Tiền đạo Công Vinh: 'Hãy chia sẻ, cổ vũ trước khi đòi hỏi'

Thứ Sáu, 02/10/2015 13:26 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - “Tôi để ý thấy, suốt một thời gian dài qua, chúng ta, ở đây là người hâm mộ, một bộ phận những người làm chuyên môn và cả giới truyền thông, chỉ đòi hỏi mà rất ít chia sẻ với các vấn đề của HLV Miura, của đội tuyển Việt Nam và rộng ra là của cả nền bóng đá. Những đòi hỏi thiếu thực tế như thế, dễ cản trở sự phát triển của đội bóng, tức là hoàn toàn có hại chứ không có lợi”, đội trưởng Lê Công Vinh chia sẻ với Thể thao & Văn hóa cuối tuần, trước giờ ra sân tập cùng đội tuyển quốc gia chuẩn bị cho vòng loại World Cup 2018.

“Mọi thứ lúc này rất nhạy cảm và việc tôi có thể chia sẻ điều gì đó, cũng là muốn tốt cho đội bóng và tốt cho tất cả. HLV Miura là người nghiêm khắc, nhưng ông ấy luôn tin tưởng tôi, cũng như các học trò của mình”, vẫn lời Lê Công Vinh.

“Chúng ta cần phải thực tế hơn”

Sau hơn một năm cộng tác với HLV Miura, trải qua nhiều trận đấu, giải đấu lớn nhỏ, Công Vinh có thể đưa ra một cái nhìn tổng thể, rằng đội bóng có sự tiến bộ nào không hay chúng ta đang giậm chân tại chỗ, thậm chí đi lùi, dưới thời HLV Miura?

- Là cầu thủ, tôi không được phép bàn về lối chơi, cũng như phương pháp làm chiến thuật của HLV. Cái này để dành cho những nhà chuyên môn, cũng như các cây bút chuyên về bóng đá như anh chẳng hạn (cười).

Để đánh giá về đội bóng, chúng ta cần một quá trình và thậm chí, cần soi lại yếu tố lịch sử. Mà lịch sử ở đây là gì, là những khó khăn về nhân sự và cả thời cuộc, từ "cuộc khủng hoảng mini" năm 2011–2013, trước khi HLV Miura đến Việt Nam. Hơn nữa, với HLV Miura, thành tích của các ĐTQG đã được cải thiện, điều đó cần được ghi nhận.


Công Vinh tránh nhận xét về Công Phượng. Ảnh: Phạm Tuân

Phải xem lại các chất lượng của giải đấu cao nhất Việt Nam, với triết lý của CLB có giúp ích được nhiều cho các ĐTQG hay không, rồi đào tạo trẻ có đủ cầu hay chưa, bao gồm cả số lượng lẫn chất lượng, bởi điều này rất quan trọng. Nó liên quan đến tính kế thừa ở tầm cao, với đầu ra là các ĐTQG. Từ đó chúng ta mới đánh giá được chủ thể là đội tuyển Việt Nam lúc này.

Công Vinh vừa nhắc đến tính kế thừa, có cảm giác như chất lượng cầu thủ dưới thời Toshiya Miura khó thể so được với những người tiền nhiệm và đó là lý do cơ bản, tác động đến năng lực chinh phục tầm cao, chứ không phải khả năng của ông Miura đã “kịch trần”?

- Tôi không muốn thừa nhận chất lượng cầu thủ ĐTQG đi xuống, nhưng sự thật là như vậy. Thời “thế hệ vàng”, với những Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Hữu Thắng, Công Minh…, đội tuyển Việt Nam có một cơ thể rất tráng cường. Để rồi sau đó, lứa những Huy Hoàng, Như Thành, Hồng Sơn, Minh Phương, Tài Em…, rất đồng đều về đẳng cấp chơi bóng, cho đến thời của chúng tôi.

Cần tạo được tính kế thừa xuyên suốt như thế, mới hy vọng chinh phục được danh hiệu, mà điển hình nhất là chức vô địch AFF Cup 2008 (dưới thời Henrique Calisto), cùng một năm khá thành công trước đó, tại các hạng mục giải đấu năm 2007 (thời Alfred Riedl). Rõ ràng, thực thể nền bóng đá là yếu tố cốt lõi, chứ không hẳn là các HLV trưởng.

Theo logic thì đội tuyển Việt Nam gần như không có cơ hội trước các đối thủ mạnh sắp tới như Iraq hay Thái Lan sắp tới đây?

- Bóng đá luôn tạo ra cơ hội, dù là nhỏ nhất và chúng ta phải biết nắm bắt nó khi có thể. Thân là cầu thủ, bạn phải chiến đấu hơn 100% khả năng tốt nhất của mình, rồi hy vọng điều tốt đẹp sẽ đến. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn nhắc lại, rằng chúng ta phải thực tế.

Đội tuyển Việt Nam không phải là đội bóng mạnh nhất thế giới, muốn thắng ai thì thắng và đội mạnh nhất thế giới cũng không bao giờ nghĩ thế. Và ngoài ra, cần chắc chắn một điều, Iraq là một trong những đội bóng hàng đầu châu lục, với dàn cầu thủ đẳng câp và phần lớn đều đang chơi bóng ở nước ngoài. Lợi thế sân nhà gần như là duy nhất, nhưng nếu vì lý do gì đó mà khán giả không hoặc chỉ tìm đến sân rất ít, thì xem như đội bóng đã mất luôn quyền lợi này rồi.

Nói thế để thấy, đội bóng cần được ủng hộ và chia sẻ của tất cả, từ các nhà báo đến người hâm mộ. Người hâm mộ có đôi khi không xem trận đấu và tiếp nhận nó thông qua các bài báo, ví như tôi đọc một bài nào đó chẳng hạn.

Vai trò dẫn dắt của truyền thông là rất quan trọng và nếu chỉ đem đến độc giả những sản phẩm bóng đá xấu xí, đương nhiên người hâm mộ sẽ quay lưng với đội bóng, điều đó là rất bất lợi. Tôi luôn tin tưởng những cây bút có chuyên môn, với những bài viết tử tế, những phản biện đúng mực, bởi họ cũng vì cái chung.

“Không thể “dạy khôn” Công Phượng”

Có thông tin về sắp tới Công Phượng sẽ gia nhập CLB Mito HollyHock ở giải J-League 2, giải đấu mà Công Vinh từng có thời gian thi đấu trong màu áo của Sapporo, cách đây không lâu. Anh có lời khuyên hay ít nhất là chia sẻ nào cho đàn em không?

- Tôi không thể và không muốn “đụng” đến Công Phượng, bởi bầu Đức sẽ… đánh tôi chết (cười)! Bản thân tôi, dù đã được trang bị khá đầy đủ trước khi ra nước ngoài thi đấu, từ Leixoes SC của Bồ Đào Nha đến Sapporo FC, nhưng vẫn vừa đi vừa mò mẫm.

Đến Nhật Bản thi đấu, có nghĩa là bạn đã gia nhập một giải đấu hàng đầu, với môi trường rất chuyên nghiệp. Cuộc sống nơi đất khách quê người khó khăn thế nào, hẳn chúng ta đều cảm nhận được, tuy nhiên, chỉ đến khi trải qua rồi mới biết đích xác nó… màu gì.

Sự cổ vũ và những chia sẽ có thể giúp mình mạnh mẽ hơn, nhưng cơ bản vẫn là nỗ lực bản thân. Chắc rằng, tôi đã có những trải nghiệm rất thú vị, điều mà không nhiều cầu thủ Việt Nam từng được “nếm”.

Phần trước, anh nói bóng đá Việt Nam muốn phát triển cần nhiều hơn sự chia sẻ, giờ Vinh lại vừa nói thêm, sự cổ vũ có vai trò quan trọng. Ý là…

-  Chúng ta sẽ phải ngồi lại, để cùng chung tay vì sự phát triển của đội bóng và cả nền bóng đá. Chỉ khi nào những cây bút – nhà báo thể thao thôi hằn học, cho ra các bài báo hay và tốt, kéo khán giả đến sân đông như trẩy hội, CLB hay đội bóng mới có nguồn thu để chăm sóc cầu thủ, cũng như sản phẩm bóng đá tốt hơn, tăng tính cạnh tranh cao hơn…, và tự khắc bóng đá sẽ phát triển. Đấy là các mối quan hệ tương hỗ bắt buộc!

Tôi lấy ví dụ như HAGL, là chia sẻ cá nhân thôi nhé. Họ có thể thi đấu thành công hay thất bại, nhưng luôn nhận được sự chia sẻ, cổ vũ, bắt đầu từ một bộ phận đáng kể giới truyền thông, sau đó mới đến người hâm mộ.

Đây là điều mà không phải đội bóng nào cũng có và bản thân đội tuyển Việt Nam cũng thế, khi người hâm mộ chỉ quan tâm đến việc HLV phải gọi cầu thủ mà họ yêu thích lên Tuyển, rồi đòi hỏi vừa phải đá đẹp, vừa có chiến thắng.

Làm gì có chuyện vừa đẹp, lại vừa chiến thắng, khi chúng ta phải đối đầu với các đối thủ mạnh và HLV vốn không có thời gian đủ dài làm việc? Cần công tâm và có một cái nhìn khách quan hơn.

Cảm ơn những chia sẻ của Lê Công Vinh và chúc anh, cũng như đội tuyển Việt Nam thi đấu thành công!

 Nguyệt Bàn (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›