Đấu giá thư tình của danh họa Frida Kahlo: Mối tình si trốn trong những trang giấy

Thứ Hai, 06/04/2015 07:01 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn) - Một loạt bức thư tình chưa từng được công bố của nữ họa sĩ nổi tiếng Mexico, Frida Kahlo, gửi cho người tình bí mật Jose Bartoli, nhiều khả năng sẽ đạt giá rất cao, tại cuộc đấu giá ở New York vào ngày 15/4 tới đây.

Những bức thư này được Kahlo viết bằng tiếng Tây Ban Nha, trong khoảng thời gian từ tháng 8/1946 đến tháng 11/1949, gửi cho người tình Jose Bartoli. Chúng đã được Bartoli giữ cho đến khi ông qua đời hồi năm 1995.

Tình yêu xuyên biên giới

Frida Kahlo sinh ngày 6/7/1907 tại vùng Coyoacan, khi ấy vẫn là một thị trấn nhỏ nằm bên rìa Mexico City. Kahlo mắc bệnh bại liệt năm lên 6 tuổi và vì thế chân phải của bà hơi teo nhỏ, không cân xứng với chân trái. Sau này bà cố gắng che lấp khiếm khuyết ấy bằng những chiếc váy dài sặc sỡ.

Năm 1922, Kahlo được nhận vào học tại Escuela Nacional Preparatoria, một trong những ngôi trường danh giá nhất Mexico. Bà là một trong số 35 cô gái được nhận vào trường.


Nữ họa sĩ nổi tiếng Frida Kahlo

Ngày 17/9/1925, Kahlo gặp tai nạn khi xe buýt chở bà đâm thẳng vào một chiếc xe điện. Bà dính nhiều thương tích nặng, gồm gãy cột sống, gãy xương đòn, xương sườn, xương chậu. Bà cũng bị 11 vết rạn ở chân phải, bàn chân phải bị dập, xương vai bị trật khớp. Ngoài ra bà còn bị một thanh đường ray xe điện đâm xuyên qua bụng và tử cung.

Tai nạn khủng khiếp đó không lấy mất mạng sống của Kahlo, nhưng khiến cả cuộc đời bà phải chịu đựng những cơn đau thường xuyên tái phát. Bà cũng liên tục phải vào viện và trải qua hơn 30 cuộc phẫu thuật khác nhau.

Trong thời gian trị bệnh, Kahlo đã cố gắng khiến mình bận rộn, bằng cách nghiên cứu hội họa. Sau này, Kahlo đã trở thành một trong những họa sĩ có ảnh hưởng nhất trong giới nghệ thuật của thế kỷ 20.

2 năm sau bị tai nạn, Kahlo gặp họa sĩ vẽ tranh tường Diego Rivera, người có những tác phẩm hội họa mà bà rất ngưỡng mộ. Ông đã trở thành người thầy của bà và vào năm 1929 thì hai người kết hôn, mặc cho mẹ bà phản đối dữ dội.

Đây là một trong những cuộc hôn nhân để lại nhiều tai tiếng nhất trong lịch sử nghệ thuật. Cả 2 đều ngoại tình với nhiều người, nhưng gây chú ý hơn là mối quan hệ của Kahlo - một người lưỡng tính - với nữ diễn viên, ca sĩ kiêm vũ công Pháp Josephine Baker (1906-1975) và nhà lý luận Leon Trotsky của Nga.

Tuy nhiên, người hâm mộ còn biết được mối tình si của Kahlo với Jose Bartoli, nghệ sĩ Tây Ban Nha mà bà gặp trong khi đang phục hồi sau phẫu thuật ở New York. Cristina, em gái của Kahlo, đã giới thiệu bà với Bartoli, người vừa chuyển tới New York khi Tây Ban Nha đang xảy ra nội chiến.

Họ bắt đầu yêu nhau trong những lần Bartoli tới bệnh viện và cuộc trao đổi thư từ đầy ướt át của họ diễn ra một thời gian ngắn sau khi Kahlo về Mexico. Mặc dù sống xa nhau và hiếm khi gặp gỡ, mối tình xuyên biên giới đầy lãng mạn và bí mật của họ vẫn kéo dài trong 3 năm.


Các bức thư của Kahlo viết cho người yêu, nghệ sĩ Tây Ban Nha Jose Bartoli

"Từng tế bào trong em là của anh"

“Em không biết viết thư tình như thế nào. Em chỉ muốn nói rằng em luôn mở lòng với anh. Kể từ khi yêu anh, mọi thứ đã thay đổi, nhiều thứ trở nên thật đẹp đẽ… Tình yêu giống như hương thơm, như luồng gió mát, như cơn mưa lành” – Kahlo viết cho người tình vào tháng 10/1946.

Tình cảm Kahlo dành cho người tình còn được thể hiện trong những bức tranh nổi tiếng của bà. Năm 1946, Kahlo vẽ 2 bức chân dung tự họa mang tên Tree of Hope (Cây hy vọng). Một bức mô tả bà nằm trên giường sau cuộc phẫu thuật và bức kia có cảnh bà cầm một lá cờ đầy kiêu hãnh. Cần biết rằng Kahlo luôn coi Bartoli là “cây hy vọng” của mình.

Sau khi Kahlo bán bức tranh Tree of Hope, bà đã viết thư kể với Baroli rằng những lời nói của ông luôn tạo ảnh hưởng tới hoạt động sáng tạo của bà. “Em vẫn còn nhớ những lời nói gần đây của anh khi bắt đầu vẽ” – Kahlo viết trong thư.

Trong bức thư đề ngày 29/8/1946, Kahlo viết: “Bartoli, đêm qua em cảm thấy như có những đôi cánh vuốt ve khắp cơ thể mình, như thể đôi môi anh hôn lên khắp làn da em. Từng tế bào trong em là của anh. Em muốn sống và thật khỏe mạnh để yêu anh với tất cả sự âu yếm, dịu dàng mà anh đáng được hưởng, để trao cho anh mọi thứ tốt đẹp nhất trong em, để anh sẽ không cảm thấy đơn độc”.

Theo Hayden Herrera, một nhà tiểu sử từng viết sách về Kahlo, nữ họa sĩ đề nghị Bartoli ký tên dưới các bức thư là “Sonja”, để chồng bà không nghi ngờ nếu vô tình đọc được.

Rivera vẫn có thể chịu đựng được khi vợ ông yêu những người đồng giới. Tuy nhiên ông lại ghen lồng lộn khi biết bà có quan hệ tình cảm với những người đàn ông khác. Điều trái khoáy là Rivera cũng chẳng kém cạnh gì vợ trong những cuộc phiêu lưu tình ái. Ông thậm chí còn có quan hệ tình cảm với em gái của vợ là Cristina.

Những bức thư tình ấy, tổng cộng dài hơn 100 trang, đã được chuyển lại qua nhiều thế hệ trong gia đình Bartoli, tới khi chúng thuộc về chủ sở hữu hiện nay.

Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›