Đạo diễn thế hệ 9X Nguyễn Ngọc Nhất Duy cho biết anh rất ham thích tìm hiểu về những đề tài mới, thể loại mới của phim ảnh thế giới. Zombie (xác sống) là thể loại phim giả tưởng rùng rợn, có thể thu hút được khán giả thích cảm giác hồi hộp, nhưng để làm cho hay, không hề dễ.
Dự kiến ngày 28/10 tới đây, phim Virus cuồng loạn của Nguyễn Ngọc Nhất Duy sẽ công chiếu toàn quốc. Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với Nhất Duy về việc chọn một thể loại được xem là “xương xẩu” bậc nhất khi làm phim.
* Cái khó nhất khi bắt tay vào thực hiện phim thể loại này là gì, thưa anh?
- Ý tưởng ban đầu của tôi là rất muốn Việt Nam mình cũng có một bộ phim về xác sống (zombie) giống các nước có nền điện ảnh phát triển. Tôi có hai cố vấn giàu kinh nghiệm là NSND Đào Bá Sơn và nghệ sĩ Nguyễn Công Hậu. Thầy Sơn tư vấn cho tôi thêm về cách xây dựng câu chuyện rõ ràng hơn để làm nổi bật nội dung tư tưởng mà phim muốn nhắm đến. Còn nghệ sĩ Công Hậu thì giúp tôi về cách xử lý những trục trặc trong quá trình sản xuất. Giấy phép quay, xin bối cảnh và địa điểm quay của ê-kíp hơn 80 người là việc không dễ dàng gì.
Phim này có rất nhiều yếu tố khó. Tạo hình, hóa trang, kỹ xảo, diễn viên đều là những yếu tố cực khó. Vì hóa trang thì hiện tại Việt Nam ta còn chưa đủ kinh phí hoặc khả năng để thực hiện những hóa trang mặt nạ (bằng silicon)... Giống như các nước bạn, thời gian để hóa trang cho một diễn viên zombie hoàn chỉnh trong quá trình quay là khoảng 20 phút. Và khi quay những đại cảnh lớn, với số lượng 6 chuyên viên hóa trang, thì cũng mất gần 4 tiếng mới hóa trang xong.
* Vậy kinh phí cho phim “Virus cuồng loạn” là bao nhiêu?
- Kinh phí phim này, nếu theo mặt bằng chung thì có thể lên trên 10 tỷ đồng, áp dụng với những diễn viên có tiếng. Nhưng vì ê-kíp của tôi là những người trẻ. Họ đã, đang làm nghề với đam mê, nên chịu lăn xả, nên kinh phí tạm gói gọn ở mức 8 tỷ đồng.
Trong phim, kỹ xảo cũng là một thách thức rất lớn, tốn kém, vì đây cũng là yếu tố quyết định nên thành công của một phim ăn khách.
* Một phim ăn khách thì thường cần hai yếu tố: Phim thực sự xuất sắc và các diễn viên nổi tiếng. Điều gì khiến anh làm phim kiểu "ngược" với nhiều đạo diễn phòng vé khác?
- Tôi thấy trên thế giới, khi đóng những phim dạng xác sống, nếu dàn dựng thuyết phục và diễn viên hết mình với vai diễn, thì phim vẫn thành công, dù không có người nổi tiếng. Cũng xin nói thật, để tuyển vai (casting) cho các xác sống, tôi rất khó mời được người nổi tiếng. Chỉ duy nhất có diễn viên Gia Bảo tham gia buổi tuyển vai và cùng nhau trao đổi kịch bản phim.
Còn một lý do nữa, rất nhiều người nổi tiếng là những danh hài hiện nay, dù có thiện cảm với tôi, họ cũng cân nhắc, vì vai xác sống và các mảng miếng hài - vốn là bản sắc của họ rồi - có thể bị vênh nhau về hương vị, nên tốt nhất không nhận vai. Hơn nữa, kinh phí giới hạn, lịch quay lại dài, cảnh quay vất vả, cũng là một khó khăn rất lớn khi thuyết phục họ tham gia.
* Khi trailer phim “Virus cuồng loạn” xuất hiện, đã có nhiều ý kiến trái chiều. Dường như một số khán giả vẫn hoài nghi về khả năng của một đạo diễn trẻ khi đưa thể loại xác sống lên màn ảnh rộng tại Việt Nam?
- Thật ra phim của tôi có rất nhiều yếu tố khó khi chuẩn bị phát hành, vì đã có hai phim trước về đề tài này bị khán giả phản ứng không tốt. Họ xem những phim đó xong, cảm thấy không vui vì tạo hình xác sống, vì diễn xuất diễn viên lẫn nội dung, vì tình huống chuyện... Lấy lại niềm tin của khán giả với phim xác sống là một thử thách rất lớn đối với tôi và ê-kíp.
Về câu chuyện và việc truyền tải cảm xúc nhân vật thì tôi không dám chắc, nhưng về yếu tố kỹ thuật hình ảnh xác sống thì tôi có thể tự tin khẳng định khán giả sẽ có cái nhìn khác. Vì khâu kỹ xảo được ê-kíp làm tới 8 tháng, chúng tôi để tâm từng tiểu tiết nhỏ nhất.
* Lấy chủ đề an toàn thực phẩm để xây dựng câu chuyện về xác sống, mới nghe thấy có vẻ khiên cưỡng, nhưng nghiệm lại cũng khá hợp lý. Anh muốn gửi gắm thông điệp gì?
- Tôi muốn nhấn mạnh về tình người và luật nhân quả khi sự cố xảy ra trong đời sống. Nếu mất hai điều này là mất tất cả.
- Điện ảnh Việt đang ở đâu trên thị trường thế giới?
- Điện ảnh Việt Nam không cần sự nài xin
- Làm thế nào để điện ảnh Việt Nam phát triển?
* Một câu hỏi hơi riêng tư. Bước chân vào sự nghiệp khi có cái bóng của người cha là tài tử điện ảnh Công Hậu nổi tiếng, anh có bị áp lực nhiều không?
- Chính ba là người đưa tôi đến với điện ảnh, nên trước giờ tôi không có gì phải áp lực, vì tôi đam mê nghề nghiệp và lấy “lộc tổ” từ nghề để mưu sinh. Nhiều khi đi đâu chơi chung, khán giả thấy ba là xin chụp hình hoặc chữ ký, tôi đứng ra chụp hình cho ba và còn chọc ba nữa, nên tôi vốn quen với điều này rồi.
Còn về cách làm phim, ba theo phong cách xưa và thường chuộng những câu chuyện hơi hoài cổ, tôi thì lại khoái xem những phim hiện đại hơn.
* Cám ơn anh về cuộc trò chuyện này!
“Tôi rất thích xem phim thể loại xác sống của quốc tế, cả trên truyền hình và trên màn ảnh rộng. Dựa vào đam mê này, tôi mới bắt đầu xây dựng kịch bản cho phim Virus cuồng loạn” - đạo diễn Nguyễn Ngọc Nhất Duy. |
Hoàng Thủy (thực hiện)
Tags