(Thethaovanhoa.vn) - “Ngoài chất nghệ trong máu, một nghệ sĩ nên có đầu óc kinh doanh một chút, bỏ bớt cái tôi nghệ sĩ đi thì sẽ dễ thành công hơn” đây là lối tư duy khác biệt của Lý Hải so với các nghệ sĩ cùng thời.
1. Lý Hải sinh năm 1968 tại Tiền Giang, trong một gia đình không có truyền thống nghệ thuật. Từ khi còn học phổ thông, anh đã tích cực tham gia các hoạt động mang tính năng khiếu và thi tuyển vào lớp diễn viên kịch trường Nghệ thuật Sân khấu 2. Năm 1987, anh lên TP.HCM để học tập tại trường và thường xuyên có mặt trong đội xung kích. Nhờ duyên quen biết đạo diễn Xuân Phước, Lý Hải được ông giới thiệu đi hát tại một số tụ điểm.
Năm 1991, Hải trở thành diễn viên của đoàn Kịch Nói Trẻ nhưng thu nhập không đủ để nuôi bản thân nên đành về quê học may: “Lúc đó cũng nghĩ thợ may là một nghề ổn định có thu nhập tốt để nuôi bản thân và gia đình. Thời điểm đó đóng hết 1 chỉ vàng để học may được nửa năm thì bỏ quay trở lại thành phố theo nghiệp ca hát”.
Lên Sài Gòn đi hát và là gương mặt quen thuộc tại các tụ điểm nhỏ, Lý Hải kiên trì đạp con xe tồi tàn đi khắp thành phố để hát câu giờ cho những tên tuổi lớn, có đêm phải hát liên tục gần 20 bài vì nghệ sĩ đến trễ. Một thời gian sau, nhờ thay đổi phong cách âm nhạc, anh được khán giả biết đến với ca khúc Người yêu hỡi, Trọn đời bên em… Năm 1993, anh có bước đi xa hơn khi được xuất hiện trên truyền hình để biểu diễn.
Năm 1994 là đỉnh cao danh vọng của Lý Hải và được gọi với biệt danh “đôi chân vàng”. Anh được các ông bầu ưu ái nên phải chạy show kín ngày. Mỗi ngày, Hải có thể vừa hát, vừa nhảy khoảng 20 show diễn mà không mệt. Lúc đó, Lý Hải là cái tên nổi tiếng từ Bắc vào Nam, mỗi sân khấu đều chật kín hàng nghìn người.
Tuy nhiên, giai đoạn này chỉ kéo dài được khoảng 3 năm. Đến năm 1997, Làn sóng xanh xuất hiện và phát triển mạnh, trở thành bảng xếp hạng và giải thưởng âm nhạc uy tín nhất showbiz. Tuy nhiên, cái nôi chắp cánh cho các tên tuổi lớn như: Mỹ Linh, Hồng Nhung, Thanh Lam, Lam Trường, Phương Thanh… lại không gọi tên Lý Hải.
“Hải bị lỗi thời, khán giả ngày càng ít, còn bầu show gặp mình cứ như người chưa từng quen biết. Nhiều đàn em trong nghề xem thường và chẳng thèm chào mình nữa. Tôi hết thời rồi nên quyết định giải nghệ” - anh kể.
Để cứu vớt tên tuổi, Lý Hải đã nhờ đạo diễn Đồng Dao thực hiện giúp mình một video ca nhạc theo xu hướng thị trường bấy giờ. Anh phải cầm cố nhà cửa, vay nóng 150 triệu đồng với lãi suất 3% để hiện thực hóa niềm hy vọng xây dựng danh tiếng với album Trọn đời bên em. Bất ngờ thay, sản phẩm âm nhạc này nhanh chóng trở thành cơn sốt khi tiêu thụ được hơn 2.500 bản chỉ trong thời gian ngắn.
Sau thành công của album này, nam ca sĩ tiếp tục thực hiện album Trọn đời bên em Vol.2, Vol.3 và Vol.4. Năm 2010, nam ca sĩ đã kết thúc series Trọn đời bên em khi cho ra đời album Vol.10. Đây chính là nền tảng để Lý Hải xây dựng thương hiệu cá nhân giúp anh trở thành một trong những nghệ sĩ nổi tiếng nhất những năm 2000.
2. Năm 2014, đang trong thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp ca hát Lý Hải bất ngờ chuyển hướng làm đạo diễn khiến cả showbiz chấn động. Anh từng chia sẻ: “Khi quyết định chuyển hướng sự nghiệp, tôi cũng nghĩ rất kỹ vì mình cũng đã có gia đình, không còn muốn lặn lội ngược xuôi mà thay vào đó là dành thời gian nghỉ ngơi và chăm sóc vợ con nhiều hơn”.
Thời điểm này, anh đã kết hợp cùng nghệ sĩ Nhật Cường làm phim Bí mật lại bị mất trong vai trò đồng biên kịch và đạo diễn sản xuất. Đây cũng chính là bộ phim giúp anh nhận được giải Đạo diễn xuất sắc châu Á cho Korean Culture Entertainment Awards trao tặng.
Năm 2015, Lý Hải thực hiện tác phẩm đầu tay của mình - Lật mặt. Những ngày đầu làm phim, chưa có danh tiếng, kinh nghiệm, anh không tránh khỏi bị chê cười. Tuy nhiên nhờ sự cố gắng, Lật mặt bất ngờ bứt phá và thu về doanh thu 72 tỷ đồng lập kỷ lục phòng vé, là một trong những bộ phim Việt có doanh thu cao nhất trong năm. Năm 2015, Lật mặt chỉ thua kém doanh thu so với Em là bà nội của anh (102 tỷ đồng) và Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (78 tỷ đồng).
Trên đà thành công, Lý Hải đã thực hiện series phim điện ảnh Lật mặt trong suốt 3 năm liên tiếp. Phần 2 Lật mặt: Phim trường thu về 80 tỷ đồng vào năm 2016, phần 3 Lật mặt: Ba chàng khuyết thu về 85 tỷ đồng năm 2018. Đáng nói, Lật mặt 2 chính là bộ phim Việt có doanh thu cao nhất năm 2016 còn Lật mặt 3 trong 2 năm sau đó thì chỉ xếp dưới Chàng vợ của em (86 tỷ đồng) và Siêu sao siêu ngố (109 tỷ đồng).
- Phim 'Lật mặt: 48h' của Lý Hải đạt doanh thu 'khủng' nhất series
- Lý Hải sử dụng công nghệ tranh 3D vào phim ‘Lật mặt: 48H’ độc đáo thế nào?
- Đạo diễn Lý Hải thu 16 triệu đô sau 4 phần phim 'Lật mặt'
Đặc biệt, phần 4 Lật mặt: Nhà có khách sản xuất năm 2009 đã mang về doanh thu khủng 120 tỷ đồng. Phần 4 đã chính thức đánh dấu thương hiệu “đạo diễn triệu đô” Lý Hải – khi tổng cộng 4 phần của series đã thu về 357 tỷ đồng.
Mới đây Lý Hải tiếp tục cho ra mắt phần 5 Lật mặt:48h. Mặc dù gặp nhiều khó khăn vì tình hình dịch, các đối thủ nặng ký nhưng sau 10 ngày công chiếu bộ phim điện ảnh đã đạt doanh thu 100 tỷ đồng. Con số này được dự kiến sẽ không ngừng tăng lên trong thời gian tới.
Dựa theo bảng danh sách phim Việt có doanh thu cao nhất trong năm phát hành tính từ 2013, người dẫn đầu trong top doanh thu là đạo diễn Vũ Ngọc Đãng với Bố già hơn 400 tỷ đồng. Tiếp theo là Lý Hải với 357 tỷ đồng sau 4 phần Lật mặt, thậm chí doanh thu này còn vượt trội hơn nhiều đạo diễn đình đám khác như Victor Vũ - 343 tỷ đồng, Nhất Trung - 320 tỷ đồng, Nguyễn Quang Dũng - 312 tỷ đồng.
Chỉ là tay ngang trong nghề đạo diễn nhưng Lý Hải đã tự đánh dấu tên tuổi của mình bằng nhiều sản phẩm điện ảnh nổi tiếng và xây dựng nên thương hiệu phim Lật mặt nổi tiếng. Trên đà thành công, khán giả trông chờ thời gian tới anh sẽ sản xuất nhiều phim điện ảnh chất lượng hơn nữa, có thể là phần 6 của Lật mặt hoặc một tác phẩm hoàn toàn mới.
Trailer phim "Lật mặt:48h":
Còn tiếp
Huyền Trang
Tags