(Thethaovanhoa.vn) - Cuốn truyện ký Đất K (NXB Hội Nhà văn) của Bùi Quang Lâm phát hành đầu tháng 3/2020 không đặc biệt về bút pháp, nhưng khá sinh động về câu chuyện và cảm xúc. Anh viết về những năm tháng trên chiến trường K, nơi anh là bộ đội tình nguyện, chống lại thảm họa do chế độ diệt chủng Pol Pot gây ra.
Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) trân trọng giới thiệu bài viết của nhà văn Nguyễn Thành Nhân về cuốn sách cảm động này. Cũng xin nói thêm, Nguyễn Thành Nhân vốn là bộ đội tại chiến trường K, tác giả của Mùa xa nhà, tiểu thuyết tiêu biểu viết về đề tài này.
“Vẫn mới toanh trong tiềm thức”
Từ lâu, Bùi Quang Lâm đã ấp ủ việc viết lại mảnh đời lính của mình ở chiến trường K như một sự tri ân đối với anh em đồng đội, nhất là những người đã hy sinh, hoặc bị thương sau chiến cuộc. Anh viết như một sự tỏ bày: “Ngoài thời gian đạp xe ba gác, tôi thường đi tìm bạn học cũ và những chiến hữu cùng đơn vị cũ để ngồi lê đây đó với câu chuyện quá khứ. Mặc dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng mỗi lần nhắc đến thì hình ảnh khốc liệt và cái vuốt mắt đồng đội hy sinh vẫn trở lại, vẫn mới toanh trong tiềm thức” - trang 289 của Đất K.
Lần dở những trang sách đầu tiên trong cuốn sách dày hơn 320 trang, những kỷ niệm chiến trường xưa của tôi và bạn đồng ngũ chợt quay về. Cũng những cơn mưa rừng xối xả đó, những đêm trắng hành quân đó, những trận đánh đẫm máu đó, với những anh em nằm xuống. Cũng những chuyện tình thời chiến, giữa người lính và người dân Khmer, giữa người lính và người ở quê nhà.
Trong truyện ký của Bùi Quang Lâm, thấy anh tự nhận “tôi là người đa tình, đa cảm”, với 2 mối tình lần lượt. Mối tình thứ nhất với một cô gái Khmer có mẹ gốc Việt. Mối tình thứ hai là với một cô gái thanh niên xung phong - Mã Kim Phượng, vốn là bạn học phổ thông. Và như hầu hết những mối tình thời chiến, chúng kết thúc khi bước chân người lính tiếp tục hướng về phía địch. Cái đọng lại có chăng là những kỷ niệm, hồi ức đẹp và buồn.
Và đây có lẽ cũng là điều mà người lính sợ hơn cả tên bay đạn lạc, đó là sợ phải xa người mình thương, sợ người mình yêu nhớ thương mình, buồn khổ vì mình. Sẵn sàng hy sinh vì nghĩa vụ cao cả là lẽ đương nhiên của người lính, nhưng trong trái tim của người lính đa cảm, họ còn chiến đấu vì những điều gần gũi, thân thuộc. Có người lính sẵn sàng hy sinh để mẹ mình, để anh chị em, để người yêu của mình được bình yên, được hạnh phúc.
Em trai của anh là Bùi Thanh Tùng đã nằm lại trên chiến trường K. Trong một bài thơ, Bùi Quang Lâm viết: “Dậy về thôi em tôi/ chiến tranh qua lâu rồi/ còn chi trăn trở/ hay lắng nghe lời hiệu triệu thúc quân/ vận mệnh con người hòa quyện chiến tranh/ có hề chi cái chết/ không trình tự thời gian”. Và “… Về đi em nhà đã dọn cơm chiều/ nén hương thơm dùng dằng quanh quẩn khói/ em về đi, về nhận lễ hóa vàng”.
Câu chuyện của Bùi Quang Lâm bắt đầu từ những tháng ngày ở thao trường. Ngắn gọn. Rồi chuyển sang những trận đánh đầu tiên ở chiến trường biên giới Tây Nam. Hết trận này sang trận khác, dọc theo từng chiến dịch. Những gương mặt bạn bè và đồng đội nằm xuống. Những chi tiết của từng trận đánh được anh kể lại một cách mộc mạc, thật, không tô vẽ.
Tuy cuộc đời lính chiến vô cùng gian khổ khốc liệt, nhưng người lính vẫn cố tìm vui trong hoàn cảnh gian khó. Do vậy, trong Đất K không thiếu những cảnh tượng lính tráng trêu ghẹo nhau, hoặc những tình tiết khôi hài, giảm nhẹ phần nào những đau thương mất mát kinh khủng. Chúng tôi ở chiến trường K hầu như ngày nào cũng đối diện với đau thương, mất mát, nhiều khi mỗi ngày 2, 3 lần, trái tim thắt lại đến mức không còn đau được nữa.
“Người hiền” Bùi Quang Lâm
Bùi Quang Lâm nhập ngũ năm 1978, thuộc Trung đoàn 55, Sư đoàn 303, Quân khu 7. Bạn bè lính tráng thường gọi anh là “Lâm thẹo”, vì mặt có một vết thẹo dài, do bị bỏng đạn B-40 của địch. Cũng do vết thẹo này, thoạt nhìn anh có vẻ rất ngầu, nên giới văn nghệ nhiều người gọi là “Lâm mặt quỷ”, anh vẫn vui vẻ nhận luôn.
Trong khai đề cuốn Đất K, anh tự họa: “Mặt mũi rằn ri mái tóc dài/ Lăng nhăng ăn nói chẳng giống ai/ Rảnh rang tìm bạn lai rai rượu/ Hết tiền cơm nguội báo oan gia…”. Tuy nhiên, trái ngược với vẻ ngoài, Lâm là một người rất hiền và trầm tính, chơi với bạn bè chân tình hết mực, nên hầu hết anh em bạn bè đều quý mến.
Trong Đất K, có một phần cuối tạm coi như một vĩ thanh, vì nó nằm ngoài chủ đề chung của tác phẩm. Bùi Quang Lâm kể cô đọng quá trình giải ngũ, trở về với quê nhà ở quận 4 (TP.HCM), tìm cách tái hòa nhập vào cuộc sống đời thường với những khó khăn, vui buồn mà đa số lính tráng chúng tôi đều phải nếm trải. Nhờ tự học, nay Bùi Quang Lâm là một người vẽ tranh, làm thơ, viết báo lai rai. Anh là bạn của tôi và Nguyễn Khương Bình, Nguyễn Trung Bình trong nhiều năm, nay người còn người mất.
Trở lại với Đất K, về mặt cấu trúc hoặc văn phong thì không có gì đặc biệt, nhưng những lời thì thầm của một người lính xông pha tại chiến trường lại đáng đọc. Nó vẽ được chân dung của một trong những chiến trường khốc liệt nhất thế kỷ 20 bằng ký ức và con tim chân tình, chứ không phải qua cái nhìn có tính cách cường điệu, “cưỡi ngựa xem hoa”. Đây có thể là một dòng suối nhỏ vừa hòa vào dòng chảy chung của nền văn học biên giới Tây Nam đang ngày được rộng mở, hứa hẹn sẽ có thêm những tác phẩm đặc sắc, vì chuyện ở chiến trường K còn rất màu mỡ, đa diện.
Những tác phẩm về chiến trường K Năm 2019, NXB Trẻ ra mắt 4 cuốn sách về chiến trường K của 3 cựu chiến binh là Mùa linh cảm, Mùa chinh chiến ấy (Đoàn Tuấn), Mùa xa nhà (Nguyễn Thành Nhân), Rừng khộp mùa thay lá (Nguyễn Vũ Điền). Trước đó, chủ đề này còn có Bên dòng sông Mê (Bùi Thanh Minh), Chuyện lính Tây Nam (Trung Sỹ)... Theo dự đoán của giới nghiên cứu văn học, tác phẩm về chiến trường K sẽ còn ra mắt nhiều trong thời gian tới. |
Nguyễn Thành Nhân
Tags