Nhưng sau khi bộ phim Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng được trình chiếu, rất nhiều phóng viên đã “truy lùng” số điện thoại của Thắm. Khi trò chuyện, tôi đã rất ngạc nhiên vì nữ đạo diễn nhỏ bé, giản dị này là một tay xê dịch đích thực và rất trải đời. Từ bé Thắm đã theo bố mẹ tới khắp các công trường thủy điện lớn của Việt Nam, nên “xê dịch” đã ngấm vào máu, không thể thay đổi được nữa. Nhưng phim ảnh đã thay đổi cuộc đời Thắm:
- Đối với cá nhân tôi, được sống ở nơi được nói thứ ngôn ngữ của mình, nói được hết cảm xúc của mình là quan trọng nhất. Năm nay tôi đã sang rất nhiều nước Đông Nam Á, thấy nhiều nước cũng na ná Việt Nam thôi. Sang châu Âu, châu Mỹ nhiều nơi đẹp, văn minh lắm, khí hậu sạch, đàn ông thì ga lăng… Tôi cũng không biết việc cầm máy quay làm một bộ phim nước ngoài sẽ thế nào, nhưng vẫn thích ở Việt Nam, được làm những gì mình thích.
* Nhiều người nói với tôi, chị chỉ có lấy “Tây” là hợp?!
- (Cười) Vâng bạn bè tôi cũng nói “khẩu vị của mày chỉ có nấu cho Tây”, “làm phim cho Tây xem”, “chỉ có Tây nó lấy”. Nhưng tôi thích đàn ông Việt nhé, và là những người có đầu óc “thoáng” ấy.
* Điện ảnh có ý nghĩa thế nào với chị?
- Phim ảnh là tất cả với tôi. Có thể nói phim tài liệu đã thay đổi cuộc đời của tôi. Trước kia mình sống ở môi trường không có lòng tốt nào là miễn phí, lúc nào cũng ở thế phòng vệ, không bao giờ dám mở lòng, khi có người đối xử tốt mình lại nghi ngờ không biết họ có ý đồ gì không. Đến khi vào học ở Varan, điều thu hút tôi nhất là cộng đồng làm phim ở đây. Họ đều là những người có đầu óc rất cởi mở, sống vị tha lắm, luôn nghĩ tới mọi người trước khi nghĩ đến mình. Họ làm cho tôi thay đổi. Bước vào làm phim là bước vào thế giới khám phá tâm lý con người, biết được các cuộc sống khác mình. Tự nhiên mình nhận ra mọi thứ, trưởng thành một cách kì lạ, cử xử vị tha hơn, sống đằm hơn.
* Tôi hình dung với sự thay đổi đó, khi trở lại cuộc sống cũ thì chị sẽ phải một lần “hòa nhập” lại?
- Đúng là tái hòa nhập cộng đồng đấy (cười). Sau khi làm xong Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng tôi quay về với công việc làm phim truyền hình, đó là một công việc tốt cho tôi thu nhập. Mà tôi cũng may mắn vì từ trước đến nay đi làm toàn gặp đồng nghiệp tốt. Thế nhưng hai tuần làm công việc đó sáng nào thức dậy tôi cũng thấy tim mình nặng trĩu. Nói ra nhiều người tưởng mình điên, nhưng lựa chọn của mình khác.
Poster phim tài liệu "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng"
Khi tôi bắt tay vào làm Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, nhiều người không tin tưởng. Thậm chí có những người bạn rất thân đã tỏ ra coi thường tôi. Họ nói: “mày đắt sô truyền hình, mày có nhiều mối quan hệ tốt, đáng nhẽ bây giờ mày phải có nhà có xe, chứ không phải sống lay lắt thế này”, “làm phim tài liệu xong ai trả tiền cho mày”...
Lúc đó, tôi đã cảm thấy vô cùng chua chát, tức đến nỗi không thể giải thích với họ được. Đối với văn hóa của họ, phải có nhà, có xe mới là sống. Tôi đã nói với họ, mỗi người có một sự lựa chọn, miễn là cảm thấy vui vẻ với lựa chọn đó. Tôi tự nuôi bản thân mình, không ngửa tay xin ai, nên mọi người không có quyền phán xét tôi. Đến giờ khi Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng thành công, họ lại nói “ừ thì cũng được, nhưng dù sao mày cũng đã mất 5 năm tuổi xuân cho bộ phim” (cười).
Nói thật lòng nhé, giờ tự dưng có 10 tỉ đồng trong tay chắc tôi cũng stress vì không biết sử dụng thế nào. Dẫu sao giờ mình vẫn còn nhiều nỗi lo, nếu đến một ngày không còn nỗi lo nào thì là lúc đời mình chấm dứt thì sao? Tôi nghĩ thế đấy.
* Ồ, tôi tưởng ai cũng mong đời mình suôn sẻ chứ?
- Tôi là người thích cuộc sống phải có kịch tính. Mỗi tuần phải xảy ra một chuyện thế nào đấy, không cần biết xấu hay tốt, nhưng như thế tôi mới chịu được.
* Cảm ơn chị. Chúc chị một năm mới nhiều niềm vui và thành công!
Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng cho đạo diễn đi du lịch suốt một năm |
Ngọc Diệp (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Xuân Ất Mùi 2015
Đọc các bài viết thuộc chuyên đề Người trẻ độc lập:
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: Làm phim để chưng cất cảm xúc
Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức: Không còn 'ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng'
Tags