(Thethaovanhoa.vn) - Đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho rằng, thách thức lớn nhất với những người sản xuất phim truyền hình chính là vượt lên những thành công đã đạt được.
"Dù trong bối cảnh nào, VFC vẫn đặt tiêu chí chất lượng lên hàng đầu, chứ không chạy theo tiến độ hay số lượng" - Đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam (VFC) chia sẻ với Thể thao và Văn hóa (TTXVN).
VFC đặt chất lượng phim lên hàng đầu
* Làm sao có được những "bom tấn" truyền hình như: “Người phán xử”, “Sống chung với mẹ chồng”, “Quỳnh búp bê”... thưa anh?
- Thành công của mỗi bộ phim đến từ rất nhiều yếu tố như kịch bản, diễn viên, ê-kíp sản xuất, thời điểm phát sóng… Tuy nhiên tôi muốn nhấn mạnh yếu tố kịch bản và khâu biên tập.
Chúng tôi đã có sự đầu tư, chuẩn bị rất kỹ lưỡng về mặt kịch bản và cố gắng lựa chọn phong cách làm phim phù hợp cho mỗi dạng đề tài. Ngoài ra, đạo diễn và diễn viên luôn có sự phối hợp, trao đổi kỹ trước khi quay phim để nhân vật thực sự gây ấn tượng, có tính cách nổi bật.
* Thành công của loạt phim truyền hình VFC thời gian qua được cho là đã lôi kéo khán giả quay trở lại với màn ảnh. Bên cạnh công sức của những người trực tiếp thực hiện phim thì việc lựa chọn hướng đi của VFC cũng vô cùng quan trọng. Anh có thể chia sẻ thêm về điều này?
- Hướng làm phim của VFC dù trong bối cảnh nào vẫn là đặt tiêu chí chất lượng lên hàng đầu, chúng tôi không chạy theo tiến độ hay số lượng. Nếu một dự án phim chưa có được những sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì chúng tôi sẽ không vội vàng sản xuất.
Hiện nay, thị hiếu khán giả ngày càng cao, có nhiều sự lựa chọn, không chỉ phim Việt Nam mà còn các bộ phim truyền hình nước ngoài, chưa kể các chương trình giải trí khác. Vì vậy, phim truyền hình Việt nếu không nỗ lực nâng cao chất lượng, điều chỉnh hình thức thể hiện để hấp dẫn khán giả thì rất khó cạnh tranh.
* Việc chinh phục khán giả rất khó khăn, cùng một đề tài nhưng vẫn có thể có phim không được đón nhận. Hay, cùng là phim remake (phim làm lại) nhưng phim thì hot nhưng cũng có phim không được khán giả đón nhận. Anh lý giải như thế nào về điều này?
- Phim remake hay kịch bản tự viết không phải là vấn đề lớn, quan trọng nhất là chất lượng và sự đa dạng đề tài để phục vụ nhiều tầng lớp khán giả truyền hình. Khác với phim chiếu rạp vốn tập trung vào đối tượng khán giả trẻ, đề cao tính giải trí và phải thu hút khán giả mua vé xem phim trong khoảng thời gian 1 - 2 tuần, phim truyền hình vừa phải đáp ứng được nhu cầu giải trí, vừa phải có nội dung hướng đến những giá trị tích cực, phục vụ nhiều tầng lớp khán giả, phù hợp cả tính vùng miền văn hóa.
Thực tế, có những phim thu hút khán giả trẻ, được bàn tán nhiều trên mạng xã hội… nhưng chưa chắc đã có sự sâu sắc về nội dung như một số phim lựa chọn đề tài chính luận. Hàng năm khi lập kế hoạch sản xuất, chúng tôi luôn phải ý thức việc cân bằng giữa yếu tố giải trí, thương mại và yếu tố định hướng giáo dục thẩm mỹ.
* Theo anh, đâu là thách thức lớn nhất đối với những người sản xuất phim truyền hình?
- Thách thức lớn nhất chính là vượt lên những thành công đã đạt được. Khán giả luôn đòi hỏi chất lượng các chương trình truyền hình ngày càng cao nên để khẳng định uy tín và thương hiệu của một đơn vị làm phim chuyên nghiệp, chúng tôi cần không ngừng trau đồi kỹ năng, học hỏi công nghệ sản xuất phim hiện đại. Đặc biệt, xu hướng sáng tạo luôn phải tương tác và phù hợp nhu cầu thưởng thức của khán giả.
Ưu tiên kịch bản thuần Việt
* Xu hướng tạo bom tấn tới đây của VFC là Việt hóa kịch bản ngoại hay vẫn làm tìm kiếm kịch bản thuần Việt như “Quỳnh búp bê”?
- Các bộ kịch bản do biên kịch Việt Nam sáng tác vẫn luôn được chúng tôi ưu tiên vì cơ bản, những vấn đề phim đề cập rất phù hợp với đời sống xã hội. Tuy nhiên, việc hội nhập, tiếp thu những giá trị văn hóa nghệ thuật thành công của các nước khác cũng góp phần đem lại nhiều hơn những sản phẩm chất lượng.
Thời điểm này, cả 3 bộ phim sắp phát sóng của VFC đều là những kịch bản thuần Việt. Trong đó, đáng chú ý là bộ phim Về nhà đi con - mở màn cho khung giờ phim mới trên kênh VTV1 (21h thứ Hai đến thứ Sáu) sẽ là bộ phim có kịch bản rất cảm động, cùng dàn diễn viên chất lượng (NSUT Trung Anh, Thu Quỳnh, Bảo Thanh…) hứa hẹn sẽ thu hút khán giả.
* Mấy năm gần đây, phim chiếu mạng (web drama) xuất hiện và ngày càng phát triển sôi động. Có ý kiến cho rằng sắp đến thời đại của web drama và phim truyền hình ngày càng “khó sống”, anh nghĩ sao về nhận định này?
- Sự cạnh tranh là không thể tránh khỏi, nhưng đó cũng là thách thức mà chúng tôi phải vượt qua, phải làm sao để những bộ phim truyền hình sẽ ngày càng chất lượng hơn, có sức hút hơn.
Bên cạnh đó thì nền tảng phát sóng cũng được mở rộng. Ngoài phát sóng trên truyền hình truyền thống thì các bộ phim của VTV cũng được phát trên các nền tảng số để khán giả có thể dễ dàng tiếp cận.
Như vậy, với sự phát triển cả về nội dung và nền tảng kỹ thuật thì các bộ phim của VTV hy vọng sẽ tiếp tục được yêu thích bởi cả khán giả truyền hình và khán giả số (digital).
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!
Vi phạm bản quyền sẽ bị xử lý nghiêm “Với trường hợp các trang web, app, mạng xã hội vi phạm bản quyền phim VTV nói riêng và các chương trình VTV nói chung, chúng tôi đã và đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để xử lý nghiêm. Đợt Tết Nguyên đán vừa rồi, rất nhiều kênh mạng xã hội và các trang web đăng tải nội dung của VTV đã bị buộc phải gỡ xuống, có kênh, trang web còn bị ngừng hoạt động” (Phát biểu của đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc VFC). |
Tiểu Phong (thực hiện)
Tags