(Thethaovanhoa.vn) - Tôi bất ngờ nghe hung tin trên Facebook của họa sĩ Đỗ Lệnh Hùng Tú - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Điện ảnh Việt Nam: Đạo diễn Lê Hữu Lương đã từ trần hồi 8h sáng 30/3/2020, vì ung thư thực quản, hưởng thọ 68 tuổi…
Đạo diễn Lê Hữu Lương sinh năm 1952. Quê anh ở xã Quế Phước, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM (Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân Văn), anh về công tác ở Hãng phim Giải phóng.
Khởi nghiệp con đường văn chương, đam mê, dấn thân với điện ảnh, năm 1983 anh trở ra Hà Nội học đạo diễn tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Cùng học với anh có các đạo diễn nổi tiếng: Hồ Ngọc Xum, Nguyễn Vinh Sơn...Năm 1985, tốt nghiệp đạo diễn, anh trở về Hãng phim Giải phóng công tác. Với uy tín chuyên môn, đạo diễn Lê Hữu Lương được bổ nhiệm Phó Giám đốc Hãng phim Giải phóng…
Đưa chất thơ trữ tình vào giải quyết những vấn đề gai góc
Năm 1991, trước dòng phim thị trường sôi động ở phía Nam, Lê Hữu Lương trình làng và tạo nên tiếng vang với bộ phim đầu tay Tấm Cám. Bộ phim cổ trang hấp dẫn hội tụ một dàn diễn viên “sao”nổi tiếng thời đó, như: Diễm Hương, Thái San, Vân Anh, Kim Xuân...
Có thể nói khởi nghiệp điện ảnh của anh khá suôn sẻ. Từ bước ban đầu thuận lợi, anh có đà để đạo diễn nhiều bộ phim ấn tượng, như: Ngọn đèn bốn mặt, Tiếng dương cầm trong mưa, Có một tình yêu như thế, Trái tim người mẹ, Người trong gia đình...
Một loạt bộ phim truyền hình do anh đạo diễn được phát sóng trên khung giờ vàng phim Việt như: Vòng xoáy tình yêu, Ảo ảnh, Niềm đau chôn giấu, Khát vọng sống…Cả đời đam mê điện ảnh, sau khi nghỉ hưu, Lê Hữu Lương mở hãng phim tư nhân. Hai bộ phim cuối cùng của anh là Vũ khúc trong đêm (30 tập, năm 2012) và Bản chúc thư (62 tập, năm 2012).
Cái tên đạo diễn Lê Hữu Lương đã trở nên quen thuộc với nền điện ảnh nước nhà. Ngoài bộ phim đầu tay Tấm Cám gây tiếng vang đầu những năm 1990, những bộ phim như Tiếng dương cầm trong mưa, Có một tình yêu như thế… đã thể hiện rõ phong cách điện ảnh của anh. Là một người học văn, anh có sở trường đưa chất thơ trữ tình vào giải quyết những vấn đề xã hội khá gai góc. Là người yêu âm nhạc, anh rất tinh tế khi chọn nhạc phim, nhất là nhạc Phú Quang. Anh khéo léo đưa vào phim nhiều vấn đề hiện thực xã hội nhức nhối.
Bộ phim Có một tình yêu như thế chớm nở một tình yêu thanh sáng của thầy giáo thực tập với cô học trò cấp 3 xinh đẹp. Những tưởng mối tình ấy đẹp như một bài thơ, nhưng cái kết buồn lặng cứ khiến người xem phải xót xa, hoang hoải. Bối cảnh phim là miền trung du miền Bắc trữ tình bởi xào xạc rừng bạch đàn, thấp thoáng đồi cọ, nương chè. Là người con của miền Nam, sống trong lòng miền Bắc, không gian xứ Bắc thể hiện trong phim nhuần nhụy được thổi bằng bao cảm xúc nên thơ, đẹp đến nao lòng. Giá như phim lồng tiếng Bắc thì sẽ phù hợp hơn. Anh cũng đã thừa nhận điều này.
Tiếng dương cầm trong mưa là bộ phim màu mang cái tên khá lãng mạn, nhưng lại chứa trong đó một vấn đề xã hội gai góc. Dù bị rơi vào thảm cảnh nghiệt ngã do chính Ngọc - chị cùng cha khác mẹ gây ra; dù gia đình bị dồn đẩy tới thảm cảnh (vu oan cho mẹ vào tù, đối xứ tàn nhẫn với em), nhưng Châu - cô sinh viên Nhạc viện giàu lòng nhân ái đã nỗ lực vươn lên thoát khỏi nghịch cảnh và cảm hóa cái ác trở về thiện lương bằng chính tình yêu thương.
Cách ứng xử nhân văn của người mẹ kế là chìa khóa hóa giải mâu thuẫn do con riêng của chồng gây ra. Tiếng dương cầm là điểm nhấn bằng âm thanh kỳ diệu. Thanh âm ấy đã thăng hoa át đi sự u tối, nặng nề, ác độc…thay vào đó là cái đẹp cứu rỗi thế giới. Bộ phim chạm đến trái tim khán giả.
Phim Bản chúc thư xoay quanh bản di chúc kỳ lạ của một doanh nhân thành đạt để lại tài sản của mình cho một cô gái trẻ và lại là người dưng. Bản chúc thư đã tạo nên những xáo trộn, dã tâm của từng người dần được bộc lộ...
Phim Vũ khúc trong đêm xoay quanh cuộc đời của hai người phụ nữ thuộc hai thế hệ khác nhau. Nhiên - cô gái trẻ đã dũng cảm bước vào hành trình chông gai, nguy hiểm để cảm hóa trái tim bà Nhược vốn xây xước vì hận thù.Bà Nhược đã quên đi hận thù để từ đó an hưởng cuộc sống có ý nghĩa ở tuổi xế chiều.
Trong phim Khát vọng sống, Băng Châu - con người mẹ bán xôi nuôi mơ ước trở thành ca sĩ. Nhìn thấy con đi theo “vết xe đổ” đời mình, bà mẹ đã tìm mọi cách ngăn cản con. Bỏ qua mọi sự cản ngăn của mẹ, Băng Châu vẫn quyết tâm đi theo con đường đã chọn. Cô như một phiên bản của mẹ và cũng phải trả giá đắt cho lựa chọn đó. Đạo diễn vẫn chọn kết thúc có hậu cho bộ phim, để cái tốt sẽ định hướng cho Châu quay lại cuộc sống bình thường.
Thuở sinh thời khi nói về cách giải quyết những vấn đề xã hội trong phim, đạo diễn Hữu Lương chia sẻ: “Cuộc sống chứa đầy những cạm bẫy, cám dỗ. Nhưng giới trẻ không có lựa chọn nào khác, vẫn phải bước vào và chấp nhận nó. Có muốn né tránh cũng không được, cho dù có phải trả giá đắt đến đâu”…
Phim như người...
Sự ra đi đột ngột của đạo diễn Lê Hữu Lương làm bạn bè, đồng nghiệp bất ngờ, bàng hoàng và tiếc thương sâu sắc. Nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc thốt lên: “Sao ra đi đột ngột thế anh Lương ơi! Biết anh từ hồi học ở Mai Dịch. Anh đôn hậu, rủ rỉ, hiền hòa, phảng phất thuần lành tính Phật. Những lần vô Sài Gòn, biết tin là anh đến liền, chở đi ăn sáng, rồi thư thả cà phê Phủ Đầu Rồng. Anh Lương cũng thích nhậu, càng uống càng hay. Thường lúc đã biêng biêng, anh Lương sẽ hát. Giọng ấm đẹp, vang sang. Anh Lương không ham hố quyền lực, danh vọng. Từ bỏ chức Phó Giám đốc Hãng phim Giải phóng nhẹ như không. Phim cũng vậy. Phim như người. Không đao to búa lớn, mà rủ rỉ, lành hiền. Đau quá anh Lương ơi. Từ nay vắng anh. Nhưng sẽ nhớ mãi nụ cười rủm rỉm của anh. Một con người tài hoa, đôn hậu. Cầu mong Anh siêu thoát, thanh thản!”.
Nghệ sĩ Phạm Hoàng Hà -diễn viên tay ngang đóng vai Lý Cường trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy thảng thốt: “Thế là anh đã ra đi. Chỉ có mười ngày gặp gỡ, nhưng tôi thấy anh là con người khẳng khái và nghĩa hiệp. Nhớ anh khi buổi sớm chúng ta đi bộ trên đoạn đường dài cùng nhau đàm đạo về nghề, về con người của điện ảnh mà anh biết họ từ gốc rễ. Anh biết nhiều lắm, sâu sắc lắm. Thôi, đường trần của anh có vậy. Anh rời cõi tạm mà lòng vẫn rưng rức về điện ảnh nước nhà. Vĩnh biệt anh nhé”.
Đạo diễn Lê Đức Tiến xa xót:“Thương tiếc Lê Hữu Lương. Đột ngột quá, mới ngày nào anh vẫn vui khoé, gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp trong Nam, ngoài Bắc. Thế mà sáng nay anh đã ra đi. Thương quá, nhớ quá một người bạn tốt, một đạo diễn nhiệt huyết, trách nhiệm với nghề, với đời.Cầu mong linh hồn anh siêu thoát nơi Cực Lạc”. Nhà biên kịch Lê Phương Liên - con gái nhà thơ Lê Đạt chia sẻ nói “Tiễn anh về miền an lạc. Nơi đó vẫn luôn yêu đời anh nhé”. Ni cô Huyền Trang trong phim Biệt động Sài Gòn chia sẻ “Anh là một nghệ sĩ trách nhiệm, tâm huyết với nghề. Cầu mong đạo diễn siêu thoát phiêu du về cõi vĩnh hằng”. Theo đạo diễn Thanh Hiệp: “Lê Hữu Lương là một trong những gương mặt tài hoa của làng phim Việt nhiều thập niên qua. Ngoài những tác phẩm điện ảnh nhiều tâm huyết, anh còn để lại một gia sản khác, đó là sự chỉ dẫn, dìu dắt đầy trách nhiệm đối với các diễn viên trẻ, để họ làm nghề một cách tử tế, tận tụy như mình".
Tôi không quên những kỷ niệm với đạo diễn Lê Hữu Lương tại “Trại sáng tác kịch bản điện ảnh” tháng 11/2019 tại Nhà sáng tác Đại Lải (Bộ VH,TT&DL). Những hội viên điện ảnh hội tụ từ ba miền Bắc, Trung, Nam, như: Trịnh Quang Khanh, Đinh Văn Tiếp, Trần Thị Hòe, Huỳnh Công Danh, Phạm Kháng Trường... Thường sau khi ăn sáng, chúng tôi cùng ngồi bàn trà, cà phê đàm đạo văn chương, điện ảnh, cuộc sống... Những buổi nói chuyện bên bàn trà, dưới gốc hoàng lan, bên hồ Đại Lải thật thú vị. Đây là dịp những hội viên điện ảnh được giao lưu, học hỏi, hiểu biết lẫn nhau và là dịp hiếm có cùng trao đổi kinh nghiệm chuyên môn. Từng trải ở nhiều vị trí đạo diễn, quản lý, anh Lương hiểu sâu sắc ngọn ngành nền điện ảnh Việt Nam. Cách anh nói giản dị, gần gũi, không cao giọng mà cứ như thủ thỉ, tâm tình như phim của anh đạo diễn vậy…
Dịp đó ở Đại Lải sửa đường dây thường hay mất điện. Những lúc đó, anh em trong trại rủ nhau ngồi bên hồ Đại Lải nhâm nhi cà phê, gọi nhau quây quanh bàn trà tầng 2 chuyện trò. Tôi “trốn trại” mấy ngày, nên khi lên “hối hộ” anh em bằng trà Thái Nguyên loại đặc biệt, cùng ẩm thực dân tộc đi kèm thêm vị đậm chén trà, như kẹo dồi, kẹo lạc, bánh đậu xanh.
Nhớ có hôm mất điện, chúng tôi tổ chức chương trình văn nghệ cây nhà lá vườn với những giọng ca ba miền của Hữu Lương, Hồng Yến, Thanh Hà… Anh Lương sở hữu một giọng ca đẹp, trầm ấm, vang ngân. Anh Hoàng Hà gọi đó là giọng opera như vẫn còn văng vẳng khi những buổi hoàng hôn dần tắt trên hồ Đại Lải. Ca khúc Điều giản dị da diết - ca khúc anh đưa vào phim Có một tình yêu như thế:
Người yêu ơi đừng bao giờ cách xa
Mãi mãi diệu kỳ là tình yêu chúng ta
Và ta biết một điều thật giản dị
Càng xa em ta càng thấy yêu em…
Đạo diễn Lê Hữu Lương đã khép lại sự nghiệp điện ảnh ở tuổi gần chạm mốc “Nhân sinh thất thập”. Bao dự định còn đang dang dở. Bộ phim về biển đảo vẫn ngổn ngang chờ anh... An lành phiêu du cùng Tiếng dương cầm trong mưa, Lê Hữu Lương nhé!
PGS - TS Lê Thị Bích Hồng
Tags