Đạo thơ, đạo văn, đạo tranh, đạo nhạc... sinh ra như thế đấy

Chủ nhật, 14/08/2016 19:52 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Nếu bạn là người thích sưu tầm các truyện cổ dân gian của thế giới, bạn sẽ thấy có rất nhiều các câu chuyện khá giống nhau, dường như là... "đạo" của nhau, cho dù chúng được kể bởi các cộng đồng rất cách xa nhau về mặt địa lý.

Chuyện đó thật ra không có gì lạ cả. Đó là các câu chuyện có cùng một mô-típ. Tuy thế, chúng lại được kể với muôn vàn sắc thái khác nhau, và chính sự khác nhau đó lại kết tinh thành những "trầm tích văn hóa" về cộng đồng đã sinh ra chúng, cái mà chúng ta có thể gọi là "bản sắc".

Những người sáng tác thường bị ảnh hưởng (một cách vô thức) từ những người đi trước, nhất là các thần tượng của mình. Nghệ sĩ mở to các giác quan quan sát cây cỏ nơi họ đứng, và về cơ bản, trên mặt đất ai cũng nhìn thấy như nhau. Nhưng khi nghệ sĩ tự đào sâu vào cái bản thể của mình giống như đào sâu vào mảnh đất họ đứng, thì họ sẽ tìm thấy các loại đất khác nhau, mạch nước, than đá, đồng, chì, và có thể có cả vàng mười.

Tưởng rằng suy bụng ta có thể ra bụng người, nhưng ta và người hóa ra lại là hai thế giới biệt lập.

Những nghệ sĩ tìm thấy vàng nguyên chất nơi tâm hồn của họ rất có thể ban đầu cũng từng tìm thấy những thứ na ná như của người khác, nhưng ý thức sáng tạo giúp họ biết bỏ qua chúng. Không tự bằng lòng với chính mình, họ biết tự đốt đi những bài thơ dễ dãi, những bản nhạc hời hợt, những bức tranh nhạt nhòa... Những thứ không thực sự là "vàng mười" được khai thác từ bản thể của họ rất có thể là thứ... "hàng nhái" một cách vô thức.

Tin rằng, không có nghệ sĩ nào ngay từ đầu đã muốn mình là kẻ cắp (đạo thơ, đạo nhạc, đạo văn, đạo tranh...) Nhưng lao động nghệ thuật là thứ nặng nhọc vô cùng; nghệ sĩ không chỉ "think different" (nghĩ khác) như slogan của Apple, mà còn phải trải nghiệm "cái khác" ấy bằng cả bản thể của mình - "tự đập vỡ mình ra để kết cấu lại" như một nhà thơ nói.


Sơn Tùng thể hiện ca khúc "Chúng ta không thuộc về nhau", đang gây lùm xùm vì nghi án 'đạo nhạc'

Ở giai đoạn nào, giây phút nào khi sự lười biếng, sự ảo tưởng, và thói háo danh thắng thế, nghệ sĩ dễ đánh mất đi lao động sáng tạo chân chính, tự biến mình thành kẻ bán hàng nhái, thậm chí là kẻ cắp, nếu sao chép của người khác.

Đạo thơ, đạo văn, đạo tranh, đạo nhạc... sinh ra như thế. Gần lắm!

Chúc quý vị một tuần lễ vui vẻ và không ngừng sáng tạo, trong nghệ thuật hoặc trong đời sống.

Ban Biên tập
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›