Đạo diễn - NSƯT Nguyễn Tài Văn (Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam) vừa giới thiệu phim tài liệu "Hướng đi nào cho phế liệu nhựa" tại cuộc toạ đàm với chủ đề "Phế liệu nhựa nhập khẩu".
"Đối với một người làm phim khoa học như tôi, điều tôi luôn ám ảnh là số liệu người mắc ung thư ở Việt Nam ngày càng tăng cao" – đạo diễn Nguyễn Tài Văn chia sẻ.
Theo thống kê của GLOBOCAN năm 2020, tình hình mắc và tử vong do ung thư trên toàn thế giới đều có xu hướng tăng. Tại Việt Nam, ước tính có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư. Cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư. Như vậy, có thể thấy là tình hình mắc mới và tử vong do ung thư ở Việt Nam đang tăng nhanh.
"Người dân không hiểu nguyên nhân do đâu những vấn đề ô nhiễm môi trường là một trong những sát thủ thầm lặng dẫn đến tình trạng bệnh ung thư gia tăng theo cấp số nhân ở Việt Nam và trên thế giới như vậy. Đó là những ám ảnh về góc độ khoa học mà tôi may mắn làm việc trong lĩnh vực này và thấu hiểu. Chính vì vậy mà tôi mong muốn làm nhiều chương trình để tuyên truyền nâng cao nhận thức, phổ biến những thông điệp, những thông tin khoa học để người dân hiểu được mối nguy hại tiệm ẩn ngay bên cạnh đời sống mà người dân không hề hay biết. Chỉ khi nó phát bệnh thì chúng ta mới tìm cách chạy chữa thì đã muộn" – đạo diễn Nguyễn Tài Văn nói thêm.
Là đạo diễn của Phòng Khoa học Môi trường - Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam, đạo diễn Tài Văn thường làm về lĩnh vực môi trường, các vấn đề về rác thải nhựa. Năm 2018 anh đã làm phim "Ô nhiễm nhựa ở biển" được hội đồng giám khảo LHP Việt Nam lần thứ 19 đánh giá cao và trao giải Bông Sen Bạc (không có Bông Sen Vàng) cho thể loại phim khoa học, tiếp đó là Cánh diều Bạc của Hội Điện ảnh Việt Nam, Giải B LHP Môi trường của Bộ TNMT.
Sau đó anh cũng làm nhiều phim về vi nhựa. Năm 2022, anh đã làm 2 tập phim "Ô nhiễm nhựa vấn đề của thực tại và tương lai" và năm 2023 là "Hướng đi nào cho phế liệu nhựa". Một điều đặc biệt là đề tài về thực trạng của nhập khẩu phế liệu nhựa có thể có nhiều phóng sự hay chương trình chuyên đề đã làm, nhưng chưa có phim tài liệu về chủ đề này.
Tại Hà Nội, Ban Khoa giáo - Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Đại học Tài nguyên và Môi trường tổ chức Tọa đàm "Phế liệu nhựa nhập khẩu". Sự kiện có sự tham gia của đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương tại Việt Nam, đại diện lãnh đạo và đông đảo sinh viên Đại học Tài nguyên và Môi trường.
Nói về quá trình làm phim tài liệu của mình, NSƯT Tài Văn cho hay: "Trong quá trình tác nghiệp, nỗi ám ảnh nhất là khi chúng tôi đi tác nghiệp ghi hình những người nhặt rác tại bãi rác lớn nhất miền Bắc là Bãi rác Nam Sơn ở Sóc Sơn. Bạn hãy tưởng tượng là đủ thứ rác thải, đồ ăn thừa của nhà bạn được các xe vệ sinh môi trường tập kết mang về đổ tại bãi rác đó, trước khi ban quản lý phun thuốc và tiến hành xử lý theo quy trình thì những người dân nghèo chấp nhận mưu sinh bằng nghề ve chai phải dậy từ 2h sáng đợi chiếc cổng vào khu bãi rác mở ra và họ thi nhau đổ ra bãi rác để bới những chiếc túi Nilon, những chai nhựa mà hàng ngày các bạn xả ra để mưu sinh…
Để có được những cảnh đó, chúng tôi đã phải chờ trực ở bãi rác. Mặc dù ekip đã trang bị bảo hộ lao động nhưng bạn không thể hình dung được cái mùi ở bãi rác ám vào trong tâm trí bạn, trong khứu giác của bạn đến mức nào. Rất khó để diễn tả!".
Điều mà đạo diễn Tài Văn mong muốn là qua các bộ phim có thể thay đổi hành vi của người dân. Một chương trình, một bài viết, và một lần đưa tin hay làm phim thôi thì có thể sẽ khó khăn để truyền tải những thông điệp đến người dân bởi mỗi người có một trình độ, một góc nhìn và sự cảm nhận khác nhau. Vì thế, từ năm 2017 đến nay, vấn đề ô nhiễm nhựa và các vấn đề liên quan đến nhựa là một trong những đề tài không thể thiếu trong ngân hàng ý tưởng sản xuất chương trình và phim của đạo diễn.
"Trong các tác phẩm của mình tôi luôn tìm tòi phương pháp thể hiện để làm sao phim đến được với đông đảo người xem nhất. Bản thân tôi vốn là người đam mê với bộ môn nghệ thuật kể chuyện bằng hình ảnh, chính vì vậy mà phim của tôi dù đề tài nước thải, rác thải nhưng tôi vẫn yêu cầu các quay phim và ê kíp phải có những thủ pháp để đầu tư về mặt hình ảnh và nội dung hấp dẫn" – anh chia sẻ thêm.
Đạo diễn- NSƯT Nguyễn Tài Văn hiện nay là Đạo diễn, Ban Khoa giáo - Đài Truyền hình Việt Nam, là Hội viên Hội Điện Ảnh Việt Nam; Hội viên Hội Báo chí Việt Nam.
Anh giành các giải thưởng cá nhân: Cánh Diều Vàng cho Đạo diễn thể loại phim Khoa Học cho phim "Sự cân bằng hoàn hảo"; Cánh Cánh Diều Vàng cho Quay phim thể loại phim Khoa học cho phim "Sự cân bằng hoàn hảo"; Giải đặc biệt Về đa dạng sinh học cho phim tài liệu "Về đâu những cánh chim trời"; Bông sen vàng dành cho quay phim trong thể loại phim khoa học tại LHP Việt Nam lần thứ 18…
Tags