(Thethaovanhoa.vn) - “Giúp một ai đó, hãy giúp theo cách tốt nhất với với họ, chứ đừng theo cách tốt nhất với mình” – Anh luôn tâm niệm như thế. Anh là đạo diễn, là người cha, là sếp một công ty và là một người làm từ thiện. Hành trình làm việc tốt của anh không ồn ào, không đánh bóng, không chiêu trò.
Vâng, anh chính là Khương Dừa – đạo diễn “Thách thức danh dài”, đồng thời là chủ sở hữu kênh YouTube có gần 3,6 triệu theo dõi, với hơn 2.500 video đã được đăng tải, phần lớn trong đó là câu chuyện cứu đời giúp người.
* Được biết đến với hình ảnh luôn đi tìm những người khó khăn để giúp đỡ và trao cơ hội đổi đời. Có bao giờ anh cảm thấy áp lực vì điều này?
Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo khó. Đã từng chứng kiến nhiều nỗi bất hạnh và cũng từng nhận được rất nhiều sự giúp đỡ. Tôi biết ngoài kia có rất nhiều người có lòng tốt muốn giúp người khác nhưng bản thân họ lại lực bất tòng tâm.
Trong khi đó, tôi có đủ sức để làm được điều mình mong ước, có đủ điều kiện để giúp một ai đó mình thương cảm, có đủ khả năng để kéo một số phận nào đó thoát khỏi bờ vực thẳm. Vậy thì sao gọi là áp lực hay gánh nặng không? Mà đó phải gọi là hạnh phúc mới đúng chứ! Có lẽ mỗi người sinh ra đều có một sứ mệnh, và tôi biết ơn Thượng đế vì mỗi ngày cuộc sống của mình trôi qua thật ý nghĩa!
* Vì sao anh lại chọn giúp người bằng cách chỉ cho họ kiếm sống, thay vì đưa luôn đồ ăn cho họ?
Từ nhỏ, thấy người ăn xin ngoài đường, người cho vài ngàn, kẻ phớt lờ như lẽ thường tình. Rồi thời gian cứ thế trôi qua, 1 tháng, 6 tháng, 1 năm sau, người ăn xin năm ấy bây giờ vẫn là người ăn xin không hơn không kém. Chỉ có điều mắt yếu, tay run hơn trước.
Rõ ràng, việc giúp một người ăn xin kiếm được một công việc phù hợp khó khăn hơn nhiều so với việc cho anh ta 10 ngàn đồng. Nhưng một người ăn xin có được một công việc ổn định để có thể lo cho gia đình những bữa ăn ngon sẽ tốt hơn nhiều so với việc anh ta xin được một hộp cơm đem về gia đình chia nhau ăn đúng không nào? Từ đó tôi đã nghĩ, khi giúp một ai đó, hãy giúp theo cách tốt nhất với với họ, chứ đừng theo cách tốt nhất với mình.
* Nhiều người vẫn có tâm lý muốn ăn mà không phải làm, trong trường hợp này, anh sẽ giúp và định hướng để họ hiểu ra tầm quan trọng của lao động hay coi đó là đối tượng không xứng đáng được giúp đỡ và bỏ qua luôn?
Trước khi giúp một ai đó, tôi thường tìm hiểu rất kĩ về hoàn cảnh và khả năng của họ để trao cho họ “chiếc cần câu” phù hợp nhất. Nhưng có nhiều lần tôi cảm thấy rất thất vọng vì một số người lại có thái độ tiêu cực, bi quan với cuộc sống, nếu không muốn nói là ỷ lại, lười nhác.
Không có thành công nào đến với người lười biếng và thiếu ý chí đúng không nào? Tôi ra sức thuyết phục muốn giúp nhưng họ lại không muốn nhận thì đành chịu thôi. Cuộc sống này cơ hội đâu đến nhiều lần, tôi phải dành thời gian và cơ hội cho rất nhiều người thực tâm muốn vươn lên thôi.
- Được thưởng nóng 5 tỷ đồng, Viettel dùng 2 tỷ làm từ thiện
- Hai sư thầy quyên góp từ thiện giúp đỡ người dân vùng lũ
* Thay vì đưa cho họ “con cá”, anh lại cho người ta “cần câu” và “mồi” để “bắt cá”. Anh có lo ngại cách giúp đỡ này sẽ khiến nhiều người không thực sự khó khăn cũng cầu cứu mình không? Trong trường hợp này, anh sẽ giải quyết như thế nào để vừa giữ được hình ảnh của bản thân và đối phương cũng hiểu ra vấn đề?
“Hình ảnh bản thân” là do chính mình tạo dựng đúng không nào? Nếu là khán giả theo dõi tôi từ những ngày đầu thì chắc mọi người cũng biết tôi rất thẳng thắn, không hoa mỹ. Tuy có trái tim nhạy cảm với các số phận khó khăn nhưng tôi cũng là người lý trí. Có lẽ chính vì lý do đó mà tôi được bà con cô bác, các Mạnh Thường Quân tin tưởng gửi gắm và hoàn toàn phó thác cho tôi tự quyết giúp hoàn cảnh nào thấy xứng đáng.
Vậy nên, tôi không sợ mất “hình ảnh”, chỉ sợ mất lòng tin của cô chú anh chị! Còn xử lý như thế nào cho đẹp cả đôi đường thì tùy tình huống thôi. Quan trọng cái gì xuất phát từ trái tim thì sẽ đến được với trái tim thôi mà!
* Làm sao để anh xác minh được người mình giúp đỡ là có hoàn cảnh khó khăn thực sự chứ không phải ngụy tạo, bởi bây giờ mọi thứ đều rất dễ để làm giả?
Thực sự trước khi giúp một ai đó, ít nhiều tôi đều đã có tìm hiểu và xác minh trước. Quan trọng hơn hết là tôi may mắn được ông trời ban cho một giác quan, đó là “cảm nhận”. Khi đối diện với một ai đó, tôi cảm nhận được tâm tư và những nỗi băn khoăn trong lòng họ. Mỗi người một sứ mệnh mà, chắc ông trời đã định trước là tôi sẽ đi giúp người nên mới ban cho tôi giác quan đặc biệt này.
* Tìm đúng người là một việc, làm cách nào để anh xác định “cần câu” phù hợp với mỗi đối tượng, mỗi “con sông” và xác định đó là con sông có “cá” để người ta kiếm được cái ăn?
Cũng may là tôi sinh ra từ một gia đình nông dân nghèo, việc đồng áng đã trải qua. Sau này, tốt nghiệp ra trường từng làm công nhân cho một xí nghiệp. Bằng nỗ lực cố gắng của bản thân, bây giờ làm Phó tổng giám đốc của một công ty truyền thông giải trí lớn.
Với trải nghiệm sướng khổ gì cũng từng kinh qua, công việc của tầng lớp nào cũng đã làm. Cộng với tất cả tâm tư tình cảm của mình khi tìm hiểu về một ai đó, về một hoàn cảnh gia đình nào đó thì tôi sẽ biết được với con người đó, gia đình đó thì làm công việc gì là tốt nhất, phù hợp nhất cho họ thôi!
* Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 như hiện tại, hành trình tìm kiếm những người khó khăn để giúp đỡ của anh có bị ảnh hưởng không? Anh có lời khuyên hay nhắn nhủ gì đến người hâm mộ để vượt qua được giai đoạn khó khăn này?
Đa số các hoàn cảnh khó khăn, tôi đều được khán giả giới thiệu, vậy mà giúp còn không xuể thì thời gian đâu mà tìm kiếm thêm?!
Nếu không có Covid-19 thì cuộc sống cũng không bao giờ suôn sẻ. Mọi người nên nghĩ theo hướng tích cực, hãy xem Covid-19 là cơ hội để xác định lại những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống. Là cơ hội để nghĩ ra những ý tưởng giao thương theo thời đại 4.0. Và là cơ hội quý báu để chúng ta cảm nhận sức khỏe thật quý giá biết bao!!
* Cảm ơn anh!
An Việt (thực hiện)
TT&VH Xuân Tân Sửu 2021
Tags