Lối chơi nào phù hợp cho đội tuyển Việt Nam?

Thứ Sáu, 02/10/2015 07:35 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Theo mô tả từ những buổi tập gần đây của đội tuyển Việt Nam, có vẻ như HLV Toshiya Miura đã có những điều chỉnh về cơ chế vận hành chiến thuật, khi xác định được sở trường của đối thủ và sở đoản của mình. HLV trưởng người Nhật Bản chú trọng các miếng phối hợp trong không gian hẹp, yêu cầu các học trò tích cực di chuyển, đồng thời chuyển sang chơi bóng ngắn và sệt, bắt đầu từ thủ môn, khâu đầu tiên phát triển một tình huống lên bóng.

"Tôi cho rằng đây là lối đá hợp lý nhất cho đội tuyển Việt Nam", cả Văn Quyết và Huy Toàn đều thống nhất như thế. Nhưng liệu các học trò của ông Miura có kịp thích nghi, khi một giai đoạn dài trước đó, trong màu áo CLB lẫn các cấp độ ĐTQG, họ gần như chỉ chơi bóng dài theo kiểu đá khoán và đá cho xong nhiệm vụ?

Chúng ta lại phải nhắc câu phát biểu của tiền đạo đội trưởng Lê Công Vinh rằng triết lý bóng đá tại các CLB có giúp ích cho ĐTQG hay chưa, trước khi phán xét hay đòi hỏi một lối chơi có bản sắc cho đội bóng.

Tại phần lớn các CLB đang chơi ở V-League, bao gồm cả HAGL ở những thời điểm khó khăn lẫn Hà Nội T&T, một đội bóng đề cao triết lý kiểm soat bóng, đều vận hành với sơ đồ 2 tiền đạo ngoại, hoặc ít nhất một Tây nhập tịch. Bóng từ tuyến thấp nhất được phóng lên phía trên, hướng về phía các trung phong ngoại mạnh về tì đè, để nếu không độc lập tác chiến được thì họ cũng có thể làm tường cho một vệ tinh khác băng lên đón lõng.

Sử dụng ngoại binh châu Phi cao to và giỏi va chạm là đặc trưng của V-League và những đội thường xuyên giành các vị trí cao là những đội sở hữu các trung phong ngoại giỏi với trung bình trên dưới 20 bàn thắng/mùa giải. Các chân sút nội, đặc biệt là vị trí trung phong có nguy cơ tuyệt chủng, cũng vì lý do này.

Tai hại hơn, nó ảnh hưởng không nhỏ đến các ĐTQG và kể từ sau triều đại Henrique Calisto, rất nhiều HLV đã lúng túng trong việc chọn và đưa ra một cơ chế vận hành tối ưu cho đội bóng.

Tại Thai-League, các CLB vẫn được đăng ký 5 ngoại binh, nhưng tại sao nguồn nội lực vẫn khẳng định được vai trò, giúp các ĐTQG của họ có một cơ thể tráng kiện tương đối? Đó là bởi phần lớn các ngoại binh gia nhập Thai-League đều có xuất xứ Nam Mỹ, Đông Âu hoặc ít nhất là Đông Bắc Á. Họ chơi bóng kỹ thuật hay nói văn hoa hơn một chút là chơi bóng nhiều hơn bằng cái đầu. Cầu thủ Thái  Lan nghiễm nhiên được lợi, họ học hỏi và tiến bộ rất nhanh.

Và, các ĐTQG Thái Lan cũng không mất nhiều thời gian lắp ghép với triết lý bóng đá phù hợp tối đa với cơ địa cầu thủ. Người ta gọi là "chiến thuật mặt cỏ", tức chủ yếu chơi bóng sệt ở mặt đất. Đấy là lựa chọn tối ưu về mặt chiến thuật với bóng đá khu vực do thiệt thòi về hình thể và sức vóc.

Ở V-League 2015, sự nở rộ của các chân sút nội không phải vì họ đã phát triển lên một đẳng cấp chơi bóng khác, mà là thời thế, khi phần lớn đều chỉ phải đối chọi với  hàng tứ vệ là nội binh và được hưởng lợi nhiều từ trung phong ngoại. Bản thân 5 tiền đạo được tập trung lần này cũng không hẳn là những tiền đạo thuần tuý, những trung phong điển hình, mà chủ yếu chơi bám biên hoặc hộ công.

Triết lý huấn luyện cấp CLB rõ ràng không đồng thuận với những đòi hỏi trên ĐTQG, nhưng ở mức độ nào đó, ít nhiều phải có mối quan hệ tương hỗ. Tuy nhiên ĐTQG và V-League lúc này dường như những cá thể không cùng giống nòi, dù vẫn những con người ấy. Quả là quá khó cho HLV Miura trong việc đi tìm bản ngã trong lối chơi của đội tuyển Việt Nam.

Nguyệt Bàn
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›