(Thethaovanhoa.vn) - Gần như cùng một lúc, hai câu chuyện đau lòng xảy ra tại Hải Dương và Hà Nội theo một kịch bản chung: như bị thôi miên, cả đám đông lao vào hành hung hoặc đốt xe của những người vô tội vì nỗi ám ảnh rằng họ là kẻ bắt cóc trẻ em.
- Không có việc thôi miên, bắt cóc trẻ em ở Hải Dương
- SỐC: Học sinh Hàn Quốc bắt cóc bạn thân, nhốt tra tấn trong 10 ngày
- NASA nói gì về tin đồn 'bắt cóc trẻ em lên sao Hỏa làm nô lệ'?
Sự ám ảnh dẫn tới manh động ấy, phần nào, cũng giống như chuyện mà báo chí từng đăng tải trước đây – khi tại một làng quê, dân làng cũng từng đánh gần chết vài thanh niên vì nghi oan họ bắt trộm chó.
Những gì đã xảy khẳng định sự thật: từ những uẩn ức dồn nén trong cuộc sống, từ tác động của những thông tin ít hoặc không được kiểm chứng đang dồn dập đổ lên đầu, một số đông người dân đang biến nỗi sợ hãi thành bạo lực.
... Mà số đông ấy, với dân trí thấp, với sự thúc đẩy của những người thiếu lí trí và sự tỉnh táo, dường như ngày càng trở nên đông hơn trong xã hội này.
Điều gì đã khiến họ trở nên như thế? Liệu các nhà chức trách có biết và nắm rõ nguyên nhân tại sao? Điều gì có thể được làm để ngăn ngừa những vụ việc tương tự tiếp diễn?
Không chỉ có dân trí thấp, ý thức pháp luật kém hay nỗi sợ hãi lan truyền theo cấp số nhân mới là lý do khiến số đông ấy sẵn sàng thực hiện các hành vi bạo lực nhằm tạo lập công lí và bất cần quan tâm đến sự tồn tại của nhà chức trách.
Bản thân, sự vắng mặt hoặc chậm xuất hiện của các thông tin chính thống từ chính cơ quan công quyền cũng tạo ra một khoảng trống đáng sợ và kích thích các hành vi mông muội của số đông bùng phát. Có cảm giác rằng, cơ quan công quyền cũng thường hành động chậm chạp và rất thiếu tính hệ thống để đối phó với các hoàn cảnh tương tự, đồng thời cũng rất thiếu các kịch bản cần thiết và hiệu quả khi sử dụng các mạng xã hội để trấn an dư luận.
Không thể cứ mãi mãi kêu gọi cộng đồng mạng ngừng chia sẻ các tin đồn thất thiệt, chưa hoặc không thể kiểm chứng để tránh tình trạng bất an, khi mà nỗi sợ hãi về đủ mọi vấn đề đã thường trực và chỉ đợi cơ hội để bùng lên thành những hành động đáng tiếc mà không có các biện pháp tiếp theo.
Cũng không thể đơn giản ngăn ngừa các tin tức giả (fake news) đang là mốt hiện tại bằng cách mong đợi lương tâm của số đông thức tỉnh, khi họ không hoặc ít có các cơ sở xác thực để bấu víu.
***
Ở nhiều nước phát triển, câu chuyện về fake news là một sự thật khó có thể chối cãi.
Liên quan đến nạn bắt cóc trẻ em, cách đây chưa lâu, mạng twiter của cảnh sát Canada đã lên tiếng với các công dân và khẳng định rằng mọi người cần phải tỉnh táo trong việc chia sẻ các thông tin liên quan đến tình trạng này. Thông điệp đưa ra: việc chia sẻ hình ảnh trẻ mất tích có thể khiến cho những kẻ bắt cóc làm hại đứa trẻ, và rằng, “trong một số trường hợp, trẻ mất tích trong post mà bạn chia sẻ trên thực tế không mất tích. Có thể chúng đang lẩn trốn để đảm bảo an toàn”.
Cảnh sát khuyến cáo, người dùng Facebook nên chia sẻ các thông tin từ các nguồn tin của cảnh sát hoặc tin chính thống. Điều đó cho thấy, nỗi lo sợ vì bất an là không có biên giới, và chỉ có thái độ ứng xử hợp lí, mạnh mẽ và đúng lúc của nhà chức trách mới có thể ít nhất trấn an dư luận và tránh để xảy ra các sự cố đáng tiếc.
Câu hỏi đặt ra là các cơ quan chức năng của chúng ta học được gì từ bài học ấy, và đã coi mạng xã hội như là một công cụ quan trọng và hữu hiệu về khả năng lan truyền để khẳng định trước hết là tính chính danh của cơ quan chức năng trong các vấn đề trị an, sau đó cung cấp thông tin xác thực trong những sự kiện nóng về trị an như thế này chưa?
Và nữa, liệu các cơ quan quản lý có hiểu được rằng, “sâu bệnh” fake news có thể được phát tán rộng rãi không chỉ vì sự hiếu kì, thiếu ý thức cũng như nỗi sợ hãi của chính những người chia sẻ chúng trên mạng, mà còn vì sự thiếu mạnh tay của phía quản lý trên một phương tiện có tính lan tỏa lớn đến thế?
Anh Ngọc
Thể thao & Văn hóa
Tags