Vương Gia Vệ - tinh thần riêng của dòng phim cảm giác

Thứ Ba, 05/04/2011 09:39 GMT+7

Google News

(TT&VH Cuối tuần) - Có nhiều lý do để làm nên tài hoa Vương Gia Vệ cũng như sự khác biệt của ông với một loạt những tên tuổi làm phim lớn trên thế giới. Nhìn tổng thể, các tác phẩm điện ảnh được dàn dựng dưới bàn tay của đạo diễn họ Vương luôn tràn ngập những mối tình day dứt và lãng mạn. Đằng sau vẻ đẹp hoàn mỹ và tư duy hình thể rõ ràng là khả năng sáng tạo độc đáo khi ông dung hòa giữa một bên là dòng phim cảm giác và một bên là thể loại phim tình cảm “sến mà sang”.

Tự do để sáng tạo

Vương Gia Vệ rất thích làm việc với những diễn viên có tên tuổi và đẳng cấp. Có thể ông muốn đánh tiếng trước cho các tác phẩm luôn mất một khoảng thời gian khá lâu để hoàn thành, do vậy mà dễ bị mất “lửa” trong giới truyền thông? Hay là vì họ Vương muốn rèn giũa tinh thần làm việc căng thần kinh của những ngôi sao châu Á hàng đầu?

Thật ra, Vương Gia Vệ muốn đặt niềm tin tuyệt đối vào những tài năng, ông muốn họ phải làm chủ và phải sống y như nhân vật. Phong cách làm việc của ông khá dị biệt nhưng lại không hề độc đoán. Đến trường quay với tư tưởng rằng ông và các thành viên sẽ không có gì rõ ràng, không kịch bản, không tập dợt… Tự do để sáng tạo, tất cả những ý tứ đều ập đến bất ngờ, theo quán tính và cả những áp lực mà ngoại cảnh đem lại. Họ Vương yêu cầu diễn viên ứng diễn trong hầu hết các cảnh, ông chỉ đưa cho họ các gạch đầu dòng. Trong thời gian quay Hạnh phúc bên nhau (Happy Together), trong đầu họ Vương chỉ hiện lên câu chuyện mơ hồ về hai người đàn ông cô đơn ở Argentina. Vậy mà phim cũng thực hiện, thậm chí Vương Gia Vệ còn đánh lừa cả Lương Triều Vỹ và Trương Quốc Vinh trong những cú máy đầu tiên: cảnh quan hệ giữa hai nhân vật chính. Ngay sau đó, Vương Gia Vệ đường hoàng nhận giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại LHP Cannes năm 1997.


Bản thân tác giả thích khai thác theo tất cả các hướng mà một câu chuyện có thể phát triển, điều này dẫn đến một lịch quay vô tận và khiến cho diễn viên chẳng biết đường nào mà lần. Làm phim không có kịch bản khiến nhiều cảnh phim phải quay đi quay lại, tạo không khí căng thẳng cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, ưu điểm lớn nhất là những bước phát triển mang tính vô thức đã tạo ra nhiều sự độc sáng cho câu chuyện khi không quá cứng nhắc đi theo kịch bản vạch sẵn có thể sẽ giết chết cảm xúc thật. Nói như đùa, phim của Vương Gia Vệ chỉ kết thúc đúng vào ngày chuẩn bị dự giải hoặc khi… hết tiền. Có thể nói, họ Vương sống ở Hong Kong - môi trường tự do không còn bận tâm tới việc dùng nghệ thuật tác động vào chính trị như ở Trung Quốc đại lục. Qua đó, Vương Gia Vệ tập trung làm những bộ phim về những câu chuyện cá nhân không chịu tác động của xã hội mà chỉ bị chi phối bởi nội tâm. Trong suốt thập niên 1970 - 1980, điện ảnh Hong Kong “sống” bằng phim thương mại, tính chuyên nghiệp theo đó dần hình thành. Từ nền tảng ban đầu khá vững vàng, Vương Gia Vệ thỏa sức đưa các thủ pháp mới vào tác phẩm của mình, trong đó ông vận dụng tốt tầm hiểu biết về văn hóa, mỹ thuật, âm nhạc…

Với cách làm phim “cảm tính”, họ Vương từng gặp vài sự cố nhỏ. Năm 1999 khi đang quay Tâm trạng khi yêu, Văn phòng điện ảnh Trung Quốc yêu cầu ông phải trình kịch bản chi tiết nếu muốn quay phim tại Bắc Kinh. Không đáp ứng được, Vương Gia Vệ đành di chuyển đoàn phim đến Macau. Đó là thời điểm ông cùng hai ngôi sao màn bạc Lương Triều Vỹ - Trương Mạn Ngọc “vật lộn” với mối tình hư ảo. Sau đó vài năm, Tâm trạng khi yêu (In The Mood For Love) trở thành tác phẩm kinh điển của nhiều tín đồ điện ảnh. Bộ phim 2046 cũng có “sự tích” kể lại rằng chính Giám đốc nghệ thuật LHP Cannes - Thierry Fremaux đã “kêu thét” trong điện thoại để hỏi họ Vương khi nào thì phim hoàn thành, Vương Gia Vệ bảo chỉ mới đang quay và phải đến kỳ LHP năm sau, các cuộn phim mới được máy bay đưa thẳng từ xưởng tráng phim ở Paris đến đúng giờ chiếu cho công chúng tại rạp Palais Des Festivals. Dàn diễn viên 2046 thở phào bởi nếu không có Cannes thúc giục thì chưa chắc 2046 đã xong. Rất có thể The Grandmasters, phim mới nhất của họ Vương, cũng nằm trong trường hợp 2046 bởi đến giờ phim vẫn đang gấp rút tiến hành những cảnh… vừa mới đưa vào đường dây câu chuyện.

Vương Gia Vệ trong phim My Blueberry Nights

Chia sẻ cảm xúc bằng các giác quan

Tốt nghiệp ngành đồ họa Trường Cao đẳng Bách khoa Hong Kong năm 1980, Vương Gia Vệ có cái nhìn khá chính xác về thế giới màu sắc cùng những đường nét có kết cấu hài hòa, đôi khi tương phản nhưng vẫn chặt chẽ. Vương Gia Vệ là nhà thơ điện ảnh, điều này không ai chối cãi. Nhưng liệu với vẻ u sầu của cảm quan và các giác quan trong phim, họ Vương có phải là đại diện chính xác cho dòng phim cảm giác đương đại? Không phủ nhận mà cũng khó nhìn nhận. Họ Vương luôn luôn biết mục đích của câu chuyện mà ông muốn kể. Sự lãng mạn được tác giả chọn lựa phải là sự lãng mạn thuần khiết nhất, đến độ chỉ cần lãng mạn thôi là đã đong đầy xúc cảm. Điều lãng mạn ấy đến từ sự nhạy bén của chính ông thông qua thanh âm, các góc máy, trang phục, biểu hiện của đường cong trên cơ thể, từng khoảng lặng và nhiều màu sắc cổ kính đậm chất Á Đông. Dòng phim cảm xúc không có chuẩn mực nhất định, điểm chung của thể loại phim này là kịch bản phi cốt truyện, điều đọng lại không phải là các thút nắt và các kết thúc thỏa mãn, mà chỉ là xúc cảm rất mơ hồ, khó nói rõ.

Sau cặp mắt kính màu đen lạnh lùng, Vương Gia Vệ không dễ dàng sa vào cảm xúc lãng mạn, cho dù cách làm việc của ông thì hiển nhiên phụ thuộc rất nhiều vào cảm giác và sự tác động bên ngoài. Thoại và độc thoại luôn là điểm nhấn trong phim của họ Vương, ít khi ông sử dụng những trường đoạn phim không thoại. Một sự khác biệt lớn hơn nằm ở đường dây câu chuyện, Vương Gia Vệ luôn tạo cơ hội cho các nhân vật của mình hành động, dù rằng tích cực hay không. Chính hành động và biến chuyển rõ rệt trong tâm lý các nhân vật, phim của Vương luôn luôn tạo điểm nhấn, dù chỉ là một, vào cuối phim. Trong khi đó, với dòng phim cảm giác thật sự, vòng luẩn quẩn hình như mãi đeo bám người xem khi mà câu chuyện đã kết thúc. Như đã nói, họ Vương thành công với số đông khi dung hòa giữa một bên là cảm giác và một bên là chất lãng mạn đat đến ngưỡng “sến nhưng sang”.

Cũng cần phải nhắc đến bậc thầy của dòng phim cảm giác, người mà bao lâu nay báo chí phương Tây vẫn luôn tìm cách để so sánh với Vương Gia Vệ. Ông là Hầu Hiếu Hiền (sinh năm 1947) với khoảng 7 phim truyện đã trình chiếu tại Cannes. Ít được nhắc đến bởi cách tiếp cận của họ Hầu hạn hẹp và đòi hỏi tinh thần tập trung cao độ, đến nỗi với một lớp khán giả có kiến thức và tầm hiểu biết chuyên sâu cũng đôi khi không thể tránh khỏi… những cơn buồn ngủ ập đến. Khái niệm “lần đầu tiên xem phim của Hầu Hiếu Hiền” vì thế mà ra đời. Khác với vẻ ủy mị và đẫm lệ ký ức của Vương Gia Vệ (dễ thuyết phục công chúng Mỹ), phim của Hầu Hiếu Hiền đậm đặc tiếng nói nội tâm, cảm giác “thiền” như bậc thầy Yasujiro Ozu luôn được trọng dụng triệt để (Café Lumière, 2003). Những khán giả ở Nhật và Pháp tôn sùng ông như một bậc thầy của dòng phim cảm giác thuần túy. Millennium Mambo (2001) được cho là tác phẩm theo dòng cảm giác điển hình của Hầu Hiếu Hiền. Ông lược bỏ gần như khá nhiều kịch tính trong kịch bản và chỉ sử dụng hình ảnh của “hệ quả” tức thực tại và dùng giọng thoại của nhân vật chính để kể chuyện.


Bài kết: Rừng Na Uy - run rẩy và lấp lánh

Chu Trần Minh Đức

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›