(Thethaovanhoa.vn) - Những tác phẩm xuyên biên giới như Làng tôi, À ố show, Teh Dar, Overseas… không chỉ là sự kết hợp Đông với Tây, hiện đại với truyền thống, mà trên hết, là sự tự tôn về văn hóa bản địa, về quê cha đất mẹ. Dường như với đạo diễn Tuấn Lê và các cộng sự, văn hóa và truyền thống Việt Nam nói chung dư sức trở thành đặc sản mang tính quốc tế, nếu có cách làm hợp lý, văn minh.
Trong bối cảnh sân khấu đang chật vật tìm kiếm khán giả, thì Tuấn Lê cùng các cộng sự đã có những thành công ngoạn mục ở cả trong nước và quốc tế. Dùng ngôn ngữ sân khấu đương đại để khai thác, tích hợp các thành tố văn hóa truyền thống, dựng nên những tác phẩm ăn khách. Với trung bình 60 suất diễn mỗi tháng tại TP.HCM, Hội An, Hà Nội và nhiều chuyến lưu diễn quốc tế, khó có đơn vị nghệ thuật nào tại Đông Nam Á có thể sánh bằng.
Đơn cử như Làng tôi, đến 2020, vở này đã tròn 15 năm sáng đèn liên tục, CNN nhận xét đây là một trong những tác phẩm cuốn hút nhất của Việt Nam. Từ 2009 đến 2012, vở này đã du diễn hơn 300 suất tại Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bỉ, Hy Lạp, Hungary, Đức, Hong Kong (Trung Quốc)…
Hoặc như À ố show, vở này đã diễn hàng ngàn suất tại Việt Nam và khắp các châu lục. Riêng với cuộc hợp tác cùng Nhà hát Sénart (Pháp) để du diễn quốc tế, À ố show đã diễn khoảng 200 suất, đón hơn 150.000 khán giả tại nhiều nước.
Tuấn Lê và Lune Production còn mang Sương sớm, Teh Dar, Overseas... đến nhiều nước.
Sinh năm 1977, từ 14 tuổi định cư tại Đức, đến năm 18 tuổi, Tuấn Lê theo học xiếc tại Trung tâm Văn hóa Ufa Fabrik (Berlin, Đức). Năm 2010, anh trở thành nghệ sĩ châu Á đầu tiên đoạt giải Nghệ sĩ xuất sắc do Hiệp hội Nghệ sĩ tung hứng thế giới trao tặng. Từ năm 2009, anh trở về Việt Nam, dành nhiều tâm huyết để khai thác văn hóa và di sản bản địa, nhằm bắc nhịp cầu để sân khấu đa hình thái của Việt Nam đi ra thế giới.
Đạo diễn Tuấn Lê dành cho báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) cuộc trò chuyện về bản sắc và cả cách “đánh thức” các di sản truyền thống để làm giàu cho văn hóa đương thời.
* Giải pháp nào để các show diễn luôn có được khán giả, đặc biệt là du khách quốc tế, thưa anh?
- Vấn đề mấu chốt vẫn là ý niệm và phương pháp trong công việc. Ngôn ngữ dàn dựng là điều tất yếu, nhưng thẩm mỹ - cái làm cho người thưởng thức có thể rung động - còn quan trọng hơn.
Nghe thì dễ lắm, nhưng đẹp và như thế nào là đẹp, còn cãi nhau chán. Nói không cần phải phiên dịch để hiểu từng câu từ mà vẫn khiến cho khán giả cảm được những thông điệp chúng tôi muốn chia sẻ, đâu có dễ dàng. Ngôn ngữ và thẩm mỹ là điều chúng tôi luôn quan tâm nhất.
Khi xây dựng các tác phẩm, tôi và cộng sự chưa bao giờ nghĩ là phải xây dựng cho khách Việt Nam hay khách quốc tế. Đối với tôi, nghệ thuật là một điều kiện tốt nhất để không phân biệt ranh giới, màu da, ngôn ngữ…, chỉ cần chạm đến sự cảm nhận là đạt.
* Người ta hay nói về việc gìn giữ bản sắc, lấy cảm hứng từ di sản để đưa ra quốc tế. Nói thì dễ, nhưng làm rất khó, thường dễ sa vào tuyên truyền xơ cứng. Các anh làm cách nào để tạo ra sự hài hòa, hợp lý như vậy?
- Bản sắc của từng vùng miền, dù trên lãnh thổ Việt Nam hay ở bất cứ nơi nào trên thế giới là điều chúng ta đều có thể thụ lãnh được, nếu có phương pháp, qua đó nhận ra sự khác biệt và đặc biệt của nhân loại. Việc chúng tôi làm ngày hôm nay là lấy nền tảng văn hóa của từng vùng miền để sáng tạo. Chính sự sáng tạo, chứ không phải khư giữ, đã giúp tác phẩm có ngôn ngữ đặc trưng mà thế giới ngày nay có thể nhận ra được danh tính.
* Nghĩa là anh có một quan niệm, một tiêu chí về khai thác bản sắc. Đâu phải cái gì cũng bê ra thế giới được phải không?
- Không nhất thiết phải bê ra thế giới trước, rồi mới quay về, nhưng ban đầu chúng tôi không có chọn lựa nào khác. Khi dàn dựng Làng tôi, phải mang ra thế giới để tồn tại, trước khi người Việt trong nước có sự quan tâm thực sự.
Nhưng đến nay thì câu chuyện của chúng tôi đã khác đi một chút, chúng tôi có tiềm năng và đủ lực để sản xuất các tác phẩm đề tài nội địa, hướng thẳng đến khán giả trong nước, song song đó là những chuyến lưu diễn thế giới vẫn được duy trì. Trong nước có tồn tại được hay không là sự sống còn của hơn 200 con người đang tin và theo đuổi giấc mơ của chúng tôi. Còn đi lưu diễn nước ngoài là để khẳng định tác phẩm của chúng tôi có chỗ đứng trên thị trường nghệ thuật của thế giới.
Còn về khán giả đến xem, Việt Nam hoặc ở nước ngoài đều giống nhau, khách phần đông tới nhà hát xem vẫn là người nước ngoài, đó cũng là mục tiêu chính mà chúng tôi hướng đến.
* Trên đây tạm gọi là những thách thức và khó khăn, còn các thuận lợi của anh là gì?
- Với quy mô như hiện nay, có thể nói Lune Production là đoàn nghệ thuật lớn nhất Đông Nam Á. Chúng tôi sáng đèn trên 3 sân khấu của 3 thành phố là TP.HCM, Hội An, Hà Nội, với trung bình 20 suất diễn mỗi tháng cho mỗi thành phố, rồi các chuyến lưu diễn quốc tế. Như vậy các nghệ sĩ tham gia chương trình có cơ hội tỏa sáng với tài năng của mình trong một môi trường làm việc chuyên nghiệp trong suốt 12 tháng.
* Nhiều người nói các anh “một mình một chợ”, mở lối đi riêng nên không ai cạnh tranh. Các anh có lấy làm mừng về điều này không?
- Chúng tôi là những người tiên phong tìm kiếm các điều kiện để cùng nhau xây dựng một hệ thống, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn để tồn tại và phát triển, để trở thành độc nhất, ấy quả là điều vô cùng may mắn.
* Cảm ơn anh!
Văn Bảy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Xuân Canh Tý
Tags