(Thethaovanhoa.vn) - Sau hơn một tháng ra mắt, Monta trong dải ngân hà kỳ cục-sản phẩm đầu tay của hãng phim hoạt hình Vintata hiện đang tiếp tục cuộc hành trình: đàm phán với các nhà phát hành, các kênh truyền hình và các kênh online để bộ phim được đến với công chúng theo đúng format: màn hình nhỏ và dài tập định kỳ.
- Nguyễn Phi Phi Anh làm phim hoạt hình Việt: 'Muốn thành công phải chạm được vào trái tim khán giả'
- Đạo diễn 9x Nguyễn Phi Phi Anh: Trở lại và lợi hại hơn xưa…
Đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh - Giám đốc hãng phim cho biết, anh đã tiếp thu tất cả các ý kiến một cách có chọn lọc nhưng không cố chiều lòng mọi người chỉ với sản phẩm đầu tay này.
“Chúng tôi đã xác định rõ từ đầu: khán giả của mình là trẻ nhỏ. Hoạt hình Việt Nam chưa phát triển, nên giới chuyên môn về hoạt hình ở nước ta thực ra cũng không có nhiều nhưng chắc chắn ý kiến của họ cũng đa chiều và giúp ích rất nhiều cho chúng tôi”-Phi Anh mở đầu cuộc trò chuyện với Thể thao & Văn hóa (TTXVN).
Không đẽo cày giữa đường
* Những nhận xét như lời thoại chưa rõ, tên nhân vật chưa thống nhất Anh - Việt và cũng khó nhớ. Anh có cho là tiểu tiết và sẽ khắc phục?
- Tôi nghĩ đây là những tiểu tiết quan trọng và cần khắc phục chứ! Tuy nhiên, cũng chưa chắc là cần phải nhớ hết tên các nhân vật, mà đôi khi có tạo hình đáng nhớ là đã đủ để người ta nhớ rồi. Phải nói thêm, có rất nhiều phim nổi tiếng của Mỹ, như The Simpsons chẳng hạn, có tới hàng trăm nhân vật với tạo hình gần giống hệt nhau, cùng màu vàng, tên cũng rất chung chung đời thường, mà vẫn trở thành biểu tượng được.
Tóm lại, hoạt hình là một thể loại rất tự do. Chúng tôi quyết tâm tự do sáng tạo với mục tiêu của riêng mình chứ không đẽo cày giữa đường, cũng không bó buộc mình vào những trọng trách khác bên cạnh việc giải trí.
* Anh tự thấy mình chưa hài lòng và sẽ thay đổi những gì trong phim, ở các tập chiếu tiếp theo?
- Tôi hài lòng với hướng đi tổng thể của phim. Tôi tin Monta trong dải ngân hà kỳ cục là một lựa chọn có cá tính, khác biệt, và giàu chất liệu để khai phá, chứ không bị đóng khung ở những mô típ quen thuộc trước đây, chẳng giáo điều, nhưng có nét tinh nghịch của riêng nó.
Tôi cũng rất ưng ý với tạo hình nhân vật và thiết kế cảnh quan nói chung. Tuy có thể không nhớ tên từng bạn nhưng khó có thể quên được cách chúng chuyển động, màu sắc và biểu cảm. Chất lượng chuyển động cũng là một điểm tôi rất tự hào. Từ góc độ kỹ thuật, chúng tôi đã không thua kém gì so với hoạt hình thế giới.
Cá nhân tôi chưa hài lòng với phần lồng tiếng và âm thanh của phim. Vùng miền của ngôn ngữ không quan trọng bằng việc phải nói rõ chữ và diễn xuất tự nhiên. Mạch âm thanh khá rời rạc cũng làm giảm đi nhiều hiệu quả của câu chuyện. Nhưng chúng tôi chắc chắn sẽ cải thiện, không chỉ ở những tập sau mà còn sửa lại cả những tập đầu.
* Từ kịch bản được chọn đến khi phim chính thức lên sóng, những chuyên gia quốc tế đã nâng tầm tác phẩm ở những khía cạnh nào mà anh cho là giá trị nhất để yếu tố Việt vẫn khởi sắc trong phim mà cơ hội để phim đi ra thế giới thì không bị giảm?
- Ở sự hài hước đúng kiểu trẻ nhỏ. Nói thật, tôi thấy ý tưởng gốc ban đầu khá giáo điều, mỗi tập phải có một thông điệp, hành tinh rác thì phải làm sao xem xong người ta muốn bảo vệ môi trường. Nhưng sau đó, biên kịch Mỹ hỏi tôi rằng, tại sao không để các nhân vật hành xử đúng như trẻ em, thay vì biến chúng thành những diễn viên đóng thế cho người lớn?
Từ đó, chúng tôi viết ra được những trường đoạn “nấu ăn” đúng như trong tưởng tượng của trẻ em hay chơi đồ hàng. Và câu chuyện cũng phát triển rất tự nhiên. Thay vì bảo ban, áp đặt các nhân vật phải hành xử theo một kiểu, thì chúng tôi thả lỏng, để các nhân vật tự đưa chúng tôi đến những kết cục bất ngờ. Đôi khi cũng khá “dị” và khó hiểu với người lớn, nhưng rất bình thường với các em.
Khó khăn nhất là chính mình
*Như đã chia sẻ với TT&VH, ở vai trò giám đốc sản xuất hãng phim, anh muốn chia sẻ cơ hội được làm nghề thực sự với các tài năng. Vậy điều này đã được hiện thực hóa như thế nào trong thời gian qua với các thành viên của nhóm The Whale Hunters? Có điều gì khiến anh cũng phải "học" lại từ họ không?
- Đương nhiên rồi. Về việc chia sẻ cơ hội làm nghề theo đúng nghĩa của nó, tôi nghĩ không chỉ đúng với The Whale Hunters mà còn đúng với toàn bộ nhân viên tại Vintata. Chúng tôi không phải lo nghĩ quá nhiều về những thứ khác, không có những “gạch đầu dòng bắt buộc” từ nhà đầu tư, mà thực sự được dành toàn bộ sức lực và tâm trí để tạo ra sản phẩm tốt nhất gửi tới công chúng.
Nói vậy thôi nhưng đó đã là một nhiệm vụ rất khó khăn và đó mới là làm nghề. Còn từ The Whale Hunters, tôi cũng học hỏi được nhiều chứ. Họ rất tươi trẻ, phóng khoáng trong cách sáng tạo. Còn cách viết kịch bản của cá nhân tôi thì thường có “kế hoạch” hơn.
* Nhìn thấy những hạn chế của phim hoạt hình Việt nhưng lại được làm việc trong một môi trường đầy hậu thuẫn tại Vintata, những thuận lợi và khó khăn của anh hiện nay là gì? Nó có giống như "người giàu vượt sướng" không?
- Tôi cho rằng có đầy đủ hậu thuẫn chưa chắc đã làm được việc lớn ngay lập tức. Vì cái gì cũng cần thời gian, đúng thời điểm và đúng thị trường. Mà phải làm sai thật nhiều thì mới đúng được. Nên tôi nghĩ khó khăn lớn nhất là bản thân mình có đủ nhanh và giỏi hay không. Thuận lợi là nhà đầu tư rất kiên trì, có tầm nhìn và vốn hiểu biết đáng nể.
*Khẳng định sẽ làm nên một thương hiệu riêng cho phim hoạt hình Việt Nam, không lẫn lộn và không muốn bị so sánh với các sản phẩm quốc tế khác. Nhưng rõ ràng, đi theo xu hướng quốc tế, nhận sự hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế, sẽ khó tránh khỏi sự ảnh hưởng của phong cách hoặc motiv nào đó chứ? Và quan trọng là anh giải quyết áp lực này như thế nào?
-Tôi không coi đó là áp lực. Mình còn bé, biết đứng được trên vai những người khổng lồ thì tốt chứ sao.
*Cho đến thời điểm này, vị trí giám đốc sản xuất của Vintata hay tổng đạo diễn các dự án nhạc kịch cuốn hút anh hơn?
- Tôi thấy vị trí tổng đạo diễn các vở nhạc kịch hợp với tôi cách đây 5 - 6 năm, còn vị trí giám đốc sản xuất của Vintata hợp với tôi bây giờ.
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Muốn tạo ra thế giới đặc biệt cho tuổi thơ Tôi có một tuổi thơ cũng như nhiều bạn trẻ 9x đời đầu. Phim không có nhiều nên phim gì cũng xem: từ phim Mỹ như Tom & Jerry, Nàng tiên cá, Vua sư tử, Hoa mộc lan, cho tới phim Nhật như Doraemon, Pokemon, Bảy viên ngọc rồng, Thuỷ thủ mặt trăng v.v… Cái tôi nhớ nhất về những bộ phim này, đó là chúng mở ra những thế giới mới, không có thật, nhưng khiến tôi tò mò muốn được một lần đặt chân tới để khám phá. Mong muốn của tôi bây giờ vẫn vậy, vẫn muốn được tạo ra những thế giới đặc biệt như thế. |
Lam Ngọc (thực hiện)
Tags