(Thethaovanhoa.vn) - Khi được quét mã QR code gắn trên cây đào, hệ thống truy xuất nguồn gốc sẽ cung cấp thông tin về người trồng, địa chỉ, diện tích, thông tin về năm trồng đào…
Những cành đào đầu tiên có tem truy xuất nguồn gốc đã được các tiểu thương bày bán tại thủ đô Hà Nội phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Trao đổi với PV Dân trí, anh Thành, chủ nhân của những cành đào chia sẻ, đào có nguồn gốc từ xã Lóng Luông (Vân Hồ - Sơn La), sau khi được phép khai thác, anh đã đăng ký với chính quyền địa phương và được phát tem để dán lên các cành đào. Hiện có hơn 5.000 hộ trồng đào ở Sơn La đã đăng ký nhận tem tại Chi cục Đo lường chất lượng (Sở Khoa học-Công nghệ tỉnh). Cán bộ của Sở sẽ thực hiện các bước kiểm kê, xác nhận thông tin khai báo, sau đó cấp tem, hướng dẫn người dân dán tem cho đào.
Theo anh Thành, hiện tại anh và người thân mới vận chuyển được một chuyến gồm khoảng 50 cành đào rừng từ Vân Hồ xuống Hà Nội. Hai ngày nay, số lượng đào bán khá ít ỏi, không khí mua sắm Tết không nhộn nhịp như mọi năm.
"Năm nay chắc chắn đào rừng sẽ có giá cao hơn những năm trước, trung bình mỗi gốc đào sẽ dao động từ 3 - 7 triệu đồng, thậm chí có cành lên đến cả chục triệu tùy vào kích cỡ của gốc, dáng và thế của cây" - anh Thành chia sẻ.
Cũng theo ghi nhận, những cành đào mang xuống Hà Nội chủ yếu là đào phai, trên thân xuất hiện những lớp địa y, rêu xanh...
Theo các thương lái, đào rừng có hai loại là đào rừng tự nhiên và đào rừng được người dân lấy giống trồng trên các đồi, vườn rừng. Vài năm trở lại đây, loại đào rừng do người dân trồng được ưa chuộng vì mang vẻ đẹp hoang sơ, hoa nở rực rỡ và rất bền. Với nhiều người ở vùng xuôi, có cánh đào phai của rừng khoe sắc cũng giống như là đã mang được cả mùa xuân ở rừng về căn nhà đón Tết.
Với chức năng là đầu mối triển khai Quyết định 100 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La, thực hiện việc truy xuất nguồn gốc đào trồng để tạo thuận lợi cho người dân cung cấp đào ra thị trường mà không tạo thêm thủ tục hành chính.
Trước đó, UBND dân huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La) đã đề xuất dán 11.000 tem cho hoa đào xuất xứ địa phương. Việc làm này để tránh nhầm lẫn giữa đào trồng và đào rừng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển và buôn bán cành đào, gốc đào do người dân trồng.
Theo lãnh đạo huyện Vân Hồ, những năm qua, tại hai xã Lóng Luông và Vân Hồ, người dân nhận thấy trồng đào bán gốc, cành dịp Tết đem lại thu nhập cao, nên đã phát triển trồng loại cây này. Hiện trên địa bàn huyện có hơn 500 ha đào trồng và không có đào rừng tự nhiên.
Số lượng tem xác minh nguồn gốc được đề xuất dựa trên số liệu thống kê diện tích, số lượng gốc đào trồng của các hộ dân.
- Sơn La thực hiện cấp tem chứng nhận cho giống đào rừng do người dân trồng
- Thư gửi robot Citizen: Đào rừng - 'Đẹp mà không đẹp'
- Phóng sự ảnh: Sơn La 'chảy máu' cạn kiệt đào rừng cổ thụ
- Đào rừng rầm rập về xuôi
Theo báo Giao thông, với giá trị của cây đào đem lại đã làm thay đổi cuộc sống của nhân dân trên địa bàn huyện nói chung, xã Vân Hồ, Lóng Luông nói riêng, đồng thời, góp phần thực hiện thành công việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả trên đất dốc sang trồng cây ăn quả, cây đào lấy cành.
Ông Tráng A Chu (trú tại bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) cho biết, nhà nước đề xuất dán tem để phân biệt nguồn gốc đào rừng với đào trồng tạo điều kiện cho bà con có tăng thêm thu nhập như vậy rất là tốt. Tuy nhiên, việc phân biệt đào rừng với đào nhà rất khó vì đa phần người dân trồng đào ở nhà đã được 5 năm rồi. Ông Chu cho biết, hiện trên địa bàn xã Vần Hồ đa phần đều là đào trồng.
Trước đó, trong Hội nghị tổng kết cuối năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo cấm tuyệt đối việc chặt phá đào rừng để đón Tết. Đồng thời, các địa phương phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp chặt đào rừng chở về xuôi để "chơi Tết".
Theo VTV.vn
Tags