại vòng đấu bảng giải U17 châu Á 2025 thực sự là một điều đáng tiếc. Kết quả này không phải ngẫu nhiên, bởi cái gì cũng có nguyên do của nó.
Điểm lại danh sách 23 cầu thủ dự VCK U17 châu Á 2025 tại Saudi Arabia dưới quyền HLV Cristiano Roland, phần lớn đều đến từ Hà Nội (8 cầu thủ), một số khác của PVF (6), SLNA (4) và Hà Tĩnh (2), BRVT (2) và HAGL (1).
Đây không phải bản danh sách được tuyển chọn thông qua VCK U17 quốc gia 2025, bởi giải đấu năm nay chưa diễn ra. Các cái tên được CLB hay Trung tâm - lò đào tạo tiến cử hoặc thực sự nổi bật ở giải U17 hay U15 quốc gia 2024 và còn trong độ tuổi. Những trao đổi, phối hợp giữa HLV đội tuyển và CLB là rất quan trọng. Hẳn HLV Roland đã có những tham khảo, tư vấn rất nhiều từ đồng nghiệp cấp cơ sở.
HLV Roland từng có thời gian dài làm việc với bóng đá trẻ Hà Nội, kể từ sau khi treo giày. Nhưng trước khi nắm U17 Việt Nam, HLV Roland còn bận công việc tại SHB Đà Nẵng, nên cũng ít thời gian theo dõi.
Từ việc lên danh sách sơ bộ, tập huấn ít ngày và bước vào các trận thi đấu vòng loại, rồi VCK giải châu Á..., là không bao giờ đủ với cấp độ một đội bóng trẻ. Chúng ta đã có những trận đấu rất nỗ lực, trước các nền bóng đá mạnh hơn về tầm vóc như đã nhắc, nhưng nó chưa phải kết tinh của các mảng miếng chiến thuật thông qua tập luyện hay đấu tập, mà đơn thuần chỉ là các pha tỏa sáng cá nhân của Duy Khang hay Gia Bảo.

Vấn đề với các cầu thủ trẻ như U17 Việt Nam (áo trắng) là được thi đấu quá ít. Ảnh: Kim Như
Nói về những tồn tại của bóng đá trẻ Việt Nam thì cả ngày không hết chuyện, song rõ nhất có thể thấy là, nhiều chục năm qua, thể thức thi đấu/tuyển chọn của giải trẻ quốc gia vẫn không thay đổi. Các giải đấu từ U9, U11, U13, U15, U17, U19 và U21... hằng năm đều bắt đầu từ tháng 6 và đến khi giải bóng đá chuyên nghiệp khởi tranh thì khép lại, thường là cuối tháng 10.
Không tính độ tuổi từ U9-U13, khi các em còn ngồi ghế nhà trường, tập bán chuyên và tập trung thi đấu vào dịp Hè; thì từ U15-U19 là độ tuổi cực kỳ quan trọng, mang tính bước ngoặt, quyết định sự nghiệp cầu thủ. Với lứa tuổi U21, thì xem như đã bước lên chuyên nghiệp rồi.
Nhìn lại hệ thống thi đấu các giải trẻ quốc gia hằng năm, một cầu thủ (hay đội bóng, CLB), chỉ có quỹ trên dưới 10 trận đấu, từ vòng loại đến VCK, tập trung thi đấu trong một khoảng thời gian nhất định. Mà không riêng gì giải trẻ, giải hạng Ba hay hạng Nhì cũng thế, rơi vào tầm 3-4 tháng, từ khi tuyển chọn và hội quân đến lúc kết thúc.
Tập quần quật cả năm trời, rồi thi đấu độ chục trận, rồi ai về nhà nấy, đợi mùa sau. Và điều đó hoàn toàn không có lợi cho sự phát triển đòi hỏi tính liên tục.
Với cầu thủ trẻ là "games và games", tức là quỹ các trận đấu. Họ cần được va đập liên tục, bởi chỉ có thi đấu mới mong tiến bộ, khi ở lứa tuổi này, những ý niệm về chiến thuật tầm cao là khá mơ hồ. Nếu như có thể, những người làm bóng đá Việt Nam (ở đây là bóng đá trẻ) có thể xây dựng và áp dụng hệ thống thi đấu kéo dài và liên tục trong năm thay vì chỉ tập trung vào các VCK, chúng tôi tin rằng sẽ tìm ra được rất nhiều viên ngọc thô chất lượng.
Kinh phí từ nguồn lực xã hội, hay vẫn gọi là xã hội hóa, không thiếu, chỉ cần có người huy động phi vụ lợi.
Tags