Đạo diễn Xuân Phước: 'Để nghệ thuật lân sư rồng có nhiều đời sống hơn'

Thứ Tư, 26/04/2023 17:57 GMT+7

Google News

Như Thể thao và Văn hóa (TTXVN) đã đưa tin, Liên đoàn Lân sư rồng Việt Nam vừa ra mắt, với ban chấp hành gồm 63 thành viên, do tiến sĩ Phạm Quang Long làm Chủ tịch nhiệm kỳ 1 (2023-2028). Đạo diễn Xuân Phước được bầu vào vị trí Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban phát triển phong trào và tổ chức lễ hội.

Việc một đạo diễn phim tham gia vào hoạt động mang tính thể thao đặt ra câu hỏi với nhiều người. Thế nhưng, theo lý giải của người trong cuộc, việc được bầu vào vị trí này có lý do của nó.

Mê lân sư rồng từ nhỏ

* Múa lân sư rồng trong cách nhìn dân gian là hoạt động thể thao, với các động tác kỹ thuật phức tạp, kể cả võ thuật. Vì sao một đạo diễn phim như anh lại nhận trọng trách phát triển phong trào?

- Liên đoàn Lân sư rồng Việt Nam được thành lập với cơ cấu gồm 1 Chủ tịch là tiến sĩ Phạm Quang Long và 9 Phó chủ tịch thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Điều này có ý nghĩa rằng đây là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, chứ không thuộc về ngành thể thao đặc thù. Điều này sẽ giúp cho hoạt động của bộ môn có quy mô rộng lớn, nhận được sự quan tâm đa dạng hơn.

Đạo diễn Xuân Phước: 'Để nghệ thuật lân sư rồng có nhiều đời sống hơn' - Ảnh 1.

Đạo diễn Xuân Phước

Trong 9 Phó chủ tịch, NSƯT Trịnh Kim Chi là người thuộc lĩnh vực nghệ thuật. Điều này bắt nguồn từ cách nhìn nhận múa lân sư rồng còn là bộ môn nghệ thuật, vì tính trình diễn, sự sáng tạo, bên cạnh tính chất thể thao.

Vì vậy, một người thuộc lĩnh vực điện ảnh như tôi mới được chọn vào vị trí phát triển phong trào. Nhưng yếu tố tác động mạnh đến quyết định này đến từ việc tôi từng thực hiện bộ phim về thân phận những người múa lân, đó là Vũ điệu đón Xuân. Phim được phát sóng trên Truyền hình Vĩnh Long dịp Tết 2023, nhận được sự phản hồi tích cực từ khán giả. Quá trình làm phim đã giúp tôi hiểu sâu sắc hơn về nghệ thuật múa lân, cũng như tâm tư tình cảm của những vận động viên, nghệ sĩ múa lân sư rồng. Đây là lý do tôi được chọn giao nhiệm vụ kể trên.

Đạo diễn Xuân Phước: 'Để nghệ thuật lân sư rồng có nhiều đời sống hơn' - Ảnh 2.

* Với nhiệm vụ ấy, hoạt động gần nhất mà anh và liên đoàn sẽ thực hiện là gì?

- Trước đây, hằng năm, Tổng cục Thể dục thể thao vẫn tổ chức những cuộc thi múa lân toàn quốc và giao lưu quốc tế. Chúng tôi vẫn duy trì hoạt động đó, nhưng sẽ tổ chức quy mô, chuyên nghiệp và hoành tráng hơn nữa.

Theo dự kiến, chúng tôi sẽ tổ chức Liên hoan Lân sư rồng toàn quốc tầm tháng 10 hoặc tháng 11/2023. Trong hoạt động này, chúng tôi sẽ mời các đoàn lân sư rồng nổi tiếng của khắp thế giới đến giao lưu và biểu diễn. Chi tiết các hoạt động chúng tôi vẫn còn bàn thảo.

Ngoài ra, chúng tôi sẽ đưa nghệ thuật lân sư rồng vào những lễ hội phù hợp, để nghệ thuật lân sư rồng có nhiều đời sống hơn, tạo nên sắc màu và không khí sôi động. Nói chung, chúng tôi muốn lân sư rồng có sự hoạt động xuyên suốt và dày dặn, chứ không chỉ xuất hiện vào dịp Tết, Trung Thu, hoặc các lễ khai trương thương mại.

Đạo diễn Xuân Phước: 'Để nghệ thuật lân sư rồng có nhiều đời sống hơn' - Ảnh 3.

Thành lập Liên đoàn Lân sư rồng Việt Nam

* Ngoài vai trò đạo diễn phim, anh còn là chủ của Hãng phim Xuân Phước với các hoạt động như làm phim, sản xuất nội dung kỹ thuật số, tổ chức sự kiện, đào tạo diễn xuất... Liệu anh có đủ sự tập trung cho trách nhiệm một người thúc đẩy sự phát triển của lân sư rồng như mong muốn?

- Trời sinh tôi cái tính ham thích hoạt động, nên tôi cảm thấy thoải mái, dễ chịu và hạnh phúc khi được làm việc bận rộn. Bình thường, tôi vẫn thường đẻ thêm ra việc để làm chứ không muốn xong một dự án thì rong chơi thật lâu mới bắt tay vào một dự án mới. Tôi biết sắp xếp thời gian một cách hợp lý nhất để việc này không bị chồng lấn lên việc khác.

Riêng về hoạt động lân sư rồng, tôi đã đam mê từ hồi còn là một đứa trẻ. Tôi đã từng có những ý tưởng đầy mơ mộng để môn nghệ thuật - thể thao này phát triển tốt hơn, trong đó có việc tự nguyện chia sẻ một phần công sức, trách nhiệm. Một phần khác trong sự mơ mộng ấy tôi đã lồng ghép trong bộ phim Vũ điệu đón Xuân. Tất cả chỉ là sự tri ân.

Tôi nghĩ rằng không riêng gì lân sư rồng, mà các lĩnh vực võ thuật, nghệ thuật truyền thống, muốn tồn tại và phát triển trong xã hội hiện nay thì cần có sự tham dự, liên minh của đa ngành nghề.

Đạo diễn Xuân Phước: 'Để nghệ thuật lân sư rồng có nhiều đời sống hơn' - Ảnh 4.

Phim về lân sư rồng “Vũ điệu đón Xuân” của Xuân Phước

Khi chén cơm của tôi còn đầy…

* Lúc nhạc sĩ Lê Quốc Dũng (tác giả ca khúc "Gánh hàng rong") lâm bệnh nặng, anh đã lấy tiền riêng chia sẻ và đứng ra kêu gọi nghệ sĩ tổ chức đêm nhạc gây quỹ. Trước đây, anh cũng tham gia thường xuyên các hoạt động cứu trợ nghệ sĩ nghèo, bệnh tật, tử vong trong thiếu thốn. Điều gì đã thúc đẩy anh thực hiện các hoạt động này?

- Thực ra trong giới nghệ sĩ, những người giàu có chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Đa số là những anh chị em có làm mới có ăn, ngưng làm ít hôm là lâm cảnh khó khăn.

Tôi thuộc nhóm những người vì ham làm việc, ít xài phung phí, nên có chút thuận lợi hơn nhiều đồng nghiệp. Vì thấu hiểu hoàn cảnh của anh chị em nghệ sĩ nên luôn tâm niệm rằng: Sống là chia sẻ. Có lẽ cần có một hiệp hội tương trợ gì đó để giúp đỡ nhau lúc cần kíp. Bây giờ chưa có hiệp hội chính thức thì làm theo khả năng và hoàn toàn mang của cá nhân.

Ngoài ra, trong khoảng 30 năm làm phim, tôi cộng tác với rất nhiều diễn viên, đạo diễn và nhạc sĩ, biên tập… Họ đã góp một phần sự sáng tạo cho tác phẩm mà tôi thực hiện, nên tôi không thể đứng nhìn khi biết họ cần giúp đỡ. Chúng tôi cùng ăn chung cơm tổ nghiệp, khi chén cơm của tôi còn đầy, thì nên chia sẻ cho người thiếu hụt. Đơn giản đó là tri ân tổ nghiệp.

* Gần đây, anh và NSƯT Ngọc Huyền đã đứng ra tổ chức đám tang NSND Diệp Lang tại Việt Nam. Anh từng có ân tình với "đệ nhứt kép độc" của cải lương miền Nam chăng?

- Thập niên 1990, cải lương quay hình dưới dạng video phát triển mạnh mẽ. Trước nhu cầu của công chúng, tôi tham gia vào đội ngũ sáng tạo này. Vì sự kính trọng tài năng, tôi đã mời NSND Diệp Lang vào nhiều vở mà tôi đạo diễn.

Trên màn ảnh, sân khấu, ông khiến người ta ghét, nhưng ngoài đời ông là người ấm áp. Ông luôn đến đúng giờ, hiểu rõ tính cách nhân vật, thuộc tuồng như "cháo nhuyễn", nâng đỡ bạn diễn, tận tình chỉ bảo thế hệ trẻ. Càng làm việc với ông, tôi càng quý trọng và xem ông như hình mẫu của một ngôi sao.

Hồi tôi qua Mỹ học đạo diễn, tôi có ghé thăm ông. Ông lặng lẽ, ít nói, nhưng tràn đầy tình cảm. Tôi hỏi: "Anh có muốn về Việt Nam không?". Ông trả lời: "Muốn lắm, nhưng bệnh tình không đi máy bay được". Nói xong, ông nhìn xa xăm.

Tôi nhớ mãi khoảnh khắc ấy nên sau khi ông qua đời, tôi tình nguyện cùng NSƯT Ngọc Huyền và NSƯT Châu Thanh đứng ra tổ chức tang lễ ông tại Việt Nam. Đó cũng là sự tri ân.

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Nguyễn Huy (thực hiện)

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›