Đầu tháng 9 vừa qua, bản đồ không gian sáng tạo Hà Nội chính thức có thêm một địa điểm mới. Đó là Không gian sáng tạo nghệ thuật phố đi bộ kết nối công viên Thống Nhất.
Bên cạnh những không gian sáng tạo khác đã có sẵn ở Thủ đô, việc Không gian sáng tạo nghệ thuật phố đi bộ kết nối công viên Thống Nhất ra đời được kỳ vọng sẽ tạo ra khu vực văn hóa cộng đồng, đáp ứng nhu cầu giao lưu văn hóa, vui chơi giải trí, mua sắm và ẩm thực của nhân dân, từ đó phát triển thương mại, du lịch dịch vụ, thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo tồn phát huy di sản văn hóa của Hà Nội.
Nhìn thẳng nhưng đừng bi quan
Theo đó, Không gian sáng tạo nghệ thuật phố đi bộ kết nối công viên Thống Nhất được thiết kế theo chủ đề Hà Nội những năm 90 dần chuyển mình qua thời bao cấp, trong khuôn viên tự nhiên xanh mát của công viên Thống Nhất. Không gian có những gian hàng mang sắc màu tuổi trẻ, đầy tính sáng tạo thu hút các bạn trẻ. Cùng đó là các gian hàng ẩm thực với các món ăn đặc sản của Hà Nội, từ phở gánh Hàng Chiếu, cốm làng Vòng... đến những món ăn vùng miền do Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Nam Định và SlowFood Việt Nam phụ trách.
Ngoài ra, sự ra mắt của sân khấu Khóa Sol vào các tối cuối tuần, hòa quyện những làn điệu dân gian với các loại hình âm nhạc hiện đại khác, cũng hứa hẹn trở thành điểm giao thoa văn hóa tại Thủ đô.
Dẫu vậy, vẫn có ý kiến cho rằng không gian này vẫn hơi thập cẩm và mang tính hội chợ,sẽ rất khó phát triển vì trùng lặp với những không gian đi bộ, điển hình là tại khu vực quanh hồ Gươm.
Tuy nhiên, theo Thạc sĩ, KTS Nguyễn Thanh Tú (bộ môn Quy hoạch, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường ĐH Xây dựng), để một không gian công cộng - không gian sáng tạo thành công, bao giờ cũng cần phải có thời gian để cho những ý tưởng sáng tạo dần được hình thành. Vì vậy, trong giai đoạn mới chuyển giao, đương nhiên đơn vị tổ chức còn nhiều lúng túng, hoặc bồi lấp bằng những gian hàng khi không giannày chưa có nhiều hoạt động tự thân...
"Ban đầu chúng ta thấy có vẻ nó không giống và không được như những không gian phố đi bộ hay những không gian sáng tạo khác đã từng thành công ở trong nước và trên thế giới" - Thạc sĩ, KTS Nguyễn Thanh Tú chia sẻ với Thể thao và Văn hóa (TTXVN)- "Tuy nhiên theo tôi điều đó không quan trọng. Bởi trong một thời gian nữa, những nhà tổ chức sẽ cần phải suy nghĩ, có những phương án dài hơi hơn để làm cho không gian đó thực sự sống động và sáng tạo hơn".
Không gian sáng tạo nghệ thuật phố đi bộ kết nối công viên Thống Nhất do Công ty ICEP - Hanoi Classyphối hợp với Công ty TNHH một thành viên Công viên Thống Nhất tổ chức và đi vào hoạt động từ đầu tháng 9/2023 sau một thời gian dài chuẩn bị.
Dấu mốc mang tính lịch sử
Mới đây, HĐND thành phố Hà Nội vừa thông qua chủ trương đầu tư hơn 408 tỷ đồng ngân sách để cải tạo, nâng cấp công viên Thống Nhất, quận Hai Bà Trưng. Theo đó, thành phố dự kiến dỡ bỏ toàn bộ hàng rào bao quanh công viên để vận hành theo hình thức công viên mở nhằm phát huy tối đa hiệu quả của công trình. Ngoài ra một số hạng mục như chòi nghỉ chân làm nơi nghỉ ngơi cho người dân... cũng sẽ được đầu tư.
Có thể thấy rõ, mục tiêu của hướng tiếp cận này là phục vụ nhu cầu của người dân Thủ đô theo hướng tập trung cải tạo những hạng mục, công trình xuống cấp; đầu tư hạng mục tiện ích, nâng cao hiệu quả sử dụng, tiết kiệm chi phí đầu tư.
Theo KTS Nguyễn Thanh Tú, đó là việc cơ bản và cần phải thực hiện. Bởi lẽ, việc kết nối giữa không gian công cộng lớn như công viên Thống Nhất với các không gian công cộng nhỏ hơn bên cạnh sẽ tạo ra những không gian công cộng lớn hơn. Và khi đã tạo ra được những không gian lớn như vậy, đương nhiên thành phố sẽ hình thành một sân chơi, một địa điểm độc đáo để mọi thành viên trong xã hội có điều kiện giao lưu, phát triển bản thân cũng như phát triển cộng đồng.
"Khi có được nền tảng tốt về không gian, mọi người sẽ được thỏa sức sáng tạo. Tất nhiên, chúng ta vẫn cần phải có sự quản lý, cần có định hướng, giống như trường hợp phố đi bộ hồ Gươm" - KTS Nguyễn Thanh Tú nói - "Theo trí nhớ của tôi, thời điểm mới đi vào hoat động, không gian đi bộ tại hồ Gươm cũng không có quá nhiều nét đặc sắc. Nhưng qua thời gian, nó đã dần phát triển bởi nỗ lực của chính quyền thành phố, của các chuyên gia, lực lượng sáng tạo và mọi người dân".
Cũng theo nữ KTS này, sau việc bỏ hàng rào, điều chúng ta cần làm là suy nghĩ, học hỏi và thử nghiệm nhiều hơn nữa, để không gian này trở nên sống động và tăng phần sáng tạo.
"Tuy nhiên, tôi cũng muốn nói là có rất nhiều định nghĩa khác nhau về sự sáng tạo. Thường mọi người sẽ nghĩ sáng tạo là tạo ra một cái gì đấy khiến người khác phải trầm trồ, thích thú hoặc hấp dẫn, bắt mắt" - bà Tú nói - "Nhưng sáng tạo đôi khi cũng chỉ cần là một tình huống gợi mở, một cơ sở vật chất hợp lý, một không gian có thể sử dụng nó vào nhiều mục đích khác nhau để đem lại niềm vui cho mọi người".
Để không gian sáng tạo nghệ thuật công viên Thống Nhất ngày càng phát triển, theo KTS Nguyễn Thanh Tú, đơn vị quản lý cần có sự tư vấn của các chuyên gia các lực lượng trẻ như Đoàn Thanh niên, các trường đại học, đặc biệt là các tổ chức xã hội trong nước và quốc tế.
Như ví dụ được chuyên gia này đưa ra, một số khu vực tại bờ sông Hồng trước đây không hề có hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất thuận tiện như công viên Thống Nhất. Nhưng từ những dự án nghệ thuật cộng đồng đầu tiên được thực hiện, cộng đồng dần cảm thấy tin tưởng, để rồi khu vực này tiếp tục có thêm sự ủng hộ của nhiều phía, đặc biệt là của chính quyền và người dân thành phố. Và cho đến giờ, một đoạn sông Hồng tại khu vực gần cầu Chương Dương đã được nhắc đến với những sáng tạo nghệ thuật rất riêng, mang đậm bản sắc Việt Nam, thay vì phải đi theo một mô hình nào khác trên thế giới.
Trả lời câu hỏi có nên nhân rộng mô hình không gian sáng tạo nghệ thuật kiểu như công viên Thống Nhất cho các công viên khác ở Hà Nội, KTS Nguyễn Thanh Tú cho rằng, chọn công viên nào để làm không gian sáng tạo cũng đều xứng đáng. Nhưng nếu đem so công viên Thống Nhất với công viên Cầu Giấy hay công viên Hòa Bình về tuổi đời, vị trí lẫn ý nghĩa thì câu chuyện sẽ rất khác nhau.
"Công viên Thống Nhất là một công viên rất đặc biệt. Cơ sở vật chất và những giá trị, tài nguyên mà nó có rõ ràng là dồi dào hơn các công viên khác. Ở góc độ khác, công viên này còn gắn với lịch sử của Hà Nội. Đó là sản phẩm có sự đóng góp công sức của thế hệ trẻ vào thập niên 1960, khi họ đã cùng nhau cải tạo không gian đầm, hồ, bãi rác trở thành một công viên xanh cho Hà Nội" - KTS Nguyễn Thanh Tú nhấn mạnh - "Do vậy, khi đã chọn đầu tư cho vị trí này thì cần phải có cách làm bài bản, nghiêm túc và thật sự trân trọng những giá trị nó mang theo".
Với những công viên khác nói chung ở Việt Nam, theo KTS Nguyễn Thanh Tú không cần phải mở hàng rào, nếu bên trong các công viên này đã có đủ các không gian công cộng cần thiết. Vấn đề còn lại, chỉ là nguồn lực để chuyển những địa điểm ấy thành các không gian sáng tạo.
Riêng với trường hợp công viên Thống Nhất, theo KTS này, việc mở ra không gian sáng tạo tại đây có tính chất biểu tượng và mở ra một dấu mốc lịch sử cho thành phố. Điều này giống như việc Hà Nội đã chuyển không gian Hồ Hoàn Kiếm thành không gian phố đi bộ, từ đó dẫn đến việc nhiều không gian đi bộ khác nhau ra đời.
"Sáng tạo đôi khi chỉ cần là một tình huống gợi mở, một cơ sở vật chất hợp lý, một không gian có thể sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau để đem lại niềm vui cho mọi người" - KTS Nguyễn Thanh Tú.
Tags