Đằng sau những ồn ào về vé tham quan Hội An: Doanh nghiệp tận thu, Hội An thất thu

Chủ nhật, 27/04/2014 07:32 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Chuyện Hội An bán vé tham quan không mới (từ năm 1995 đã bán vé tham quan trọn gói khu phố cổ), giá vé cũng không hề thay đổi từ hai năm nay (từ 2012). Vậy mà những ngày qua, dư luận ồn ào và xôn xao việc “Hội An tận thu vé tham quan khiến du khách quay lưng với điểm di sản này”.

 Từ Hội An, Thể thao & Văn hoá đã tìm hiểu những nguyên nhân của sự việc này.

Hội An chống thất thu vé, chứ không tận thu

Mới đây, chuyện một công ty công khai bán tour du lịch, trong đó tính tiền vé tham quan của khách trẻ em chưa đến hai tuổi, đã như giọt nước cuối cùng làm tràn ly nước khiến Hội An phải gióng lên hồi chuông siết chặt việc bán vé tham quan khu phố cổ.

Nói về việc  này, ông Võ Phùng – Giám đốc Trung tâm Thể thao văn hoá Hội An, đơn vị được giao tổ chức và quản lý việc phát hành vé tham tại KPC Hội An - cho biết: “Tất cả du khách là trẻ em (dưới 16 tuổi) người Việt Nam hay người nước ngoài khi đi thăm phố cổ Hội An đều được miễn vé tham quan. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp đã tận thu đến mức tính tiền vé tham quan cho khách du lịch là trẻ em chưa đến hai tuổi”.

Các doanh nghiệp tận thu khi bán giá tour du lịch cho khách như vậy nhưng Hội An lại thất thu đến 40% số tiền bán vé tham quan. Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch TP Hội An, cho biết: “Mỗi năm bình quân 400.000 khách không mua vé, Hội An thất thu gần 50 tỉ”.

Chuyện Hội An bán vé tham quan không mới (từ năm 1995 đã bán vé tham quan trọn gói khu phố cổ), giá vé cũng không hề thay đổi từ hai năm nay (từ 2012). Vậy mà những ngày qua dư luận ồn ào và xôn xao việc Hội An tận thu vé tham quan là vì nhiều lý do.

Thứ nhất, do gần đây Hội An tăng cường kiểm soát để chống thất thu từ nguồn bán vé. Việc tăng cường này chủ yếu quản lý chặt, tránh tình trạng khách du lịch “chui”. Năm 2013, Hội An đón hơn 2 triệu lượt khách, nhưng chỉ có chưa tới 50% số đó có mua vé tham quan phố cổ. Cũng có thực tế một số đơn vị lữ hành làm ăn không tử tế, bán tour đã thu tiền vé tham quan của khách, nhưng lại không mua vé cho khách, lại giỏi lách đưa khách đi tham quan khơi khơi vòng ngoài. Khách mất quyền lợi, Hội An thất thu.

Thêm vào đó, cũng có trường hợp hợp khách đi lẻ, đi tự do cũng chưa được hướng dẫn về việc phải mua vé, không biết quy định này mà lực lượng kiểm soát vé lâu nay chủ yếu tập trung vào khách đoàn, cũng gây thất thu một phần nguồn thu từ bán vé.


Du khách quốc tế mua vé tham quan và tìm hiểu thông tin về việc mua vé tại các quầy

Cần “linh hoạt” đối với việc mua vé tham quan

Nên chăng có loại vé với giá phù hợp dành riêng cho du khách chỉ đi dạo trong phố; thay vì họ phải trả giá vé trọn gói là 80.000 đồng, khá cao so với mặt bằng thu nhập.
Khi triển khai tăng cường kiểm soát để chống thất thu từ nguồn bán vé, lại có hiện tượng nhân viên bán vé, kiểm soát vé chưa giải thích thấu tình đạt lý cho du khách; thậm chí có thái độ thiếu chừng mực gây căng thẳng cho du khách. Nhiều trường hợp kiểm soát vé còn cứng nhắc. Khách vào buổi sáng, buổi chiều quay lại quên mang vé, nhưng kiểm soát viên một hai đòi khách phải có vé trên tay mới được vào. Khách không hiểu, sinh ra phản ứng vì hiểu lầm rằng cứ mỗi lần ra vô phố cổ là phải mua vé.

Gọi là “siết chặt và chống thất thu việc bán vé tham quan khu phố cổ” nhưng thành phố Hội An vẫn có những “linh hoạt” trong cách thực hiện.

Trên thực tế, đối với du khách vãng lai không lưu trú tại Hội An, khi vào khu di sản chỉ mua vé một lần và vé này có giá trị trong 24 giờ. Đối với khách lưu trú nhiều ngày ở Hội An, cũng chỉ mua một vé tham quan, sau tour tham quan, nếu khách có nhu cầu vào lại khu phố cổ để đi dạo, mua sắm… thì chỉ cần đem cuống vé để nhân viên kiểm soát nhận biết và mời vào khu di sản.

Suốt một thời gian dài, nhiều người dân Hội An, đặc biệt là giới tiểu thương cũng chưa được phổ biến về ý nghĩa của việc mua vé tham quan nhằm góp phần lớn trùng tu di sản nên chính họ đã có những phản ứng khi thành phố siết chặt vé tham quan với du khách. Nhiều chủ các cửa hàng, thậm chí tiểu thương chợ Hội An (nằm ngoài khu vực cần mua vé tham quan) cho rằng họ lo lắng với chính sách chống thất thu vé hiện nay.

Nên chăng có vé “dạo phố cổ”

Theo ghi nhận của phóng viên, khách nước ngoài hầu như không “la làng” giá vé quá cao; nhưng đối với khách trong nước thì giá 80.000 đồng là khá cao. Trong khi, nhiều người chỉ có nhu cầu đi dạo quanh phố cổ mà không ghé các điểm di tích, vì họ đã đi và biết từ những lần trước rồi. Trở lại Hội An nhiều lần vì họ thích không khí, không gian ở phố cổ. Nên chăng có vé với giá phù hợp hơn dành riêng cho du khách chỉ đi dạo trong phố; thay vì để du khách phải trả giá vé trọn gói (khá cao so với mặt bằng thu nhập), trong khi họ không đi hết số điểm di tích được chọn khi mua vé trọn gói. Đồng thời, thiết kế vé tham quan phố cổ cần có những thông tin đầy đủ. Vé cần được làm bằng chất liệu bền hơn; cũng như lưu ý du khách cần giữ lại vé để có thể ra vào phố cổ cho cả chuyến lưu trú tại phố cổ Hội An. Ngoài ra, phải có giải pháp để phân biệt du khách (phải mua vé) với người dân, và khách đến Hội An vì những lý do đặc biệt chứ không phải đi chơi (không phải có vé) một cách linh hoạt, tế nhị.

Chuyện ồn ào xung quanh việc chống thất thu vé tham quan Hội An thời gian qua nghĩ cho cùng vẫn là câu chuyện về hành xử văn hoá và do Hội An đã chưa thông tin đầy đủ cho du khách những cơ chế “linh hoạt” như đã nói ở trên khiến hiểu lầm và bức xúc.

85% tiền vé để trùng tu di tích

Từ năm 2000 đến nay, tổng thu vé đạt 225 tỉ đồng, TP Hội An đã có quy định bố trí khoảng 85% tiền thu được từ vé tham quan để đầu tư cho việc trùng tu các di tích, chi trả cho các chủ di tích tập thể và tư nhân duy tu, bảo dưỡng, tổ chức phục vụ khách đến tham quan. Đầu tư nâng cao chất lượng cho từng nội dung của các sản phẩm du lịch văn hoá hiện đang tổ chức vào cả ban ngày lẫn ban đêm tại Khu di sản. TP Hội An luôn gởi gắm thông điệp: "Mua vé tham quan để góp phần gìn giữ Di sản văn hóa thế giới Hội An".


Khiếu Thị Hoài
Thể thao & Văn hóa



Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›