(Thethaovanhoa.vn) - Còn nhớ 6 năm trước, tôi cùng một số nhà văn có mặt trong buổi xem phim và giao lưu với ê kíp sáng tạo bộ phim Người trở về (chuyển thể từ truyện ngắn Người về bến sông Châu của nhà văn Sương Nguyệt Minh) cùng biên kịch Nguyễn Thu Dung, đạo diễn Đặng Thái Huyền cùng các diễn viên: Lã Thanh Huyền, Phạm Tiến Lộc, Trương Minh Quốc Thái, Lê Thiện Tùng… Người trở về là bộ phim tạo nên xúc cảm mạnh mẽ trong khán giả về đề tài chiến tranh, hậu chiến.
Ra khỏi rạp, khán giả vẫn còn ngân ngấn bao cảm xúc. Đôi mắt Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Trần Đăng Khoa còn đỏ hoe nói với giọng nói xúc động: "Đây là bộ phim hay nhất về chiến tranh mà tôi được xem trong 10 năm trở lại đây".
Sự thành công của Người trở về cho ta niềm hy vọng hình như điện ảnh của ta đã qua thời “bĩ cực”…
Quý cô nhỏ nhẹ mà quyết liệt
Đạo diễn Đặng Thái Huyền sinh năm 1980 ở Hà Nội. Từ khi là sinh viên, chị đã nỗ lực học hỏi, làm đầy cho mình trước hết phông văn hóa, sau đó là chuyên môn. Từng rất mê phim kinh dị, Huyền đã sưu tầm phim của đạo diễn người Anh: Alfred Hitchcock (1899-1980) xem đến toát mồ hôi.
Năm 2003, tốt nghiệp thủ khoa lớp Đạo diễn Điện ảnh khóa 19 Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, Đặng Thái Huyền về nhận công táctại Điện ảnh Quân đội nhân dân với cấp hàm Trung úy. Đến nay, gần 20 năm theo nghề, Đặng Thái Huyền đã chứng minh đầy sức thuyết phục tình yêu điện ảnh bằng tất cả sự nỗ lực, tâm huyết, đam mê và được ghi nhận của giới chuyên môn. Phim của đạo diễn trẻ đã đoạt rất nhiều giải thưởng tại các kỳ liên hoan phim trong nước, quốc tế và giải Cánh diều. Hiện nữ đạo diễn mang quân hàm Trung tá và là Quản đốc Xưởng làm phim truyện của Điện ảnh Quân đội nhân dân.
Từ khi là sinh viên, Đặng Thái Huyền đã thể hiện tố chất, niềm đam mê điện ảnh. Nhận thấy cô học trò tài năng, chịu khó tìm tòi, sáng tạo, dấn thân, thầy giáo NSND Nguyễn Khắc Lợi đã tạo điều kiện làm trợ lý đạo diễn phim Tiếng cồng định mệnh, Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông. Theo thầy, cô học trò được thầy truyền nghề, niềm đam mê và cũng tự thấy bổn phận, trách nhiệm tri ân với thầy.
Khi dấn thân với điện ảnh, Đặng Thái Huyền không “kén cá chọn canh”, hoặc tự định vịchỉ một hướng đi dù phim chiến tranh, hậu chiến đã khẳng định một thế mạnh. Chị làm đủ thể loại phim từ phim điện ảnh, phim truyền hình dài tập, phim truyện video; phim truyện đến phim tài liệu; ở vị thế đạo diễn, hay nhà biên kịch; phim đầu tư của Nhà nước, hay tư nhân; đa dạng đề tài từ đương đại đến phim chiến tranh, hậu chiến và kể cả phim kinh dị…
Với Đặng Thái Huyền, dự án phim nào cũng có cái hay riêng, là “mảnh đất màu mỡ” để thử sức, tung tẩy, sáng tạo. Đó là cơ hội vàng cho người làm nghề, cần biết chớp thời cơ. Nhưng đồng thời chị cũng lại có nguyên tắc riêng cho mình. Nguyên tắc đó là uy tín chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm của nghệ sĩ – chiến sĩ với mỗi tác phẩm mình làm ra. Nguyên tắc đó chi phối, nên chị không ôm đồm, làm qua quýt, chiếu lệ. Là nghệ sĩ, nếu cảm xúc không đến, kịch bản đơn điệu, hời hợt, thì kiên quyết từ chối, nói “không” với kịch bản phim đó. Thực tế, chị đã từ chối dự án phim khá “màu mỡ, hồng hào” mà không ít đạo diễn mong ước. Nếu ai đó chọn cho mình con đường an toàn, thì quý cô tuổi Canh Thân lại thích chạm cái mới lạ, không ngại khởi đầu, tiên phong, dám đối đầu với thách thức, dám chấp nhận nhiều ý kiến đa chiều.
Đã qua rồi thời run rẩy, sợ hãi ban đầu, gần 20 năm gắn bó với nghề đã cho chị bản lĩnh và trải nghiệm quý giá. Đặng Thái Huyền luôn tâm niệm nếu không tự chịu trách nhiệm, dũng cảm, dấn thân thì làm sao có được cái mới, làm sao chạm đến bước đột phá. Xem ra, nữ đạo diễn xinh đẹp, nữ tính cũng “không phải dạng vừa đâu” khi bộc lộ đến tận cùng chính kiến, học thuật chuyên môn. Chị nhỏ nhẹ mà quyết liệt, đằm thắm mà cương quyết. Xem phim do Đặng Thái Huyền đạo diễn mới thấy rõ sự thông minh, trí tuệ, cá tính mạnh mẽ, sự quyết đoán dấn thân.
- Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ: Làm phim chiến tranh theo cách người trẻ
- 'Truyền thuyết về Quán Tiên' và sự trở lại của dòng phim chiến tranh
- Đạo diễn Đặng Thái Huyền: Phim chiến tranh mà 'cúng cụ' thì khó hay
- Đạo diễn Đặng Thái Huyền 'phục thù' với phim chiến tranh mới
Sau phim ngắn đầu tay Màu của đêm, chị đã thực hiện hàng chục phim thể loại phim truyện, phim tài liệu, đa dạng đề tài như: Đêm vùng biên,Để lại mùa xuân, Những ký ức không thể phai mờ, Chung sức cho ngày toàn thắng, Tấm bản đồ số phận, Mười ba bến nước, Người trở về…
Tôi khao khát làm phim chiến tranh chạm đến trái tim khán giả
Đó là thông điệp của nữ đạo diễn 8X làm phim về đề tài chiến tranh, hậu chiến. Là thế hệ trẻ lớn lên khi đất nước hết trận mạc, binh đao, nhưng dường như trong mỗi ngôi nhà vẫn hiện hữu những di chứng chiến tranh để lại. Thế hệ của Huyền không trực tiếp xáp mặt chiến trận, nhưng lại có khoảng cách nhìn lại tính sử thi, anh hùng ca của thế hệ cha anh một cách điềm tĩnh hơn, khắc chạm sâu trong mỗi số phận.
Môi trường công tác, những chuyến đi công tác cho Huyền những trải nghiệm thực tiễn quý giá. Mỗi mảnh đời, số phận là những cuốn sách chưa có trang cuối. Chị luôn nhất quán quan điểm làm phim chiến tranh không phải khơi thêm nỗi đau, sự sợ hãi hoặc đào sâu sự hằn thù, căm phẫn… Trên hết, phim phải hướng đến tính nhân văn, khơi dậy, phát huy truyền thống văn hóa của một dân tộc từng phải đối đầu với thiên tai, địch họa. Phim về chiến tranh, hậu chiến để nhắc nhớ cha ông chúng ta đã sống nhân hậu, chiến đấu kiên cường, quyết tâm bảo vệ đất nước và thế hệ hôm nay cần biết trân quý những giá trị đó. Đặng Thái Huyền tâm niệm là văn nghệ sĩ xây dựng tác phẩm văn học nghệ thuật về chiến tranh như “một món nợ”, có thể không ai “đòi”, nhưng cần được trả một cách sòng phẳng từ người trẻ hôm nay.
Sau phim ngắn đầu tay Màu của đêm, được đạo diễn Khắc Lợi tạo điều kiện làm trợ lý đạo diễn phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, Tiếng cồng định mệnh, Đặng Thái Huyền tự tin để đạo diễn nhiều bộ phim về chiến tranh và hậu chiến. Chị mang đến một góc nhìn mới về chiến tranh từ thế hệ hậu chiến. Chị là nữ đạo diễn trẻ duy nhất ở thời điểm này đam mê và là tác giả của phim chiến tranh, hậu chiến đầy cảm xúc, như: Đêm vùng biên, Vũ khúc ánh trăng, Đất lành, Mười ba bến nước, Người trở về, Nơi ta không thuộc về… và những dự định, ấp ủ làm phim về người lính thời hậu chiến khốc liệt và dữ dội.
Bộ phim Vũ khúc ánh trăng lấy cảm hứng từ câu chuyện của ông Trịnh Thanh Bình (Khối 6, thị trấn Hương Khê, Hà Tĩnh) sống sau hơn 30 năm được công nhận liệt sĩ, nay đã trở về… Tôi xem lại bộ phim trong cảm xúc xa xót về một tình yêu thời chiến mặn muối thấm đẫm chất lãng mạn, nhân văn. Phim mang đến nỗi ám ảnh, day dứt, nhất là “đêm tân hôn” ngay khi nhận giấy báo tử của người yêu, nhân vật Như đã “tự tình” với người đàn ông của mình trong tưởng tượng… trên muối trắng. Vật vã trên muối. Thăng hoa trên muối… Khá táo bạo khi đưa phân cảnh “nóng” này vào phim như chia sẻ của đạo diễn trẻ: "Chưa bao giờ cầm trong tay kịch bản mà tôi đau đến vậy. Cảnh nhạy cảm trên bãi cỏ, đồng lúa... hay những bối cảnh tương tự tôi đã từng làm và xem nhiều, nhưng không hiểu sao trong đầu tôi lúc đó ám ảnh về một cánh đồng muối trắng toát và chúng tôi đã quyết định dựng cảnh này trên muối. Đây là bối cảnh đặc biệt kỳ lạ. Màu muối trắng tinh khiết, sự xót xa như xát vào vết thương...".
Phim Đất lành đề cập đến phẩm tính con người chi phối cách ứng xử văn hóa, cách hóa giải hận thù sau chiến tranh. Phim do Điện ảnh Quân đội nhân dân thực hiện đã hướng đến tinh thần hòa hợp dân tộc- chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước.
Là người bạn học cùng khóa 1999-2003 Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, cặp bạn nghề Trịnh Quang Tùng - Đặng Thái Huyền luôn có cơ duyên ẵm giải thưởng. Thế nên, một nhà sản xuất mời Huyền đạo diễn, định mời một quay phim nước ngoài từng quay nhiều phim “bom tấn” Hollywood, thì Đặng Thái Huyền từ chối và chỉ nhận làm đạo diễn phim với điều kiện Trịnh Quang Tùng là quay phim, là DOP đã cùng chị làm nên dấu ấn cho nhiều bộ phim.
Khi đọc kịch bản Người trở về của nhà biên kịch Nguyễn Thu Dung, do Đặng Thái Huyền đạo diễn mời quay phim, Trịnh Quang Tùng chia sẻ: “Em đã làm DOP nhiều phim của Đặng Thái Huyền. Bạn ấy là một đạo diễn giỏi, tư duy rất mới của người trẻ làm phim chiến tranh. Ê kíp làm việc của chúng em khá ăn ý. Nhìn Huyền trên trường quay, làm việc không mệt mỏi trong mọi điều kiện thời tiết, khí hậu đàn ông chúng em cũng phải mủi lòng. Làm phim, Huyền bình tĩnh trực tiếp xử lý từng khối thuốc nổ, chịu trách nhiệm lớn về an toàn, tính mạng cho diễn viên… cảm phục bạn ấy vô cùng. Huyền đã mang tất cảm xúc làm nên thành công cho từng bộ phim…”.
Sau thành công của Người trở về, Đặng Thái Huyền là cái tên được nhắc tới nhiều nhất và nhiều nhà sản xuất mời chị tham gia phim đề tài chiến tranh, hậu chiến. Nơi ta không thuộc về là bộ phim do Đặng Thái Huyền là tác giả kịch bản và đạo diễn do Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất. Phim kể nữ nhà báo quân đội Đông Hà đi thực tế, gặp gỡ nhân chứng, sưu tầm tư liệu để viết bài về căn cứ bí mật cất giấu kho đạn thời chiến tranh ở Thung Ma. Cô lần tìm theo những dấu tích xa xưa. Hài cốt các liệt sĩ sau hơn 40 năm bị chôn vùi trong lòng hang sâu đã được tìm thấy và đưa về quê hương…
Là một nghệ sĩ, chiến sĩ, Đặng Thái Huyền luôn trăn trở về sự vắng bóng, thưa thớt, thiếu đầu tư dài hơi về phim đề tài chiến tranh cách mạng. “Một đất nước trận mạc. Một lịch sử trận mạc” (Chu Lai) với bao chiến công vĩ đại, bao chiến tích anh hùng, bao số phận trầm tích mà lại thiếu vắng tác phẩm điện ảnh về nó, hoặc có thì lại quá “khiêm tốn”.
Là một người lính, Huyền tự nhủ không được phép lãng quên. Lãng quên là có tội với đất nước. Dẫu ai đó nói là “hoang đường”, “phiêu lưu”, “mạo hiểm”, thì Huyền vẫn mơ ước được làm phim chiến tranh chiếu rạp, tạo nên cơn sốt vé, doanh thu cao… khác hẳn tư duy định vị rằng dòng phim này làm nhân các kỳ cuộc, lễ lạt, kỷ niệm, “cúng cụ” rồi “cất kho”… Muốn vậy, phim phải được đầu tư tốt. Bởi kinh phí cho phim đề tài chiến tranh, hậu chiến luôn cao hơn rất nhiều so với các phim đề tài hiện đại. Có một nghịch lý là đầu tư cho dòng phim này rất hạn chế từ kinh phí làm phim đến quảng cáo. Các nhà sản xuất ngại làm phim phải đầu tư khủng. Các rạp thiếu mặn mà nhận dòng phim này kinh doanh. Phim đông khán giả là vì “được” chiếu miễn phí…
Nữ đạo diễn trẻ lặng lẽ mơ tưởng có được những bộ phim chiến tranh hay từ kịch bản đến đầu tư… phải thật hấp dẫn, chạm đến trái tim khán giả mọi thế hệ, nhất là thế hệ trẻ. Mong ước phim ra rạp có thể bán vé một cách sòng phẳng như các phim thương mại giải trí khác. Và riêng chị, dự án phim chiến tranh Mùi thuốc súng vẫn còn đó như một món nợ lòng...
(Còn tiếp)
Cống hiến và ghi nhận Đạo diễn Đặng Trái Huyền đã tự chọn đề tài và dấn thân với nó với cống hiến cho nền điện ảnh Việt Nam: Giải thưởng phim “Cõi vui” đoạt Giải 3 phim ngắn Liên hoan phim sinh viên điện ảnh – 2005; phim ngắn "Đêm vùng biên" đoạt giải B (không có giải A) của Bộ Quốc phòng (xét giải 5 năm các tác phẩm Văn học Nghệ thuật về đề tài lực lượng vũ trang, năm 2006), phim đoạt giải Quay phim xuất sắc nhất và diễn viên Đồng Thanh Bình đoạt Nam diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XIV; phim tài liệu "Để lại mùa xuân" (Bằng khen Giải Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2007); “Vũ khúc ánh trăng” (Bằng khen Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XVII); bộ phim "Mười ba bến nước" đã đoạt 6 giải Bông sen vàng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XVI - 2009 ở thể loại phim truyện video (Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Quay phim xuất sắc nhất, Diễn viên nam, nữ chính xuất sắc nhất và Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất). Bộ phim “Người trở về” đoạt giải của Hội đồng giám khảo Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21; phim “Tấm bản đồ số phận” đoạt Huy chương vàng Liên hoan Truyền hình lần thứ 29. Năm 2020, Trung tá Đặng Thái Huyền được nhận giải thưởng Tác giả lời bình cho phim phim tài liệu "Phim đỏ" đạt chất lượng tốt nhất… |
PGS-TS LÊ THỊ BÍCH HỒNG
Tags