(Thethaovanhoa.vn) - Sau đợt ngập lụt đầu tiên trong 4 ngày từ 2 - 5/8, nước chưa kịp rút hết, đảo Phú Quốc (Kiên Giang) lại tiếp tục hứng chịu mưa lớn gây ngập cục bộ một số khu vực trên địa bàn thị trấn Dương Đông và các xã Cửa Dương, Dương Tơ, Cửa Cạn.
Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Phú Quốc, ngày 9/8, trên địa bàn đảo lại xuất hiện mưa lớn và triều cường dâng cao, cộng với lượng nước trước đó chưa thoát hết nên tiếp tục gây ngập.
- Mưa lớn trong đêm, nhiều tuyến đường thành phố Điện Biên Phủ ngập sâu
- Hình ảnh mưa lớn gây ngập nhiều tuyến phố Hà Nội
Đến khoảng 21 giờ ngày 9/8, lượng mưa giảm và nước bắt đầu rút. Để ứng phó với tình huống xấu này, huyện Phú Quốc huy động các lực lượng đóng trên địa bàn gồm: Vùng 5 Hải quân, Vùng Cảnh sát biển 4, Lữ đoàn 950, Bộ đội Biên phòng tỉnh, các cơ quan, đơn vị của huyện cùng với phương tiện xuống các khu vực trọng yếu ứng cứu, hỗ trợ nhân dân, nhất là vùng ngập sâu bị cô lập. Hơn 1.560 người của các lực lượng cùng với trên 750 phương tiện ô tô, xe cẩu, xe tải, xe cuốc, xe máy, thuyền thúng, xuồng cao tốc, phao bè cứu sinh… tham gia di dời khoảng 2.000 người dân, phần lớn là người già, phụ nữ, trẻ em đến nơi tránh trú an toàn; cung cấp hơn 1.000 suất cơm, kết hợp vận động các nhà hảo tâm ủng hộ hàng trăm thùng mì, quần áo hỗ trợ cho nhân dân.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Mai Văn Huỳnh cho biết: Cả hệ thống chính trị của huyện phối hợp với sự hỗ trợ của các lực lượng đóng trên địa bàn cùng với nhân dân khẩn trương, quyết liệt ứng phó ngập nước nhằm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất. Các cơ quan chức năng kịp thời nhận định diễn biến của thời tiết, tình hình ngập lụt, tổ chức trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa và triều cường, dùng mọi phương tiện để thông báo đến người dân; đồng thời di dời người dân đến nơi tránh trú an toàn như trường học, trụ sở, các công trình kiên cố trên địa bàn. Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phú Quốc cùng với các đoàn thể phối hợp vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ thức ăn, chỗ ở miễn phí cho người dân phải đi sơ tán. Hầu hết các nhiệm vụ được triển khai thực hiện nghiêm túc, đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân, không để người dân thiếu lương thực, quần áo, thuốc men trong suốt thời gian thiên tai xảy ra.
Theo UBND huyện Phú Quốc, trong 8 ngày qua (từ 2 - 9/8) tổng lượng mưa trên địa bàn đảo là hơn 1.000 mm, đây là lượng mưa rất lớn chưa từng xuất hiện trên đảo, lớn hơn so với trung bình nhiều năm và diễn ra trong thời gian ngắn. Cùng với đó, hệ thống thoát nước xây dựng đã lâu, xuống cấp, thiếu đồng bộ và quá tải, gây ngập nước một số địa phương trên địa bàn. Tính đến hết ngày 9/8, thiên tai đã gây thiệt hại lớn về công trình giao thông và tài sản của người dân khu vực bị ngập nước trên địa bàn đảo.
Cụ thể là hơn 63 km đường giao thông ngập nước, độ sâu trung bình 0,7 m, có nơi lên đến 2 m; nhà bị ngập 8.424 căn; tốc mái, đổ sập, sụp nứt 22 căn và nhiều vật dụng, tài sản khác bị hư hỏng; thiệt hại nhiều hoa màu, gia cầm và thủy sản. Tổng giá trị thiệt hại do ngập cục bộ gây ra trên địa bàn huyện đảo Phú Quốc ước tính là hơn 107 tỷ đồng; rất may là không có thiệt hại về người. Thời điểm xảy ra thiên tai, toàn bộ các chuyến bay khởi hành từ Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc đi nơi khác đã bị hủy.
Huyện Phú Quốc đang tập trung lực lượng, phương tiện nạo vét, khơi thông cống rãnh, dòng chảy thông thoáng cho nước rút nhanh; tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mưa bão để chủ động ứng phó kịp thời, nhất là đề phòng mưa lớn kéo dài có thể xảy ra; tiếp tục triển khai các phương án ứng phó với thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”. Huyện chỉ đạo ngành chức năng theo dõi, kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh phát sinh; tổ chức vệ sinh, tiêu độc khử trùng và phòng chống dịch bệnh; huy động các lực lượng, nguồn lực hỗ trợ người dân bị thiệt hại khắc phục hậu quả thiên tai, vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Lê Huy Hải/TTXVN
Tags