(Thethaovanhoa.vn) - “Khoảng tháng 1/2014, Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam sẽ tiến hành hội thảo xử lý những website xâm phạm bản quyền thơ. Các cơ quan an ninh mạng, cơ quan công an và những nhà chức trách cũng sẽ vào cuộc cùng chúng tôi dẹp thị trường thơ miễn phí, trả lại quyền lợi chính đáng cho tác giả”.
Đó là một nội dung quan trọng mà nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Hiệp hội quyền sao chép Việt Nam, chia sẻ với Thethaovanhoa.vn bên lề hội thảo Quyền sao chép tác phẩm và vai trò quản lý tập thể, diễn ra sáng 13/12 tại Hà Nội.
Khó như thu tác quyền thơ
“Ở Việt Nam, sao chụp và sao chép số mà không xin phép hoặc không trả tiền thù lao cho người nắm giữ quyền đã trở thành thói quen của nhiều người, nhiều tổ chức. Mà chính những hành vi đó đã xâm phạm đến quyền tác giả. Đồng thời, chính người sáng tạo cũng không biết rõ quyền của mình” - bà Luyến nói. "Chính vì thế, Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam đã bắt tay vào việc thu tác quyền thơ online. Tuy nhiên, trong quá trình thu tác quyền thơ, hội cũng đã gặp rất nhiều khó khăn."
Bà Lam Luyến chia sẻ: “Hầu hết, các tác giả thơ đều có tâm lý thích được công bố tác phẩm và tên tuổi của mình trên mạng càng sớm càng tốt. Chính thế, họ tự "số hoá” tác phẩm của mình lên facebook, blog. Và họ coi lượt views là phần thưởng cho chính mình”.
“Thậm chí, nhiều tác giả khi đã uỷ quyền thơ cho hội chúng tôi, nhưng họ vẫn đưa tác phẩm của họ lên trên mạng. Điều đó khiến chúng tôi khó thực thi và bảo vệ quyền cho họ”, bà Luyến cho biết thêm.
Để tập hợp được sự uỷ quyền của người nắm giữ quyền, Hiệp hội Quyền sao chép đã tìm gặp các tác giả thơ. Rồi Hiệp hội phân tích cho họ hiểu về quyền của mình đối với “những đứa con tinh thần”.
Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến phát biểu tại Hội thảo Quyền sao chép tác phẩm và vai trò quản lý tập thể
"Sẽ gỡ bỏ thơ khỏi website vi phạm bản quyền thơ"
Theo bà Luyến, việc người nắm giữ quyền không uỷ quyền cho một tổ chức quản lý về quyền sao chép đã làm mất đi những quyền lợi mà họ đáng được hưởng. Thay vào đó, tác giả nên uỷ quyền cho hiệp hội, quyền của tác giả đó sẽ được bảo vệ, không bị xâm phạm trái phép. Hơn thế, họ còn được hưởng những quyền lợi cả về mặt vật chất lẫn tinh thần.
Để đảm bảo quyền lợi cho các tác giả thơ, bà Lam Luyến cho hay: “Sau khi hiệp hội thu được khoản tiền thù lao từ người sử dụng, chúng tôi sẽ tiến hành phân phối cho người nắm giữ quyền. Theo đó, 80% số tiền thù lao thu được sẽ trả cho các tác giả thơ”.
“Chúng tôi từng gửi công văn đến các chủ sở hữu các trang mạng vi phạm, tuy nhiên, công văn chúng tôi gửi đi nhiều khi chỉ rơi vào im lặng. Họ đều thoái thác trách nhiệm của mình và im lặng, làm ngơ” - bà Luyến cho biết.
Còn với những trang mạng quốc tế, bà Luyến cho biết thêm: “Đối với những website thuộc chủ sở hữu nước ngoài, việc xử lý khó khăn hơn nhiều. Nhưng, Hiệp hội chúng tôi cũng không thể làm lơ được. Chúng tôi sẽ phối hợp với Liên hiệp quốc tế các tổ chức quyền sao chép (IFRRO) cùng nhau xử lý, tôi tin chắc chắn sẽ thực hiện thành công”.