Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Dòng sông kể chuyện" mùa 2 - "Chuyến tàu huyền thoại" khai mạc Lễ hội Sông nước TP Hồ Chí Minh năm 2024 sẽ diễn ra lúc 20h ngày 31/5 tại Khu Nhà Rồng Khánh Hội - Cảng Sài Gòn.
Tiếp nối thành công của mùa 1, chương trình năm nay là vở đại nhạc kịch ngoài trời được tổ chức trên sông Sài Gòn được ví như bộ phim "bom tấn" trên sông giúp khán giả, du khách tiếp tục khám phá, hiểu thêm về dòng sông Sài Gòn - dòng sông của lịch sử, dòng chảy của thời gian.
Đạo diễn Phạm Hoàng Nam tham gia chương trình với vai trò Đạo diễn sân khấu. Anh có cuộc trò chuyện khi đang trong quá trình dàn dựng chương trình nghệ thuật đặc biệt này.
* Dư âm của chương trình Lễ hội Sông nước TP Hồ Chí Minh - "Dòng sông kể chuyện" mùa đầu tiên có phải là lý do để anh nhận lời tham gia chương trình năm nay, thưa anh?
- Thành công chương trình năm trước chỉ là chứng thực cho những ý tưởng cũng như công sức của cả ê-kíp. Câu chuyện hay, đặc biệt là ý tưởng của cá nhân Tổng đạo diễn, tác giả kịch bản Lê Hải Yến mới là lý do đầu tiên thuyết phục tôi nhận lời. Thứ hai, ê-kíp Newday Media làm việc rất nhiệt huyết, sáng tạo. Thứ ba là ý nghĩa của chương trình. Tôi là người gốc Hà Nội nhưng sống và gắn bó với Sài Gòn rất lâu. Tôi luôn mong muốn cũng như cảm thấy mình cần có trách nhiệm đóng góp điều gì đó cho nơi này. Ngay từ mùa 1, ý tưởng của Lê Hải Yến cho tôi thấy mình có thể đóng góp được và tôi bị thuyết phục.
* Kịch bản năm nay có điều gì đặc biệt khiến anh có cảm hứng sáng tạo?
- Ý tưởng của Lê Hải Yến vừa liều lĩnh, vừa đặc biệt. Câu chuyện về những chuyến tàu huyền thoại trên sông Sài Gòn thực ra không mới, cái mới là ở chỗ chưa từng có ai kể câu chuyện cũ đó. Chương trình năm trước đưa yếu tố văn hóa nhiều hơn, năm nay yếu tố lịch sử đậm nét hơn, thể hiện để đông đảo công chúng được biết dưới hình thức nghệ thuật trình diễn, hấp dẫn dễ xem.
Nhắc tới chương trình tuyên truyền, người xem thường nghĩ tới cái gì đó khô cứng, phong trào, cổ động. Chương trình này bên cạnh ý nghĩa tuyên truyền, có hình thức thể hiện mang tính giải trí hấp dẫn và đầy mới lạ. Tôi nghĩ Tổng đạo diễn Lê Hải Yến sẽ làm tốt khát vọng của cô ấy là chương trình không chỉ là một sự kiện văn hóa - giải trí đặc sắc, mà còn là một "bộ phim" sống động về lịch sử và văn hóa Việt Nam, qua đó tôn vinh các giá trị truyền thống và tinh thần yêu nước, đồng thời khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong thời đại mới.
Video "Dòng sông kể chuyện" mùa 1:
Chương trình nghệ thuật "Dòng sông kể chuyện". Nguồn: VTV
* Ở vai trò đạo diễn sân khấu chương trình, anh có thể tiết lộ một vài điểm ấn tượng, thú vị anh sẽ mang tới cho khán giả năm nay?
- So với năm trước, chương trình năm nay khó hơn về thể loại. Lê Hải Yến chọn nhạc kịch - thể loại rất thách thức. Nhạc kịch thường trình diễn trong nhà hát chứ không đưa ra không gian rộng lớn theo kiểu lễ hội như vậy. Nhắc tới nhạc kịch là nhắc tới âm thanh, hát, diễn và khán giả cần nghe - xem ở cự li gần. Ở đây, Lê Hải Yến lại đưa ra sân khấu rộng ngoài trời, xa khán giả. Sân khấu rộng như vậy, phải làm thế nào để người xem vẫn thấy gần gũi, nghe, xem, cảm, hiểu được câu chuyện. Thủ pháp sân khấu kể cả ước lệ và công nghệ đều được sử dụng triệt để, tối đa để khán giả có thể nhận thấy cảm thấy từ mọi góc nhìn.
Phần trình diễn vừa mang tính câu chuyện kể, cá nhân, tự sự, vừa có tính hoành tráng của lễ hội. Với lễ hội thông thường sẽ chỉ có tính hoành tráng, nhưng kịch phải có số phận, thân phận.
Chương trình còn liên quan tới câu chuyện về lãnh tụ, phải làm sao giữ tính chính xác của tư liệu lịch sử, dễ cảm, lại vừa có tính tính khái quát ước lệ. Liều lượng thế nào, biểu hiện thế nào, để mọi người hiểu giống nhau, làm sao để người biết chuyện rồi, hay cả thế hệ trẻ cũng muốn xem, đó chính là thách thức lớn nhất.
* Được biết, chương trình không chỉ là hướng đến kể những câu chuyện lịch sử, mà tham gia chương trình còn có sự góp mặt của nhiều nhân vật lịch sử, anh có thể tiết lộ thêm về điều đó?
- Có thể nói, phần casting diễn viên cho chương trình năm nay rất lâu và khó vì chúng tôi phải tìm diễn viên kịch sân khấu, có tiếng tăm, có hiểu biết, và có cảm xúc với sự kiện đó nữa. Chính kịch phải có thời gian chuẩn bị lâu mà diễn viên trong này thường có lịch diễn dày đặc. Việc tìm một diễn viên phù hợp cả về ngoại hình, nội tâm, kinh nghiệm, ý thức… rất khó. Khó nhất là ê-kíp tìm người vào vai Bác Hồ, Bác Tôn.
Tiếp đó, sát giờ chúng tôi mới tìm được nhân vật dẫn chuyện, mà hay ở chỗ, họ kể chính câu chuyện của mình chứ không phải diễn, nghĩa là không có ranh giới giữa sân khấu với cuộc đời họ nữa. Đó là may mắn vì chúng tôi cũng không biết trước và tôi tin chắc với nhân vật như vậy thì sân khấu, chương trình sẽ rất cảm xúc.
* Với sự gắn bó của anh ở hai mùa Lễ hội Sông nước TP Hồ Chí Minh, anh nhận định ra sao về sức hấp dẫn của chương trình đối với sự phát triển du lịch của thành phố cũng như hướng đến công nghiệp văn hoá, tạo ra giá trị kinh tế bền vững?
- Điều quan trọng của một lễ hội là sự độc đáo, thu hút du khách, lễ hội phải kích cầu du lịch. 4 yếu tố làm cho địa phương trở nên khác biệt, đó là: văn hóa, thiên nhiên, lịch sử và tôn giáo. Phát triển du lịch tạo giá trị kinh tế bền vững cho địa phương là điều tôi luôn theo đuổi và đó là con đường đúng đắn. Chỉ tiếc ở Việt Nam điều đó vẫn còn hiếm, vì liên quan tới chủ trương, tầm nhìn, sự đầu tư… của địa phương và doanh nghiệp.
Những chương trình công phu như "Dòng sông kể chuyện" nên được thực hiện thường xuyên, mỗi năm 1 lần cũng tốt, nhưng có thể nhiều hơn nữa, mỗi mùa 1 lần. Đã làm công phu cầu kỳ như vậy, nếu được diễn nhiều lần thì tốt hơn.
Cần có kế hoạch dài hơi để những tour du lịch đưa chương trình vào list của năm, chứ không phải tới sát chương trình mới thông tin thì họ không đưa vào kế hoạch trước được.
* Anh đang chuẩn bị và sẵn sàng ra sao cho chương trình năm nay?
Mọi thứ đang chạy rất tốt, mọi người đều đã sẵn sàng. Bất ngờ và những khó khăn liên tục xảy đến. Kỹ thuật sân khấu, công nghệ biểu diễn sẽ là những thứ hiện đại nhất, thời thượng nhất, đòi hỏi sự kết hợp cao và chính xác. Lê Hải Yến đưa vào những yếu tố công nghệ mới nhất nhưng cũng có những phương pháp rất cổ điển, kết hợp như thế rất khó. Năng lượng, thời gian làm việc của anh em chúng tôi tăng gấp đôi so với mùa đầu tiên. Năm nay chương trình ở level (đẳng cấp - PV) khác, khó khăn, thách thức hơn, nhưng cũng hấp dẫn hơn…
* Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Dòng sông kể chuyện" – mùa 2 mang tên "Chuyến tàu huyền thoại" mở màn "Lễ hội sông nước TP Hồ Chí Minh 2024" sẽ tái hiện và tôn vinh lịch sử hào hùng của sông Sài Gòn thông qua câu chuyện về những chuyến tàu. Chương trình là một vở đại nhạc kịch ngoài trời lần đầu tiên được tổ chức trên sông Sài Gòn, kết hợp giữa yếu tố điện ảnh, âm nhạc và vũ kịch, cùng những công nghệ trình diễn hiện đại...
Tags