(Thethaovanhoa.vn) - Việc ông Cấn Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch phụ trách tài chính và vận động tài trợ VFF, xin từ chức, đang gây ồn ã dư luận cùng không ít lo lắng đi kèm.
1. Nếu là một người hâm mộ thông minh, am hiểu bóng đá nội cũng như VFF, thì không có gì phải lo lắng, thậm chí nên vui mừng. Vui vì, cuối cùng ông Nghĩa (và những người đã dựng ông lên) đã sớm bộc lộ những giới hạn, không chỉ trong việc làm "kinh tài", nói thẳng là tìm tiền cho bóng đá Việt Nam, như đúng chức danh.
Đến giờ phút này, không biết những tổ chức, CLB, cá nhân từng bầu cho ông Nghĩa, có thấy hối hận khi đã đặt niềm tin cho một nhân vật vốn đã lùm xùm, tai tiếng liên quan đến tiền bạc, năng lực quản lý, khi còn giữ chức vụ Giám đốc Khu Liên hợp TTQG Mỹ Đình?
Còn nhớ, lúc đó báo chí đã vào cuộc mạnh mẽ nhưng không hiểu sao ông Nghĩa vẫn bình an, để rồi tại Đại hội VFF nhiệm kỳ 8, ông Nghĩa qua mặt hàng loạt tên tuổi có tiếng, trúng chức bằng "vé vớt".
Chừng đó đủ để dư luận đặt câu hỏi ông Nghĩa có "ô, dù" gì không, khi công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội 8 quá thừa thời gian, nhưng không ít ứng viên có máu mặt và tâm huyết hơn bị gạt ra rìa cuộc đua.
Không thể tin nổi trong 6 tháng tại vị, ông Nghĩa không đem được hợp đồng tài trợ giá trị nào về cho bóng đá Việt Nam. Thay vào đó, tìm tiền cho VFF giai đoạn này chủ yếu là ông Trần Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn.
Cho nên, không nên trút hết trách nhiệm lên vai ông Nghĩa trong câu chuyện ông này phải từ chức.
2. Trở lại ghế ông Nghĩa, đây là vị trí trọng yếu ở VFF nói riêng, hoạt động nền nóng đá nói chung. Thời điểm này, bóng đá Việt Nam đã đạt những thành tựu quan trọng, bằng sự chung tay của quá nhiều thành phần trong xã hội.
Đây cũng là lúc trình độ của VFF phải thích ứng. Do đó, việc tìm người ngồi ghế ông Nghĩa cần cẩn trọng, đổi mới, cầu thị, thực sự muốn sửa sai.
Chúng ta hãy nghe tiêu chí mà ông Lê Khánh Hải, Chủ tịch VFF, đưa ra: “Phải có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức tốt; Am hiểu và có kinh nghiệm trong hoạt động tài chính, thương mại. Có năng lực quản trị; am hiểu pháp luật về tài chính, thương mại; có khả năng hoạch địch, xây dựng và chỉ đạo triển khai các cơ chế, chính sách nhằm huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển bóng đá Việt Nam. Có quan hệ rộng, có uy tín trong giới doanh nhân, có khả năng tập hợp, huy động sự tham gia, tài trợ hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trong hoạt động bóng đá”.
Đọc các tiêu chí trên có vẻ có phần… "nghị quyết". Chỉ cần VFF tìm được người có những tiêu chí sau coi như ổn: Ứng viên phải thành đạt và đang thành đạt (ưu tiên thành đạt về kinh doanh); có uy tín trong xã hội khiến dư luận tin tưởng; có sức khoẻ kẻo dư luận lại đàm tiếu Liên đoàn là "bãi đáp của tổ hưu".
Quan trọng hơn cả, là các ứng viên phải qua "kỳ thi tuyển", tức phải trình bày Đề án tranh cử công khai trước BCH VFF, Tổng cục TDTT, Bộ VH, TT& DL, báo chí. VFF và cơ quan cao hơn coi đó là tiêu chuẩn số 1, còn đặt nặng trọng lượng vào phiếu bầu bán như tiền lệ thì e rằng dễ chọn phải "ông Nghĩa B" .
Ứng viên là "vàng ròng" đích thực, họ còn giàu lòng tự trọng, họ hiểu giá trị bản thân nên chẳng dại đua vào cái ghế mà thường được sắp đặt sẵn làm gì.
Hữu Quý
Tags