"Đất nước trọn niềm vui" qua ngôn ngữ gốm sứ

Thứ Năm, 24/04/2025 18:00 GMT+7

Google News

Nằm trong khuôn khổ chương trình nghệ thuật Hẹn ước Bắc Nam (diễn ra tối 22/4 tại sân vận động Mỹ Đình), triển lãm gốm sứ Đất nước trọn niềm vui đã thu hút được sự chú ý của rất đông người xem. Tại đó, những tác phẩm gốm sứ độc đáo, thấm đẫm tinh thần dân tộc đã kể lại câu chuyện dựng nước và giữ nước hào hùng của cha ông.

Giữa nhịp sống hiện đại, những người con của làng gốm Bát Tràng vẫn lặng lẽ ươm mầm mạch nguồn văn hóa, lịch sử dân tộc trên những trang gốm tinh xảo.

Và không phải ngẫu nhiên mà những nghệ nhân như Vũ Đình Mạnh, Vũ Văn Đức, Phạm Văn Hợi, Nguyễn Văn Hưng, Phạm Minh Quang, Nguyễn Văn Phước, Nguyễn Huy Hoàng... chọn gốm sứ làm "ngôn ngữ" để tri ân lịch sử. Với họ, mỗi tấc đất, mỗi giọt phù sa nơi đây đều mang trong mình hồn cốt của quê hương.

"Đất nước trọn niềm vui" qua ngôn ngữ gốm sứ - Ảnh 1.

Bức panorama tác phẩm “Đất nước trọn niềm vui” cao 2 mét, dài 8 mét, ghép từ 396 mảnh gốm chính, trưng bày tại sự kiện

"Nung chảy" thời gian để khắc họa hồn thiêng sông núi

Như chia sẻ, những gì được thực hiện là sự kết hợp hài hòa giữa đam mê nghệ thuật và lòng tự hào về cội nguồn của nhóm nghệ nhân, nơi mỗi người phát huy thế mạnh riêng: Người ấp ủ ý tưởng, người dày công sáng tác, người tỉ mỉ thực hiện kỹ thuật, người tận tâm kết nối, lan tỏa giá trị.

Anh Vũ Đình Mạnh (43 tuổi, Công ty Sứ Việt), người khởi xướng đầy nhiệt huyết của dự án, kể: "Ngoài những lo toan thường nhật, anh em chúng tôi luôn đau đáu mong muốn làm được điều gì đó ý nghĩa, góp phần tô đẹp thêm cho quê hương, đất nước. Và gốm sứ, vốn là hơi thở của làng nghề, đã trở thành cầu nối để chúng tôi kể lại những câu chuyện lịch sử, văn hóa một cách mới mẻ và sâu sắc".

"Đất nước trọn niềm vui" qua ngôn ngữ gốm sứ - Ảnh 2.

Tác phẩm “Hịch tướng sĩ” tại triển lãm

Đến với triển lãm, công chúng sẽ được chiêm ngưỡng những tác phẩm gốm sứ tái hiện sống động những trang sử vàng của dân tộc, từ huyền thoại "Con rồng cháu tiên" tới hình tượng thiêng liêng của Quốc tổ Hùng Vương, từ khí thế hào hùng của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng hay chiến thắng Bạch Đằng lẫy lừng của Ngô Quyền đến tầm nhìn chiến lược trong Chiếu dời đô, từ bản hùng văn Nam quốc sơn hà khẳng định chủ quyền, lời hiệu triệu đanh thép trong Hịch tướng sĩ đến chiến công hiển hách Quang Trung đại phá quân Thanh.

Anh Vũ Văn Đức (40 tuổi), người đồng hành cùng anh Mạnh trong việc tìm kiếm và triển khai ý tưởng, nhấn mạnh sự độc đáo của việc kể chuyện lịch sử trên chất liệu gốm. "Sáng tạo nghệ thuật trên gốm sứ có một ưu điểm là sự bền bỉ với thời gian" - anh nói - "Tuy nhiên, điều đặc biệt và cũng đầy thử thách: Người họa sĩ không thể hoàn toàn quyết định màu sắc cuối cùng của tác phẩm ngay khi vẽ xong, mà phải chờ vào sự "biến hóa" của ngọn lửa".

"Đất nước trọn niềm vui" qua ngôn ngữ gốm sứ - Ảnh 3.

Tác phẩm “Chiếu dời đô” tại triển lãm

"Nếu vẽ trên giấy, vải hay gỗ, màu sắc sẽ hiện ra tức thì. Nhưng với gốm sứ, tất cả đều là màu men, cần phải trải qua quá trình nung ở nhiệt độ cao mới thực sự sống dậy. Do đó, mỗi tác phẩm đều đòi hỏi sự phán đoán, kinh nghiệm và cả sự liều lĩnh của người nghệ sĩ" - anh Đức giải thích thêm về sự kỳ diệu của nghệ thuật gốm sứ.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Hưng (49 tuổi) chia sẻ về nguồn cảm hứng để sáng tạo: "Trong lòng mỗi người chúng tôi luôn ấp ủ những ý tưởng sáng tạo với gốm. Khi cùng nhau hợp tác, điểm chung lớn nhất chính là tâm huyết muốn lưu giữ và lan tỏa những giá trị lịch sử Việt Nam trên chính những sản phẩm mang đậm hồn đất quê hương".

"Đất nước trọn niềm vui" qua ngôn ngữ gốm sứ - Ảnh 4.

Toàn cảnh tác phẩm “Đất nước trọn niềm vui”

Để tạo nên những tác phẩm gốm sứ mang đậm tinh thần nhớ về các bậc tiền nhân, anh Hưng đã trực tiếp về Đền Hùng, thành kính xin đất, xin nước thiêng để hòa quyện vào từng sản phẩm. Anh cùng các cộng sự dày công nghiên cứu những loại men cổ, thử nghiệm các công thức điều chỉnh ngọn lửa khác nhau để "thổi hồn" vào tượng Quốc tổ Hùng Vương. "Ai cũng có thể tạo ra hình dáng, nhưng để pho tượng có thể thờ, cần phải 'bắt' được cái thần thái, cái hồn của nhân vật" - anh Hưng kể.

Hưng cũng chia sẻ về những khó khăn trong quá trình sáng tạo. Theo lời anh, nhiều khi sản phẩm đã hoàn thiện đến 90% rồi vẫn phải bỏ đi. Thực tế, chúng ta không có nhiều tư liệu trực quan về các bậc tiền nhân, chủ yếu dựa vào những câu chuyện, hồi ức. Vì vậy, để tạo nên cái "thần" của người Việt Nam trên gốm, nhóm tác giả phải tìm hiểu rất kỹ lưỡng các tư liệu lịch sử, điển cố, điển tích, chắt lọc từ nhiều nguồn khác nhau.

"Đất nước trọn niềm vui" qua ngôn ngữ gốm sứ - Ảnh 5.

Cận cảnh trường đoạn giải phóng Huế - Buôn Ma Thuột và Sài Gòn trong tranh gốm “Đất nước trọn niềm vui”. Ảnh: Lương Đình Khoa

Anh nói: "Chúng tôi nỗ lực để mỗi pho tượng gốm không chỉ tĩnh tại mà còn toát lên vẻ sống động. Đó cũng là cách thế hệ chúng tôi, những người sinh ra và lớn lên trong hòa bình, tri ân lịch sử và ân tổ tiên".

"Tôi đã yêu thích lịch sử Việt Nam từ lâu, nhưng chưa có cơ hội thể hiện. Nhờ có sự truyền cảm hứng từ các anh em, tôi mới có thể kể về lịch sử trên những trang gốm này" - anh Nguyễn Văn Phước (42 tuổi), vừa tỉ mỉ tô màu cho từng chi tiết trên bức tranh gốm Hịch tướng sĩ (có đường kính 95cm), chia sẻ thêm.

Để tạo nên những tác phẩm gốm sứ mang đậm tinh thần nhớ về các bậc tiền nhân, anh Hưng đã trực tiếp về Đền Hùng, thành kính xin đất, xin nước thiêng để hòa quyện vào từng sản phẩm.

Bản hùng ca thống nhất trên gốm

Đặc biệt, tâm điểm của không gian nghệ thuật lần này chính là bức tranh gốm panorama Đất nước trọn niềm vui. Tác phẩm đồ sộ này là một "bản hùng ca" bằng gốm, khắc họa trọn vẹn khí thế tưng bừng, niềm hân hoan thống nhất non sông sau bao năm gian khổ. "Đây chính là hành trình tri ân lịch sử trên gốm sứ mà chúng tôi muốn gửi gắm đến cộng đồng" - anh Mạnh khẳng định.

"Đất nước trọn niềm vui" qua ngôn ngữ gốm sứ - Ảnh 7.

Cận cảnh trường đoạn trong tác phẩm "Đất nước trọn niềm vui" - tái hiện cảnh giải phóng thành cổ Quảng Trị

Bức tranh gốm panorama có kích thước ấn tượng (cao 2 mét, dài 8 mét), tái hiện một cách sinh động và hài hòa những khoảnh khắc lịch sử hào hùng, những dấu mốc chói lọi trên hành trình thống nhất đất nước, từ các cột mốc giải phóng Thủ đô (1954), giải phóng thành cổ Quảng Trị (1972), giải phóng Buôn Ma Thuột và Huế (tháng 3/1975) đến ngày toàn thắng tại chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (tháng 4/1975).

Anh Phạm Văn Hợi (42 tuổi), người phụ trách kỹ thuật thực hiện bức tranh, cho biết đây là kết quả của sự đồng lòng, chung sức nghiên cứu và lên ý tưởng của cả nhóm. Toàn bộ quá trình sáng tạo đều được thực hiện thủ công, đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và tinh thần làm việc không ngừng nghỉ.

"Đất nước trọn niềm vui" qua ngôn ngữ gốm sứ - Ảnh 8.

Người xem tại triển lãm

"Chỉ cần một mảnh ghép nhỏ bị lỗi, cả tác phẩm sẽ không hoàn thiện và chúng tôi phải làm lại rất nhiều lần" - anh Hợi chia sẻ - "Vậy nhưng, với tinh thần thần tốc như các chiến sĩ năm xưa, chúng tôi đã cố gắng hoàn thành tác phẩm đúng tiến độ, để kịp thời xuất hiện tại sự kiện".

Theo anh Hợi, mỗi mảnh gốm trong tác phẩm Đất nước trọn niềm vui tượng trưng cho một thành công, một biểu tượng của tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của dân tộc ta qua các thời kỳ lịch sử.

"Khi nghiên cứu về đề tài này, tôi mới thực sự cảm nhận được hết sự khốc liệt và hào hùng của lịch sử, đặc biệt là khi vẽ đến trường đoạn giải phóng Quảng Trị. Chính điều đó đã khơi dậy trong tôi lòng biết ơn sâu sắc" -  anh Hợi xúc động bày tỏ - "Và nhóm chúng tôi càng ý thức rõ hơn về trách nhiệm gìn giữ và truyền thông những tác phẩm như thế này đến các thế hệ mai sau và bạn bè quốc tế, để họ hiểu hơn về lịch sử vẻ vang của đất nước".

Và như thế, triển lãm gốm Đất nước trọn niềm vui không chỉ là nơi hội tụ của những giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc sắc mà còn là một không gian để mỗi người dân Việt Nam thêm tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc, thêm trân trọng những hy sinh của cha ông. Tại đó, những tác phẩm gốm sứ thấm đẫm hồn Việt Nam của các nghệ nhân Bát Tràng chính là những "chứng nhân" lặng lẽ mà hùng hồn nhất, kết nối quá khứ với hiện tại, khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm của mỗi người con Việt Nam.

Gắn bó với những cột mốc lịch sử

Trước Hẹn ước Bắc - Nam, những tác phẩm gốm sứ mang đậm dấu ấn lịch sử của nhóm nghệ nhân đã từng được giới thiệu trang trọng trong chương trình Cùng nhau giữ nước nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10) và 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12) tại Hoàng thành Thăng Long vào năm 2024. Điều đó cho thấy sự trân trọng và tâm huyết của họ đối với những cột mốc lịch sử trọng đại của đất nước.

Lương Đình Khoa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›