Và trước sự bùng nổ của các chương trình truyền hình thực tế theo format ngoại, đạo diễn Việt Tú vẫn đang thỏa sức sáng tạo với một chương trình thuần Việt như Bài hát yêu thích.
* Anh có cho rằng hiện giờ là thời hoàng kim của những format chương trình có tính tương tác cao trên website, facebook, twitter, SMS... Và một fomat như vậy thì chắc chắn thành công?
- Truyền hình hiện đại đang rất phát triển các format mang tính tương tác, bất kỳ chương trình nào dù lớn hay nhỏ nếu muốn có cơ may thành công trên diện rộng (thu hút số lượng khán giả đông đảo mọi tầng lớp, lứa tuổi) thì không thể đứng ngoài xu thế này.
Với sự phát triển không ngừng của công nghệ số, đây sẽ là xu hướng bắt buộc của truyền hình, không giới hạn đến cả những nội dung mang tính chính thống như các bản tin thời sự, hay các cuộc họp nghị sự....
Như vậy, format tương tác là điều kiện đương nhiên phải có nếu bạn muốn hướng đến cơ may thành công. Nhưng theo tôi, cuối cùng câu chuyện lại vẫn xoay về một thứ rất cổ điển, đó chính là "nội dung câu chuyện" của format đó.
* Khi các chương trình truyền hình xuất hiện ở Việt Nam hiện nay đa số được thực hiện theo format nước ngoài, anh thấy vai trò đạo diễn trong mỗi chương trình được phát triển theo tỉ lệ thuận hay nghịch?
- Tôi nghĩ cần có phân loại rõ ràng để tránh hiểu lầm, cụ thể trong những chương trình độc lập không liên quan đến việc mua format nước ngoài họ được chủ động từ A - Z từ ý tưởng cho đến thành phẩm chúng ta gọi họ là đạo diễn sáng tạo hoặc tổng đạo diễn, còn với các format có sẵn được mua về, chúng ta gọi họ là đạo diễn dàn dựng vì với dạng chương trình này họ chỉ phụ trách phần dàn dựng dựa trên format có sẵn mà thôi.
Từ đó chúng ta sẽ thấy rõ ràng cho dù là dạng chương trình nào thì cũng cần có vai trò của người đạo diễn, chỉ có điều họ sẽ phải thay đổi để thích nghi với sự phát triển của thị trường ở những thời điểm cụ thể.
* Với những định dạng có sẵn, rõ ràng là có một barie với đạo diễn khi muốn thể hiện những sáng tạo riêng vào chương trình. Vậy làm thế nào để anh vượt khỏi “tấm chắn” này, như với chương trình Giai điệu tự hào chẳng hạn?
- Nghe thì có vẻ ngược, nhưng những format kiểu như Giai Điệu Tự Hào lại rất phù hợp với sở trường của mình vì tôi hoàn toàn không bị lệ thuộc vào những rào cản kí ức. Thậm chí khi tiếp cận với chương trình ban đầu phải thừa nhận rằng tôi hoàn toàn không thấy nội dung chương trình có gì liên quan đến thế hệ của mình.
Khi nhận chương trình này mục đích của tôi không phải vượt qua "tấm chắn" để thể hiện bằng được cá tính của người sáng tạo, mà là mang lại cảm xúc cho khán giả vì hay, lạ, phá cách nhưng không mang lại cảm xúc thì vẫn là thất bại.
* Nếu so về độ “nóng” thì có lẽ Giai điệu tự hào và Bài hát yêu thích không “nóng” như nhiều chương trình truyền hình thực tế với nhiều chiêu trò. Song, đây là hai chương trình được đánh giá cao ở khía cạnh nghệ thuật. Anh tự tin về sức sáng tạo của mình ở những chương trình như vậy?
- Mọi người đánh giá hai chương trình này cao ở góc độ nghệ thuật vì tiêu chí của nhà đầu tư chương trình hướng đến điều đó chứ không phải chủ ý của tôi và ekip như vậy.
Với Giai điệu tự hào tôi chỉ đồng hành 5 chương trình đầu tiên, nhưng với Bài hát yêu thích, giờ đây đã bước sang mùa thứ 4 liên tiếp.
Tôi cho rằng thách thức lớn nhất với những chương trình dài hơi này chính là sự ổn định của sáng tạo, bạn có thể tạo ra một số thứ rất đặc biệt trong một vài thời khắc nào đó, nhưng nếu không giữ được sự sáng tạo ổn định trong một thời gian dài thì chương trình sẽ không có được bộ mặt riêng.
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Ngọc Minh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Tags