Thành công với tranh phong cảnh, Đào Hải Phong vẽ những cái cây sặc sỡ, tròn vo đến phi thực, vẽ những mái nhà, những góc phố được cây cối cưu mang. Xem phong cảnh của anh, chợt nhớ về mấy câu thơ của Lưu Quang Vũ: "Mảnh vườn em vẫn là mảnh vườn xanh/ Nơi ban đầu lòng ta ươm tổ mật/ Nơi ta hái những chùm thơ thứ nhất/ Nơi Thu sang mây trắng vẫn bay về".
Triển lãm Thu Phong đang diễn ra tại Hakio - Let's Art (TP.HCM), kéo dài đến hết ngày 15/10, là cuộc bày sau 15 năm chỉ ngồi nhà để vẽ của Đào Hải Phong.
Từ cây gạo ven sông Hồng
Khi hỏi về những cái cây và màu sắc sặc sỡ trong tranh, Đào Hải Phong cho biết: "Cái cây đứng cạnh ngôi nhà cũng có vấn đề của nó, vừa là sự che chở, vừa là sức sống trường tồn, vừa là nhân chứng cho nhiều đời người trong một ngôi nhà, một ngôi làng, một dãy phố. Nên sự chứng kiến trong im lặng của một cái cây, với tôi, không phải một sự im lặng, đó là một sức mạnh, một tiếng nói vĩ đại cho mọi sự sám hối ngước nhìn".
Anh kể: "Tôi cũng đã ngước nhìn một cái cây của thời thơ ấu và coi đó như là một sự khám phá lớn nhất trong cuộc đời mình. Đó là cây gạo ven sông Hồng, dọc đường đi, khi tôi chừng 5 tuổi, ngồi sau xe của mẹ lên Chèm dạy học. Mẹ tôi thường kể lại, tôi hay chào cái cây, khoe với cây những điều tốt đẹp nhận được và thú tội với cây khi mình mắc lỗi. Đối với một đứa trẻ là tôi khi ấy, tôi nhìn cái cây như một vị thần. Có những lúc nó đen kịt, có những lúc đỏ ối một màu, có lúc lại xanh rì. Chính sự sống, sức mạnh kinh khủng đó đã ám thị tôi suốt tuổi thơ ấu".
"Hơn nữa, tôi sống ở thành phố và ít được đi đâu. Nên mỗi lần được về nông thôn, dù chỉ là chốc lát, được nhìn ngắm phong cảnh trải rộng trước mắt, đã thấy thích thú và bị ám thị. Cuối cùng cũng là tâm lý: khi thiếu cái gì, khao khát cái gì, ta lại ước mong cái đó. Với người nghệ sĩ, cái ước mong đôi khi lại là một sự ước vọng, đề từ đó có thể làm nên sự nghiệp của mình".
Ngoài cái cây, ánh đèn trong tranh cũng là dấu hiệu của sự sống. Người ta có thể cảm giác đó là ánh sáng trong những ô cửa, là những hy vọng, sự sinh sôi nảy nở, sự sống động hiện hữu. Hoặc những bóng đổ trong tranh, không phải là cái bóng trùng khít trên thực tế của ngôi nhà, ô cửa… mà cái bóng như một sự níu kéo, níu kéo một cơn mưa đi qua, níu kéo những kỷ niệm. Cũng vô tình, ý nghĩ ấy giải quyết thành hội họa, nó lại làm cho bức tranh trở nên sinh động, như những mảng đậm nhạt của đời sống.
Đào Hải Phong quan niệm rằng, sự đậm nhạt trong một bức tranh rất quan trọng, nó làm nên sức nặng, chiều sâu và sự hấp dẫn. Nhưng quan trọng hơn, đậm nhạt trong nghệ thuật cũng là đậm nhạt của đời sống, nếu ta có đời sống giàu có, phong phú, thì tranh cũng sẽ có sức nặng tương ứng.
Đến việc chỉ thay đổi trạng thái
Tôi hỏi: "Anh nghĩ sao trước nhận xét, Đào Hải Phong gốc thiết kế mỹ thuật sân khấu điện ảnh, nên hội họa giàu chất trang trí, đôi khi nó quá đồ họa? Hơn nữa, tranh dường như không thay đổi đề tài vẽ"? Đào Hải Phong thẳng thắn: "Cảm ơn một câu hỏi hay, giàu chất báo chí! Đối với tôi, đồ họa là một thể loại mỹ thuật có tính ứng dụng và có những ưu việt của nó, tôi sử dụng nó như một gia vị để đưa hội họa gần hơn với đời sống".
"Khi còn là một cậu bé, tôi đã thích vẽ những mái nhà, những cái cây, những con thuyền theo bản năng. Khi đã trở thành họa sĩ, tôi quan niệm con người, cảnh vật, động vật… chỉ là những mô-típ của người nghệ sĩ, họ dùng nó, mượn nó để nói câu chuyện hội họa của riêng mình. Tôi đã kể câu chuyện của mình ở hàng trăm bức tranh, trước khi bán được tranh, nên tôi luôn trung thành với con đường, với mô-típ, với suy nghĩ của mình. Tôi không thay đổi đề tài mà chỉ thay đổi trạng thái, thay đổi cảm giác theo mùa, thay đổi giữa ngày và đêm, thay đổi cảm xúc, thay đổi hòa sắc bởi những mảng màu bất ngờ và đột ngột. Nghệ sĩ không bao giờ hài lòng với chính mình. Tôi mong chờ một ngày nào đó trừu tượng sẽ đón mình đi".
Nhờ quan niệm này, Đào Hải Phong có thể vẽ hàng trăm bức tranh cùng một chủ đề tưởng tượng, hoặc một phong cảnh mộng mơ, mà không thấy chán. Các cảnh thực, nếu xuất hiện trong tranh, cũng chỉ là cái cớ của cảm hứng mà thôi.
Anh chia sẻ: "Trước khi đến với tranh phong cảnh tôi đã từng vẽ người, vẽ chân dung, vẽ trừu tượng, vẽ siêu thực... và cảm thấy không đi xa được, bởi vì mình vẽ mà cứ phải lệ thuộc vào người cần vẽ. Tôi thấy tranh phong cảnh luôn có tính ứng dụng rất cao và được treo nhiều. Đó là một thực tế. Cộng với việc tôi vô cùng yêu thích phong cảnh làng quê Việt Nam, nên dần dần tôi chỉ vẽ phong cảnh, chỉ thay đổi trạng thái của phong cảnh, cũng là thay đổi trạng thái, tâm thế của chính mình".
Trong cuốn sách Lối Phong (2019), Đào Hải Phong từng nói: "tôi muốn làm thơ bằng hội họa". Quả thật vậy, tên triển lãm Thu Phong có thể hiểu là ngọn gió mùa Thu, như câu "Cầu thệ thủy ngồi trơ cổ độ/ Quán thu phong đứng rũ tà huy" trong Cung oán ngâm khúc. Hoặc đơn giản là mùa Thu của Đào Hải Phong, một mùa mà anh thường xuyên chọn vẽ đầy chất thơ.
"Tôi không thay đổi đề tài mà chỉ thay đổi trạng thái, thay đổi cảm giác theo mùa, thay đổi giữa ngày và đêm…" - họa sĩ Đào Hải Phong.
Tags