Những người ổn định về mặt cảm xúc không chỉ có thể giải quyết tốt vấn đề, mà còn mang lại năng lượng tích cực cho người khác.
Nhiều người hỏi tôi: "Bạn thích kết giao với những người thế nào?"
Ngẫm nghĩ một hồi, tôi quyết định trả lời: "Những người ổn định."
Bởi vì chỉ có những ai ổn định tốt tâm thái của mình, mới có thể vững vàng trong nghịch cảnh và giành được chiến thắng cuối cùng.
Sự ổn định được chia thành ba khía cạnh: sự ổn định về cảm xúc, sự ổn định về năng lực và sự ổn định về nhịp điệu sống.
1. Sự ổn định về cảm xúc
Ở nơi làm việc, bạn hãy quan sát thật kĩ, những ai khó ổn định về mặt cảm xúc. Khi đối diện với những trường hợp khẩn cấp, họ thường có xu hướng mất kiểm soát và dễ lâm vào khủng hoảng.
Khi vấn đề không thể giải quyết được, họ sẽ bối rối, bị cảm xúc chi phối, dẫn dắt.
Hoặc khi gặp trục trặc trong công việc, suy nghĩ đầu tiên của họ chính là đổ lỗi cho người khác.
Lúc trước, trong nhóm tôi cần quay một video quảng cáo, nhưng quay một hồi vẫn chưa ra sản phẩm ưng ý. Nhóm tôi tạm dừng đi ăn cơm, khi quay về thì máy quay đã bị mất cắp.
Đây là trách nhiệm của cả nhóm, chúng tôi đều cố gắng tìm kiếm nhưng không thành. Ai cũng im lặng tự kiểm điểm, chỉ riêng một thành viên đột nhiên bắt đầu mất bình tĩnh, anh ta bảo việc mình không làm, nên không muốn phải chịu trách nhiệm.
Thế nhưng anh ta đã quên mất rằng, bản thân đang sống trong một tập thể.
Nhà tâm lý học Ellis từng đề xuất một "lý thuyết ABC" rất nổi tiếng.
A là viết tắt của những trường hợp khẩn cấp.
B đại diện cho suy nghĩ của bạn trong trường hợp đó.
C là hành vi và cảm xúc của bạn.
A sẽ không trực tiếp dẫn đến C, chỉ B mới trực tiếp dẫn đến C.
Cũng giống như câu chuyện bên trên, nếu anh chàng kia có thể bình tĩnh một chút, đã không làm mất lòng đồng nghiệp, bản thân cũng sẽ bình tĩnh nghĩ ra cách giải quyết vẹn toàn hơn.
Những người ổn định về mặt cảm xúc sẽ không coi việc trút giận là lựa chọn duy nhất của họ. Thay vào đó, anh ta sẽ giữ bình tĩnh, kiểm soát tình hình, không trốn tránh hay phàn nàn bất cứ điều gì.
Những người ổn định về mặt cảm xúc không chỉ có thể giải quyết tốt vấn đề, mà còn mang lại năng lượng tích cực cho người khác.
2. Sự ổn định về năng lực
Năng lực ổn định là tiền đề quan trọng để thể hiện bản thân.
Năng lực bạn kém, phong độ thất thường, thì việc nâng cao vị trí là rất khó khăn.
Nói một cách tương đối, đối với một người ổn định, bất kể hoàn cảnh bên ngoài có tồi tệ như thế nào đi nữa, hiệu suất của anh ta luôn được xếp loại hàng đầu.
Để có thể làm được điều này, đằng sau đó phải là việc nắm rõ những kĩ năng cơ bản, cũng như tinh thần rèn luyện mỗi ngày, không từ bỏ.
Như vậy, bạn mới có thể từng bước tiến bộ và dần đạt được kết quả tốt nhất!
Những người quản lý giỏi cũng như vậy, dù ít nói, nhưng năng lực giải quyết vấn đề luôn mạnh mẽ, khiến người khác nhận ra họ không hề tầm thường chút nào.
Hãy nhìn vào một người ưu tú, việc anh ta dẫn dắt đoàn đội không hề có sự cố lớn nào, thành tích vẫn đạt top, dù biến cố ập đến vẫn ung dung giải quyết. Đây chính là năng lực ổn định!
Họ không theo đuổi sự tài giỏi nhất thời, họ theo đuổi sự xuất sắc không ngừng.
3. Ổn định về nhịp điệu sống
Để đạt được điều này, cốt lõi gói gọn trong ba khía cạnh: cách truyền đạt mục tiêu, quy trình báo cáo, phản hồi kết quả.
Truyền đạt mục tiêu: Dù bạn là cấp trên hay cấp dưới, cũng nên rèn giũa cho mình năng lực truyền đạt.
Bạn nói ít, người khác hiểu nhiều, không bị lệch mục tiêu. Ấy là truyền đạt đúng. Chỉ khi hiểu rõ vấn đề, mọi người mới có thể làm việc hiệu quả và năng suất.
Quy trình báo cáo:
Một dự án có thể mất nhiều thời gian hoàn thành, nhưng chúng ta nên tóm gọn nó bằng bản kế hoạch càng ngắn gọn, súc tích càng tốt.
Bạn phải là người chủ động tạo ra kế hoạch và báo cáo với cấp trên. Để mọi người nhanh chóng nắm bắt được rủi ro và nghĩ ra phương án thay đổi nó.
Phản hồi kết quả:
Khi bạn đã hoàn thành vấn đề, vậy bước tiếp theo là xem kết quả đạt được là gì.
Nếu làm chưa tốt, hãy tìm ra nguyên nhân, đề xuất giải pháp.
Nếu làm tốt rồi, thì cần tự mình đúc kết kinh nghiệm thành công, hình thành tư duy mới dùng cho lần sau.
Tags