Đạo diễn Thanh Vân: Muốn có một chiếc xe tăng… biết chạy mà khó quá

Thứ Sáu, 18/04/2014 09:01 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Đạo diễn Thanh Vân cho biết anh rất muốn có một chiếc xe tăng... còn chạy được  trong Sống cùng lịch sử, nhưng chỉ mượn được chiếc xe tăng mà cách đây 20 năm phim Hoa ban đỏ đã dùng, 10 năm sau Ký ức Điện Biên dùng tiếp. Xe tăng không thể chạy vì tổ sửa chữa nay đã về hưu hết.

Sống cùng lịch sử sẽ được chiếu vào dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2014). TT&VH đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Thanh Vân.

* Vậy anh xoay sở như thế nào với chiếc xe tăng không biết chạy ấy?

- May là nó còn xoay được nòng, còn để bắn được, tổ khói lửa có cách của họ… Các bạn hãy chờ xem phim nhé!


Đạo diễn Thanh Vân (phải) trên phim trường Sống cùng lịch sử

* Anh trả lời báo chí Sống cùng lịch sử có mục tiêu hướng tới người trẻ. Theo anh, muốn thu hút khán giả trẻ cần những yếu tố gì? Gần đây phim dòng này không thể tiếp cận khán giả, nguyên nhân do đâu vậy?

- Yếu tố quan trọng nhất vẫn là cách truyền đạt, bộ phim đó có khả năng khiến khán giả xúc động hay không mà thôi. Ngày xưa phim chiến tranh cùng kênh cảm xúc, cùng hướng tới những giá trị tinh thần mà khán giả hướng tới. Ngày nay giáo dục, văn hóa, nền tảng kinh tế xã hội... đã thay đổi, khán giả cũng thay đổi.

Trong khi đó, phim chiến tranh của mình chưa đủ khả năng lay động được cảm xúc người xem. Và phim lịch sử Việt Nam hiện nay hay mắc bệnh "mô phỏng" lịch sử, người ta quá quan tâm đến yếu tố đúng, sai của lịch sử mà quên đi yếu tố hàng đầu của điện ảnh là phải tạo ra cảm xúc. Xem phim mà cứ chăm chăm soi xem khẩu súng, bộ quần áo, xe pháo có đúng không cũng không ổn.

* Đã là lịch sử thì phải chính xác, làm thế nào để thuyết phục được khán giả nếu đạo diễn không chăm chút các chi tiết kĩ lưỡng?

- Ý của tôi là, phải làm đúng tinh thần lịch sử, nhưng không nhất nhất phải như sách giáo khoa.

"Hãng phim Truyện Việt Nam đang ở thời điểm kiệt quệ nên dự án Sống cùng lịch sử ít nhất giúp Hãng không gục hẳn xuống. Chất lượng phim như thế nào phải chờ khán giả nhận xét, chỉ muốn nói rằng chúng tôi đã làm hết sức vì vẫn muốn giữ hình ảnh Hãng đã tạo dựng suốt 50 năm qua" - đạo diễn Thanh Vân.
Tôi có hai ví dụ, khi tôi làm trợ lý làm phim Điện Biên Phủ cho đạo diễn Pháp Pierre Schoendoerffer, chuyên gia hóa trang cho diễn viên Thu Hà để kiểu tóc của thiếu nữ Hà Nội năm 1954, nhưng đạo diễn nói để kiểu tóc này khiến mặt Thu Hà không đẹp. Người hóa trang đưa ảnh ra chứng minh thời đó người ta để tóc như thế, thì đạo diễn nói: "Đối với tôi giữa cái đẹp và sự thật tôi chọn cái đẹp". Tất nhiên yêu cầu thay đổi của ông ấy không đến mức đòi hỏi cắt tóc tém cho Thu Hà. Quan điểm đó đã "găm" vào tâm trí tôi.

Ví dụ thứ hai là trận Xích Bích, đã được điện ảnh và truyền hình Trung Quốc khai thác bao nhiêu năm nay, nhưng chị có nhìn thấy phim sau giống phim trước không? Trang phục, tạo hình nhân vật, thậm chí tính cách của các nhân vật như Chu Du, Gia Cát Lượng giữa các phim khác nhau rất nhiều.   

* Có đạo diễn bày tỏ nghi ngờ về chất lượng kịch bản, chuyện phim hơi đơn giản và dàn trải, lấy cái cớ từ một cuộc đi phượt của một nhóm thanh niên, tái hiện lại một thời kỳ lịch sử hào hùng.

- Tất nhiên đây là kịch bản rất khó làm, không có câu chuyện gì quá cụ thể, lại gắn với sự kiện tầm vóc quá lớn; thủ pháp (đồng hiện), không mới với thế giới nhưng hoàn toàn mới ở Việt Nam và mới với cá nhân tôi. Khi làm thấy rất nhiều thách thức. Hy vọng đạo diễn nào nhận xét như vậy sẽ xem phim.

* 21 tỉ đồng sau khi trừ chi phí nuôi Hãng phim, anh nói chẳng bõ bèn gì cho phim? Tiền ít có làm ảnh hưởng đến chất lượng phim?

- Thực ra trong nghề điện ảnh, tiền thế nào cũng ra được phim. Đảm bảo cho một số tiền ít hơn bất kì đạo diễn nào cũng cho ra một bộ phim, vấn đề là hiệu quả thế nào. So với phim Điện Biên Phủ cách đây 10 năm, số tiền cho Sống cùng lịch sử không lớn lắm. Tuy nhiên chúng tôi luôn ý thức rằng, với số tiền này ở Việt Nam cứ ham làm hoành tráng dễ đi vào ngõ cụt, phải tìm con đường đi phù hợp vừa tầm vóc, suy nghĩ, khả năng, mặt bằng kinh tế xã hội.

Ngọc Diệp (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›