Kết nối di sản Ninh Bình và các địa phương trong cả nước nhằm tôn vinh và quảng bá di sản văn hóa là điểm hấp dẫn của Festival Tràng An kết nối di sản - Ninh Bình 2022, đạo diễn Lê Quý Dương, cho biết.
Festival Tràng An kết nối di sản - Ninh Bình 2022 sẽ diễn ra từ ngày 17 đến 19/11, tại TP Ninh Bình. Chương trình do UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức, đạo diễn Lê Quý Dương đảm nhận vai trò tác giả kịch bản kiêm Tổng đạo diễn Lễ khai mạc, Lễ hội đường phố và Lễ bế mạc.
Tổng đạo diễn Lê Quý Dương cho biết, Lễ khai mạc Festival Tràng An kết nối di sản - Ninh Bình 2022 sẽ là một chương trình đặc biệt, với câu chuyện hấp dẫn của kết nối di sản.
Chương trình diễn ra vào 20-21h30 ngày 17/11 tại Quảng trường Đinh Tiên Hoàng, có thời lượng 90 phút, với sự tham gia của 15 tỉnh thành trên cả nước, dự kiến truyền hình trực tiếp trên sóng VTV, Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình.
Theo đạo diễn Lê Quý Dương, có 3 cách ứng xử với di sản. Thứ nhất là bảo tồn di sản nguyên gốc ở chính nơi di sản đó được sinh ra. Thứ hai là ứng dụng di sản trong đời sống, đặt di sản đó trong một không gian mới. Cuối cùng là kết hợp các loại hình di sản để sáng tạo trên nền tảng mới.
"Đối với Festival Ninh Bình - Tràng An kết nối di sản, chúng tôi chọn phương pháp thứ hai, lấy toàn bộ di sản của các vùng, miền đặt trong không gian rộng lớn hơn. Đấy là phương án xuyên suốt chúng tôi lựa chọn với mong muốn giá trị di sản của từng tỉnh thành sẽ được tôn trọng nguyên gốc và khi cần thiết được hỗ trợ dàn dựng để thăng hoa hơn giữa một sân khấu rộng lớn" - anh nói.
Tổng đạo diễn Lê Quý Dương cho biết thêm: "Về nguyên tắc tổ chức và dàn dựng Festival, tôi muốn giữ nguyên bản và tôn trọng tuyệt đối các giá trị di sản của từng tỉnh, thành phố mang về giới thiệu tại đây.
Do đó chương trình trước hết phải chuẩn về mặt di sản để các nhà nghiên cứu, chuyên gia di sản, UNESCO công nhận và đánh giá cao. Vì vậy chúng tôi có nguyên tắc bất di bất dịch là tỉnh thành nào mang di sản đến chúng tôi sẽ tôn trọng tuyệt đối".
Đạo diễn chia sẻ, Lễ khai mạc thuần túy là một chương trình văn hóa, nghệ thuật, bởi vậy các tỉnh thành về đây tham dự, không phân biệt các di sản được UNESCO công nhận hay quốc gia công nhận sẽ cùng được giới thiệu đến với công chúng cả nước.
Theo đó, sẽ có trình diễn trống nhảy, hát xẩm của Ninh Bình; quan họ Bắc Ninh; múa rối cạn Hải Phòng; chầu văn Hà Nam, Nam Định; đờn ca tài tử ở các tỉnh thành phía Nam...
Trong khuôn khổ Festival, ê-kíp sẽ thực hiện các chương trình chính gồm: Chương trình nghệ thuật khai mạc; Lễ hội đường phố; Đêm đại nhạc hội di sản; Không gian triển lãm di sản của Ninh Bình và các tỉnh thành về tham dự; Chương trình nghệ thuật bế mạc.
Chương trình đại nhạc hội dành cho giới trẻ được kỳ vọng sẽ sôi động, náo nhiệt với nhiều ca sĩ trẻ tham dự.
Trước băn khoăn rằng Festival Ninh Nình có "hao hao" Festival Huế?, đạo diễn Lê Quý Dương thẳng thắn: "Bản chất Festival Huế và Ninh Bình là khác nhau, từ chủ đề đến cách thể hiện. Ở Huế có 3 lớp di sản tiêu biểu: Cung đình, Tâm linh, Dân gian với các làng nghề và cộng với việc kết nối các chương trình quốc tế mang tính mở. Festival Huế làm chỉ tập trung về di sản Huế thôi. Có thể dành 2/3 cuộc đời tôi cũng chưa chắc làm hết các di sản về Huế".
"Còn tại Festival Ninh Bình là câu chuyện là kết nối di sản. Kết nối ở đây là từ di sản Tràng An, mời gọi và kết nối những di sản các vùng miền về đây. Rất dung dị, không đao to búa lớn, đây là "cuộc chơi" của Ninh Bình.
Định hướng của Festival này rất rõ ràng, không phải đây là Festival của riêng Ninh Binh để tôn vinh di sản Ninh Bình mà Ninh Bình chỉ là đơn vị đăng cai để kết nối các miền di sản các tỉnh thành, trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng nhau" - đạo diễn Lê Quý Dương nói.
Tổng đạo diễn nhấn mạnh thêm: "Chúng tôi muốn làm Festival định kỳ 2 năm/lần, sau đó định hướng quy mô mang tầm quốc tế".
Tags