Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên tiết lộ, những câu chuyện xúc động và phi thường từ các cô chú du kích Củ Chi đã khơi nguồn cảm hứng mạnh mẽ, thôi thúc ông tái hiện cuộc chiến độc đáo này trên màn ảnh rộng.
Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), Đoàn Thanh niên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Đoàn Bộ Tài Chính, Vietnam Airlines, Vietcombank, Tập Đoàn Công nghiệp năng lượng Quốc gia Việt Nam tổ chức chương trình đặc biệt Tri ân lịch sử - Truyền lửa thanh niên vào tối 21/4.

Ê-kíp làm phim góp mặt trong chưogn trình Giáo dục lý tưởng Cách Mạng cho đoàn viên, thanh niên qua phim truyện điện ảnh
Tâm điểm của chương trình là buổi chiếu phim truyện điện ảnh Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối và giao lưu giữa đoàn viên thanh niên và đoàn làm phim, với sự tham gia của diễn viên Anh Tú, Nhật Ý và đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Đặc biệt, Anh hùng LLVT nhân dân Tô Văn Đực tham dự lễ khai mạc chương trình.
Sự kiện ý nghĩa này nhằm giáo dục chính trị, tư tưởng cho đoàn viên, thanh niên, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, truyền thống yêu nước và trách nhiệm với Tổ quốc. Thông qua bộ phim về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thế hệ trẻ sẽ có cơ hội hiểu sâu sắc hơn về cuộc sống chiến đấu kiên cường của quân và dân Củ Chi.

Diễn viên Anh Tú (ngoài cùng, trái) và diễn viên Nhật Ý (ngoài cùng, phải) xuất hiện rạng rỡ tại sự kiện
Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên tái hiện một cách sinh động và xúc động tinh thần bất khuất, mưu trí của những người lính và du kích Củ Chi. Bộ phim không chỉ gợi nhớ những ký ức hào hùng mà còn khơi gợi suy ngẫm về giá trị hòa bình và sự hy sinh của thế hệ cha ông.

Đoàn phim giao lưu cùng khán giả
Tại sự kiện, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ về hành trình 10 năm ấp ủ và thực hiện bộ phim Địa đạo: "Năm 2014, một dự án làm phim 3D ngắn 10 phút về địa đạo Củ Chi của anh Nam đã mang đến cho tôi cơ hội phỏng vấn những cô chú du kích nơi đây. Những câu chuyện đầy cuốn hút của họ đã thôi thúc tôi thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn sâu hơn. Những thước phim phỏng vấn cuối phim mà mọi người xem chính là tôi ghi lại vào năm 2014.
Sức lay động lòng người từ những câu chuyện ấy thật lớn lao. Sau khi tìm hiểu sâu hơn, tôi nhận ra đó thực sự là một chiến lược tài tình để chống lại kẻ thù của người Việt Nam, của Bác Hồ và của những nhà lãnh đạo Việt Nam, được hình thành từ những năm 1941-1942. Chiến lược ấy đã mang lại nguồn cảm hứng vô tận, cho thấy một dân tộc nhỏ bé nhưng không thể bị đánh bại bởi bất kỳ kẻ thù nào, dù hùng mạnh đến đâu. Những con người ấy thật phi thường, và đó là tiền đề cho một câu chuyện phim tuyệt vời.
Tôi đã dành hai năm để viết kịch bản này, sau đó là thời gian tìm kiếm cơ hội thực hiện, thậm chí viết lại một vài lần. Càng tìm hiểu, tôi càng thấu hiểu sâu sắc hơn về câu chuyện. May mắn thay, đến năm 2022, cơ hội làm phim đã đến, và hôm nay, bộ phim đã ra mắt khán giả".
Đạo diễn gạo cội tiết lộ thêm về quá trình xây dựng đại đạo: "Để tái hiện chân thực thế giới địa đạo Củ Chi, tôi đã trò chuyện sâu với các cô chú du kích, tìm hiểu cặn kẽ về quá trình hình thành kỳ công này. Thật kinh ngạc khi người dân Củ Chi, với dụng cụ thô sơ và nguồn lực tối thiểu, không bản đồ, không kỹ sư, đã tự tay đào nên một hệ thống địa đạo chiến chống giặc vô cùng hiệu quả. Họ đào hoàn toàn bằng tay, tạo ra những đường hầm ngoằn ngoèo, lên xuống thất thường, chỗ to chỗ nhỏ, cố tình làm gấp khúc để hạn chế tầm sát thương của đạn và sự xâm nhập của địch".
Qua lời kể, đạo diễn dần hình dung cách họ đào địa đạo, làm miệng hầm bí mật và chống đột nhập. Câu chuyện về sự kiên cường của những người du kích trong địa đạo, chống lại mọi biện pháp phá hủy và truy bắt của quân Mỹ, đặc biệt là đội tình báo - mục tiêu số một của địch - đã thôi thúc ông. Họ ẩn mình vững chắc trong địa đạo, một minh chứng cho sức mạnh và ý chí của con người Việt Nam.
"Dù "Địa đạo" đã vượt 150 tỉ, kỷ lục doanh thu phim chiến tranh Việt, chúng tôi vẫn còn xa mới hòa vốn, cần tới 180 tỉ," đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ. Anh hy vọng phim đủ để trả vốn nhà đầu tư, khuyến khích họ tiếp tục rót vốn vào những dự án lịch sử khác, giúp khán giả hiểu hơn về cội nguồn
Khi xây dựng bối cảnh, đạo diễn cùng họa sĩ thiết kế đã cố gắng suy nghĩ như những người nông dân Củ Chi. Địa đạo do họ đào không thẳng thớm, đều đặn mà mang đậm dấu vết của đôi bàn tay, của bóng tối và sự thiếu thốn. Chính sự "con người" ấy đã tạo nên một không gian chân thực, sống động, trở thành "background" tuyệt vời cho nhân vật. Họ đã dựng ba tầng địa đạo trong trường quay, bao gồm hầm họp, bếp và 250m đường hầm, tạo ra một môi trường 360 độ để diễn viên có thể hoàn toàn hòa mình vào vai diễn, cảm nhận cuộc sống của những người du kích.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên bày tỏ sự biết ơn sâu sắc đến khán giả, nhiều người đã xem lại và đưa gia đình đến rạp, điều khiến anh vừa ngạc nhiên vừa xúc động. Anh tin rằng cảm xúc bộ phim mang lại đã chạm đến khán giả, và sự đồng cảm này là "phần thưởng quý giá". Ảnh: ĐPCC
Chương trình đã thu hút hơn 400 đoàn viên thanh niên từ các đơn vị tổ chức, cùng nhau học hỏi, tri ân và truyền lửa yêu nước, tự hào dân tộc. Với sự chuẩn bị chu đáo, sự kiện không chỉ tưởng nhớ lịch sử mà còn nuôi dưỡng tinh thần yêu nước trong thế hệ trẻ, lan tỏa thông điệp "Biết ơn quá khứ – sống trách nhiệm với hiện tại – kiến tạo tương lai".
Tags