(Thethaovanhoa.vn) - Phiên đấu giá của văn phòng Rouillac diễn ra tại Pháp hôm 13/6 đã có hai bất ngờ lớn khi long sàng của vua Thành Thái tăng giá khoảng 124 lần so với khởi điểm, còn xe kéo của hoàng thái hậu Từ Minh tăng hơn 27 lần. Bất ngờ hơn, phía muốn mua hai kỷ vật là đại diện của Việt Nam, búa đã hạ xuống, nhưng phút chót, đại diện của Bảo tàng Guimet dùng “quyền ưu tiên mua” (droit de préemption) để giữ lại xe kéo cho quốc gia Pháp.
Theo tin từ nhà sưu tập Gérard Chapuis (người đã mua bức tranh Chiều tà của vua Hàm Nghi, tham gia đấu vắng mặt tại phiên này) thì long sàng (lô 84) chỉ có giá khởi điểm 1.000 EUR, còn xe kéo (lô 85) là 2.000 EUR - khá là rẻ.
Phiên đấu thứ Sáu ngày 13
Vào khoảng 15h thứ Sáu ngày 13/6, tại lâu đài Cheverny (TP Tours, Pháp), văn phòng Rouillac trình làng phiên đấu với 85 lô hàng (từ 1 đến 18 là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc; từ 30 đến 64 là những tác phẩm nghệ thuật nguyên thủy; và từ 80 đến 85 là những tác phẩm nghệ thuật châu Á). Với người Việt thì đáng chú ý nhất là 2 lô cuối cùng, “đồ ngự dụng”, vốn thuộc triều Nguyễn. Theo ông Philippe Rouillac thì họ chưa có tiền lệ bán cổ vật Việt Nam.
Cuộc chạy đua bất ngờ này đã đẩy chiếc giường lên giá 124.000 EUR (đã gồm thuế). Một hậu thân của hoàng tộc Việt Nam đã được quyền sở hữu. Cũng tương tự, xe kéo đã được một đại diện của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp mua 55.800 EUR (đã gồm thuế)... Mọi việc sẽ chẳng có gì, nếu bà Katia Mollet (phụ trách trưng bày của Bảo tàng Guimet) không tuyên bố Chính phủ Pháp sẽ đề nghị mua lại xe kéo theo nguyên tắc quyền ưu tiên mua để giữ lại bảo vật cho quốc gia dù trước đó, đại diện phía Việt Nam đã được phép ngồi lên xe chụp hình lưu niệm (như là người sở hữu mới).
“Cuộc chiến” hoặc “món quà” ngoại giao
Trước tình thế này, theo thông lệ, Bảo tàng Guimet có 15 ngày (tính từ 13/6) để tìm hiểu và chứng thực thực sự về tài chính để mua. Trong lịch sử đấu giá, đã có vài cổ vật của Campuchia rơi vào tình thế này, chính phủ Campuchia đã tỏ rõ quyết tâm muốn mua lại, kết quả họ đã thắng. Cho nên 15 ngày này cũng là lúc để Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp (hoặc ở cấp cao hơn nữa) tỏ rõ quyết tâm của mình. Ưu thế ở đây là xe kéo vốn thuộc triều Nguyễn, đưa về trưng bày tại Huế hợp tình hợp lý hơn. Chính vì vậy, Việt Nam vẫn còn cửa để thắng, nếu quyết tâm của chúng ta đủ lớn.
Cũng theo nhà sưu tập Gérard Chapui, dẫn lại lời của ông Aymeric Rouillac (văn phòng Rouillac), thì hiện nay Bảo tàng Guimet đang chuẩn bị cho cuộc triển lãm có tên L'envol du Dragon - Art royal du Vietnam (tạm dịch: Lưỡng long - Nghệ thuật hoàng gia Việt Nam) từ ngày 9/7 đến 15/9/2014, vì vậy mà họ muốn trưng dụng xe kéo của Hoàng thái hậu Từ Minh cho cuộc triển lãm và sau đó sẽ cho vào kho lưu giữ.
Ông Aymeric Rouillac cho biết thêm: “Vài năm trước, khi biết gia đình Prosper Jourdan muốn hiến tặng hai món đồ này thì Bảo tàng Guimet đã không màng trả lời, vậy mà bây giờ họ lại dùng quyền ưu tiên mua chỉ để phục vụ cho một cuộc triển lãm nhất thời. Đại diện của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đề nghị được mua chiếc xe kéo này, họ chấp nhận cho Bảo tàng Guimet mượn đến hết triển lãm, nhưng đã nhận lại sự từ chối”. Chính ông Aymeric Rouillac “mách nước” rằng hai hy vọng cuối để xe kéo về Huế phụ thuộc vào ngoại giao; hoặc chiếc xe sẽ trở thành “món quà ngoại giao” cho Việt Nam sau khi Bảo tàng Guimet đóng của cuộc triển lãm này”.
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa
Tags