(Thethaovanhoa.vn) - Về bức tranh cổ động Một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng bị dư luận phản ánh trong những ngày qua có dấu hiệu vi phạm bản quyền của họa sĩ Dương Ngân Hải (Hà Tĩnh), trả lời chính thức với Văn Hóa, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) cho biết, Cục đang tiến hành xác minh vụ việc này.
Bà Hương cũng cho biết, nếu tác phẩm đó vi phạm quyền tác giả, Cục sẽ tham mưu xử lý theo quy định pháp luật hiện hành.
Chưa công bố các tác phẩm đoạt giải
Thông tin báo chí và mạng xã hội trong những ngày qua tiếp tục phản ánh một thực trạng không hề mới, đó là vi phạm bản quyền trong sáng tác tranh cổ động. Tác phẩm của họa sĩ Dương Ngân Hải được chính tác giả thừa nhận đã vi phạm bản quyền tác giả nhưng vẫn tham dự cuộc thi sáng tác tranh cổ động Tuyên truyền - Văn hóa năm Chủ tịch ASEAN 2020 khiến dư luận tiếp tục xôn xao. Nhiều thông tin dù chưa được kiểm chứng còn cho rằng, tác phẩm này được chấm và đoạt giải khuyến khích, trong khi đó cho đến thời điểm này BTC cuộc thi vẫn chưa chính thức công bố các tác phẩm đoạt giải.
Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương cho biết, quy trình thẩm định, chấm chọn các tác phẩm tranh cổ động để trao giải và phục vụ công tác tuyên truyền đã được triển khai rất chặt chẽ. Mỗi cuộc thi đều được thành lập BTC, Ban giám khảo và Tổ tư vấn. “Ban giám khảo làm việc độc lập với BTC. Thành viên Ban giám khảo là những họa sĩ kinh nghiệm, có trình độ chuyên môn sâu về hội họa; đại diện cơ quan quản lý nhà nước về mỹ thuật và các đơn vị có liên quan. Ngoài ra, căn cứ theo tính chất từng cuộc thi, thành viên của một số Cục, Vụ thuộc Ban Tuyên giáo và các Bộ có liên quan được mời tham gia Tổ tư vấn để cùng thẩm định nội dung nhằm đảm bảo yếu tố về chính trị, tư tưởng hoặc nội dung có tính chuyên ngành nhằm hỗ trợ Ban giám khảo”. Cũng theo bà Hương, quy trình chấm giải được đảm bảo chặt chẽ. Ban giám khảo thực hiện việc chấm giải bằng hình thức bỏ phiếu qua 3 vòng, không kèm tên tác giả để đảm bảo tính bảo mật và khách quan trong quá trình chấm giải. Từng tác phẩm sau khi chấm giải đều được BTC rà soát kỹ trước khi công bố và trao giải thưởng…
Liên quan đến những thông tin về tác phẩm mà dư luận cho là vi phạm bản quyền của họa sĩ Dương Ngân Hải tham dự cuộc thi, bà Hương nhấn mạnh: “Ở đây phải nói đến vấn đề trách nhiệm của người có tác phẩm tham gia cuộc thi. Cuộc thi sáng tác nào cũng vậy, họa sĩ hay người có tác phẩm tham gia phải thực hiện và tuân thủ các yêu cầu được quy đinh tại thể lệ do BTC ban hành, đặc biệt là những yêu cầu liên quan đến bản quyền tác giả. Theo đó, mỗi cuộc thi luôn nhấn mạnh, tác giả phải chịu trách nhiệm về quyền tác giả đối với tác phẩm dự thi. BTC không chịu trách nhiệm về những tranh chấp quyền tác giả và quyền liên quan. BTC sẽ thu hồi giải thưởng và giấy chứng nhận khi có vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của pháp luật hiện hành”. Như vậy có nghĩa, mỗi tác giả khi nộp tác phẩm dự thi đồng nghĩa với việc khẳng định tác giả chấp hành thể lệ cuộc thi và chịu trách nhiệm trực tiếp đối với tác phẩm của mình theo quy định pháp luật. Lãnh đạo Cục Văn hóa cơ sở khẳng định, trường hợp tác phẩm tham dự cuộc thi đã được chấm chọn vào danh sách đoạt giải nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm về quyền tác giả, BTC sẽ căn cứ vào kết luận của cơ quan có thẩm quyền về xác định hành vi vi phạm pháp luật về quyền tác giả để tiến những hành thủ tục thu hồi giải thưởng.
Đối với tác phẩm tranh cổ động của họa sĩ Dương Ngân Hải tham gia cuộc thi Tuyên truyền - Văn hóa năm Chủ tịch ASEAN 2020 mà dư luận phản ánh có dấu hiệu vi phạm quyền tác giả, Cục Văn hóa cơ sở đang phối hợp với những cơ quan có liên quan tiến hành xác minh, làm rõ để tham mưu xử lý theo quy định hiện hành.
Đạo đức nghề nghiệp vẫn bị xem nhẹ
Cục Văn hóa cơ sở cũng thông tin, BTC cuộc thi Tuyên truyền - Văn hóa năm Chủ tịch ASEAN 2020 đã nhận được hơn 300 tác phẩm của các họa sĩ chuyên nghiệp và không chuyên trên toàn quốc. BTC, Ban giám khảo và Tổ tư vấn đã thực hiện chấm giải chặt chẽ, theo đúng quy trình. Đến nay, BTC đang phối hợp với Tiểu ban Tuyên truyền - Văn hóa thuộc Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 rà soát nội dung các tác phẩm trước khi công bố và trao giải thưởng.
Điều đáng nói là các vụ việc xâm phạm bản quyền tác giả trong mỹ thuật nói chung và đặc biệt trong sáng tác tranh cổ động nói riêng không phải câu chuyện mới, thậm chí có ý kiến còn nói rằng đây là “chuyện thường ngày ở huyện”. Không ít cuộc thi sáng tác tranh cổ động thời gian qua đã xuất hiện những tác phẩm có dấu hiệu xâm phạm bản quyền tác giả, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và uy tín của mỗi cuộc thi. Theo bà Ninh Thị Thu Hương, để khắc phục và đẩy lùi những hành vi vi phạm về quyền tác giả trong các cuộc thi tranh cổ động thời gian tới, cần có nhiều giải pháp. Yếu tố đầu tiên vẫn là vấn đề về ý thức, trách nhiệm nghề nghiệp và trách nhiệm đối với cộng đồng của mỗi nghệ sĩ, người tham gia cuộc thi. Các họa sĩ khi tham gia hoạt động sáng tác cần nâng cao ý thức, đạo đức nghề nghiệp, nâng cao trách nhiệm xã hội trong việc chấp hành quy định pháp luật về bảo hộ quyền tác giả; qua đó tôn vinh giá trị lao động chân chính và danh dự cá nhân của người tham gia hoạt động nghệ thuật.
Trả lời báo chí về vụ việc cụ thể này, họa sĩ Dương Ngân Hải đã xin lỗi và giãi bày rằng thấy hình ảnh trong tranh phù hợp với ý tưởng của mình nên đã áp dụng, và không hề nghĩ đó là đạo, nhái. Tuy nhiên, những giãi bày này của ông lại chính là sự thừa nhận về những nhận thức rất sơ sài, yếu kém về vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ của không ít người làm nghề hiện nay. Đáng ra, đó phải là những yếu tố tiên quyết trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật của bất kỳ ai. Vấn đề đạo đức nghề nghiệp vẫn luôn được nhắc đến sau những vụ việc tương tự như thế, nhưng tiếc rằng những vi phạm thì vẫn cứ diễn ra và chưa biết đến khi nào mới chấm dứt. Theo bà Hương, “việc kiểm soát hình ảnh của các tác phẩm nghệ thuật trên toàn cầu để đảm bảo không còn hiện tượng vi phạm quyền tác giả là một thách thức rất lớn. Vì vậy, trong bước rà soát cuối cùng, BTC cần tăng cường sự phối hợp với các cơ quan chuyên môn về sở hữu trí tuệ, kỹ thuật hình ảnh, áp dụng công nghệ hiện đại để kiểm tra, xác định hình ảnh bị sao chép trong các tác phẩm do Ban giám khảo đã lựa chọn trước khi công bố và trao giải thưởng. Bên cạnh đó, một giải pháp quan trọng khác là chế tài xử phạt phải mạnh, đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm về quyền tác giả, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật”.
- Đạo tranh in vải may áo dài: Giới hoạ sĩ vẫn bức xúc vì nhiều công ty 'lý sự cùn'
- Đạo tranh in vải may áo dài: Công ty Phan Trần xin lỗi họa sĩ Bùi Trọng Dư
- Đạo thơ, đạo văn, đạo tranh, đạo nhạc... sinh ra như thế đấy
Trong bối cảnh mạng xã hội phát triển, nhất là thời kỳ cách mạng công nghiệp đang phát triển chóng mặt như hiện nay thì những hành vi đánh cắp, sao chép ý tưởng của người khác không khó để bị phát hiện và xử lý. Vấn đề là dù “bản án” được đưa ra như thế nào, giải thưởng có bị thu hồi hay không thì cuối cùng, án phạt lớn nhất vẫn là vết tràm để lại trên con đường nghệ thuật, sáng tạo của mỗi người làm nghề. Bởi vậy, hơn ai hết, bản thân nghệ sĩ phải là người có nhận thức trước tiên và sâu sắc nhất đối với vấn đề tôn trọng bản quyền tác giả.
Việc kiểm soát hình ảnh của các tác phẩm nghệ thuật trên toàn cầu để đảm bảo không còn hiện tượng vi phạm quyền tác giả là một thách thức rất lớn. Vì vậy, trong bước rà soát cuối cùng, BTC cần tăng cường sự phối hợp với các cơ quan chuyên môn về sở hữu trí tuệ, kỹ thuật hình ảnh, áp dụng công nghệ hiện đại để kiểm tra, xác định hình ảnh bị sao chép trong các tác phẩm do Ban giám khảo đã lựa chọn trước khi công bố và trao giải thưởng… (Bà NINH THỊ THU HƯƠNG, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở) BTC cuộc thi Tuyên truyền - Văn hóa năm Chủ tịch ASEAN 2020 đã nhận được hơn 300 tác phẩm của các họa sĩ chuyên nghiệp và không chuyên trên toàn quốc. BTC, Ban giám khảo và Tổ tư vấn đã thực hiện chấm giải chặt chẽ, theo đúng quy trình. Đến nay, BTC đang phối hợp với Tiểu ban Tuyên truyền - Văn hóa thuộc Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 rà soát nội dung các tác phẩm trước khi công bố và trao giải thưởng. Tác giả “đạo nhái” tranh nhắc mọi người tôn trọng bản quyền Trả lời xung quanh nghi vấn “đạo nhái” trên một tờ báo, tác giả Dương Ngân Hải cho biết, “tôi rất buồn, cảm giác bế tắc tới mức không muốn sống, nhục nhã quá, chỉ còn muốn chui xuống lỗ”. Ông Hải mong rằng, bài học này của mình sẽ có ích cho những nghệ sĩ khác, nhắc nhở mọi người không bước vào sai lầm đó nữa và có ý thức về tôn trọng bản quyền tốt hơn. |
Hoàng Vy/Theo báo Văn hóa
Tags