(Thethaovanhoa.vn) - Cùng với 5 vở kịch khác, Làm vua (kịch bản: Nguyễn Đăng Chương, đạo diễn: Lê Quý Dương) đã được trao Huy chương Vàng ở hạng mục vở diễn tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 vừa kết thúc tuần qua. Công diễn từ cuối tháng 4/2021, Làm vua lấy bối cảnh nhà nước Đại Cồ Việt thời Đinh Tiên Hoàng thế kỷ 10 để truyền tải thông điệp xuyên thời gian.
Nhân dịp này, báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Lê Quý Dương về bối cảnh, thách thức và tương lai của sân khấu của Việt Nam.
* Anh và ê-kíp muốn gửi gắm những thông điệp nào qua vở diễn này, để lay động người xem và cả ban giám khảo?
- Đối với tôi, trên phương diện nội dung, một vở diễn được gọi là hay khi nó chạm được tới trái tim của đông đảo khán giả và gửi được thông điệp ý nghĩa tới xã hội đương thời. Trên phương diện hình thức, nó thể hiện được tính sáng tạo đột phá của ngôn ngữ đạo diễn và kỹ thuật biểu diễn của diễn viên. Chúng tôi đã dàn dựng vở diễn Làm vua trên tinh thần đó.
Thông điệp của vở rất rõ ràng: Làm vua, làm tướng, làm quan thì phải biết đặt lợi ích của quốc gia dân tộc lên trên lợi ích của cá nhân, gia đình, dòng họ. Muốn thịnh trị vững bền phải đặt ngai vàng vào giữa lòng dân.
* Khi dựng vở này, anh có nghĩ đến việc tham dự Liên hoan Kịch nói toàn quốc không? Với một người làm nghề như anh, liên hoan này có ý nghĩa như thế nào?
- Chúng tôi hoàn toàn không nghĩ tới việc tham dự hội diễn, mà thực sự chỉ muốn sáng tạo và làm tròn bổn phận của người nghệ sĩ với nghề nghiệp và trước những vấn đề nóng bỏng của xã hội đương thời. Hội diễn là một dịp rất bổ ích và ý nghĩa để giới sân khấu có cơ hội được chia sẻ kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp. Tôi nghĩ vở Làm vua và nhiều vở khác của anh chị em bạn bè đồng nghiệp đã cùng nhau làm nên một không gian sân khấu rất tốt cho những nghệ sĩ làm nghề và đông đảo khán giả.
* Bên cạnh các ý nghĩa như vừa nói, thì các liên hoan như thế này còn điều gì là chưa được hoặc cần khắc phục, điều chỉnh?
- Tôi rất hiểu rằng Việt Nam của chúng ta có những điều kiện đặc thù rất riêng, nên chúng ta mới tổ chức những hội diễn theo mô hình này. Tuy nhiên, tôi vẫn tin chúng ta có thể làm tốt hơn rất nhiều. Làm như hiện nay sẽ thỏa mãn được các tiêu chí và định hướng cổ vũ, động viên phong trào làm sân khấu. Chúng ta sẽ dần nhận ra việc cần hơn một đời sống sân khấu sáng đèn thực sự sống trong lòng khán giả, là thước đo và động lực giúp các nhà lập pháp nhận diện, giải quyết các vấn đề để xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Nghệ thuật sân khấu mang tính tiên phong và truyền cảm hứng. Nếu quên điều này sân khấu sẽ trở nên cũ kỹ, lạc hậu, không theo kịp thời đại.
* Trong 6 vở diễn đoạt Huy chương vàng, gần như vắng bóng các sân khấu phía Nam. Theo anh là lý do vì sao?
- Thứ nhất, như tôi biết, Ban chỉ đạo và Ban tổ chức sẽ còn có 1 đợt hội diễn nữa ở phía Nam, hình như vào đầu tháng 1/2022. Có lẽ phải chia thành 2 đợt như vậy để thích ứng với đại dịch Covid-19.
Tôi tin là không có sự phân biệt giữa sân khấu phía Nam và phía Bắc. Tuy nhiên, sân khấu phía Nam, đa số là sân khấu xã hội hóa, ngoài công lập, vốn rất khác với sân khấu phía Bắc, đa số là các nhà hát công lập. Điều kiện, hoàn cảnh và môi trường sân khấu khác nhau, thậm chí khán giả khác nhau, sẽ đòi hỏi cách nhìn nhận, đánh giá rất khoa học và khách quan. Tôi đang chờ đợi việc tổ chức và đánh giá sự khác nhau này sẽ như thế nào? Đánh giá một hoạt động sân khấu phải căn cứ trên chính bối cảnh, điều kiện và những đặc thù tạo nên hoạt động sân khấu đó.
* Anh từng thẳng thắn nhìn lại 100 năm kịch nói Việt Nam. Theo anh, nếu nhìn vào tương lai, cần thêm những yếu tố gì để kịch nói Việt Nam phát triển đa dạng và mới mẻ hơn?
- Nếu nhìn vào tương lai, nền sân khấu đang còn rất nhiều việc phải làm. Tôi rất ngưỡng mộ những thành quả mà Ban chỉ đạo, Ban tổ chức và các nhà lãnh đạo quản lý sân khấu hôm nay đã và đang làm được trong điều kiện khó khăn. Sự đổi mới và tiến bộ luôn cần thời gian và quá trình hoàn thiện, đôi khi phải đợi chờ sự nhận thức và cách tân của nhiều thế hệ. Sân khấu quốc tế đã trải qua lịch sử tính bằng nghìn năm để được như hôm nay.
Một vở diễn sân khấu không chỉ hướng tới các danh hiệu, huy chương, rồi xếp vào kho, mà cần phải hướng tới khán giả và những thông điệp thời đại, khám phá các cách tân nghệ thuật. Các liên hoan (festival) sân khấu thế giới không hướng tới việc làm hài lòng các quốc gia bằng quá nhiều giải thưởng, mà hướng tới cơ hội giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm. Quá nhiều huy chương thì bản thân huy chương bị thấp đi về giá trị và mất đi ý nghĩa cao quý của nó. Người được huy chương cũng thấy bình thường, mà người không được cũng ít thán phục. Ai được huy chương không quan trọng bằng tấm huy chương đó thực sự tâm phục khẩu phục giữa đồng nghiệp và vở diễn đạt huy chương thực sự có đời sống lâu bền với khán giả.
Tôi cũng rất mong muốn các liên hoan, hội diễn sân khấu nên có thêm giải thưởng do khán giả bình chọn, giải thưởng của báo chí - truyền thông, giải thưởng của các nhà lý luận - phê bình - nghiên cứu sân khấu. Giải thưởng cần làm cho tính cạnh tranh lành mạnh và cũng gay cấn hơn nữa, cần tạo động lực kích thích sáng tạo mạnh mẽ hơn nữa.
- Đạo diễn Lê Quý Dương: Càng rực cháy trên sấn khấu, càng lắng mình trong thi ca
- Đạo diễn Lê Quý Dương mời 140 chuyên gia, nghệ sĩ sân khấu thế giới 'Hội ngộ Hà Nội'
- Đạo diễn Lê Quý Dương: Tìm mẫu số chung cho những bế tắc sân khấu
* Trong các yếu tố anh vừa nêu, thay đổi cách giáo dục và quan niệm về thẩm mỹ sân khấu có phải là một ưu tiên không?
- Thay đổi nhận thức về cách tổ chức, quản lý và vận hành đời sống sân khấu hiện nay là điều quan trọng nhất.
Ở các quốc gia có nền sân khấu phát triển, nhà nước chỉ đưa ra định hướng và những nguyên tắc tiêu chuẩn. Hội chuyên ngành là đơn vị trực tiếp tổ chức và thẩm định chuyên môn. Nếu là các cuộc thi thì hội đồng giám khảo là một chủ thể độc lập, quyết định sự đánh giá và không chịu bất cứ một tác động nào từ bên ngoài. Hơn nữa, hội đồng giám khảo cần có thêm các thành viên quốc tế uy tín, có hiểu biết và kinh nghiệm về sân khấu thế giới. Điều này sẽ giúp cách nhìn nhận đánh giá khách quan hơn, tạo nên cánh cửa cho sân khấu của chúng ta có dịp soi mình vào sự phát triển chung của sân khấu thế giới.
* Trân trọng cảm ơn anh!
Văn Bảy (thực hiện)
Tags