Người đàn ông có tiền sử gout mạn tính nhiều năm điều trị thuốc không thường xuyên, tăng huyết áp, hút thuốc lá 30 năm, đi viện khám phát hiện mắc nhồi máu thận.
BS.CKI Nguyễn Đức Hưng, phó trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nam 51 tuổi mắc nhồi máu thận trên nền tiền sử gout mạn tính nhiều năm điều trị thuốc không thường xuyên, tăng huyết áp, hút thuốc lá 30 năm.
Theo đó, ngày 31/3, anh Nguyễn An* (51 tuổi, ngụ Long Biên, Hà Nội) xuất hiện cơn đau thắt lưng trái dữ dội, nhiều cơn lan ra hạ sườn trái. Anh nghĩ mình bị đau cột sống do đặc thù công việc phải đứng nhiều. Khi tới Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội khám, các bác sĩ phát hiện anh mắc bệnh nhồi máu thận hiếm gặp cần can thiệp ngay lập tức, tránh hỏng quả thận.
BS.CKI Nguyễn Đức Hưng, cho biết đặc tính các nhánh động mạch thận xoắn và nhiều gấp khúc. Nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả, các bác sĩ đã áp dụng kỹ thuật lấy huyết khối mạch máu não để hút huyết khối trong động mạch thận của bệnh nhân.
Phương pháp này giải quyết triệt để huyết khối từ các nhánh tận cùng, giúp cải thiện tưới máu hơn so với phương pháp hút huyết khối đơn thuần. Bệnh nhân ngay trên bàn can thiệp đã hết tình trạng đau lưng, sức khỏe ổn định, cứu được quả thận.
Bác sĩ Hưng nhấn mạnh bệnh nhân An đến khám sau 21 giờ khởi phát triệu chứng, trong khi thời gian can thiệp "vàng" là trước 24 giờ. Lúc này, bác sĩ cần quyết định phương pháp can thiệp nhanh và chính xác để đi đến kết quả tối ưu. Đó là lý do phương án sáng tạo được đưa ra là áp dụng kỹ thuật hút huyết khối mạch máu não vào hút huyết khối động mạch thận. Phương pháp này có đường vào dễ dàng qua động mạch đùi bằng một vết chọc mạch nhỏ, người bệnh chỉ cần gây tê tại chỗ và tỉnh táo hoàn toàn trong quá trình can thiệp, hầu như không mất máu trong quá trình làm.
Anh An nói đây là lần đầu tiên anh nghe đến nhồi máu thận.
Bác sĩ Hưng cho biết nhồi máu thận là bệnh lý hiếm (tỷ lệ 14/1.000), vì vậy chính bác sĩ khám cũng có thể bỏ sót, cần đến nhạy cảm lâm sàng của chẩn đoán cao. Chẩn đoán lâm sàng nhồi máu thận thường bị bỏ qua hoặc trì hoãn vì bệnh nhân có biểu hiện đau bụng hoặc sườn khá giống các tình trạng khác phổ biến hơn như sỏi thận và viêm bể thận. Chỉ có 0,007% trường hợp phát hiện trên lâm sàng.
Bác sĩ Hưng khuyến cáo, khi có triệu chứng đau lưng, người bệnh cần đi khám ở các cơ sở y tế uy tín để can thiệp kịp thời trong thời gian "vàng" trước 24 giờ.
*Tên nhân vật đã được thay đổi.
Tags