- Huyền thoại Toán học Việt Nam - TS. Lê Bá Khánh Trình: "Ngay cả con mình, tôi cũng không ép chúng phải thích Toán được"
- Thiên tài toán học có gia thế cực khủng nhưng vẫn bị đánh giá là có EQ thấp vì những phát ngôn "gây sốc" trên MXH
- Bộ ba Cam - Xoài - Đậu hiện tại: 1 nhóc tỳ đạt giải kỳ thi Olympic Toán học Quốc tế!
Ở tuổi 18, Đăng đã sở hữu chuỗi thành tích và trải nghiệm không phải học trò nào cũng có. Nhưng sẽ không phải ai cũng biết được hết những khó khăn mà cậu bạn này phải trải qua để đi được đến vị trí như ngày hôm nay.
Nếu nhắc đến một học sinh phủ sóng dày đặc khắp các phương tiện truyền thông trong năm 2022, Ngô Quý Đăng là cái tên bạn không thể bỏ qua. Bởi lẽ ở 18 tuổi, Đăng đã đạt được Huy chương Vàng thứ hai tại kỳ thi Olympic Toán học Quốc tế (IMO). Chỉ khác với lần đầu tiên có được thành tích này năm lớp 10, năm 2022 Đăng giành Huy chương Vàng với điểm thi tuyệt đối 42/42 - thành tích mà phải 20 năm rồi Việt Nam mới lại đoạt được.
"Thành công" là từ mà nhiều người dành tặng Đăng khi nói về một năm 2022 của cậu bạn. Tuy nhiên, khi nhìn lại cả một hành trình dài, "siêu nhân" Toán học này nghĩ gì về một năm đã qua?
Gặp gỡ Đăng ở ngoài, chúng tôi bất ngờ vì cậu bạn khác xa hình tượng học sinh giỏi trong suy nghĩ của nhiều người. Nếu bạn vẫn đang hình dung về hình ảnh "học bá" này là một người lạnh lùng, điềm tĩnh thì đã nhầm to. Cách Đăng nói, cách Đăng chia sẻ khiến ai cũng có cảm giác cạnh bên là một cậu bạn thông minh nhưng cũng rất khiêm tốn, hài hước và… thẳng thắn.
"Đâu ai có thể đạt được thành công mãi chỉ nhờ may mắn?"
Chào Đăng. Ba từ miêu tả chính xác nhất về năm 2022 của bạn là?
Chăm chỉ, may mắn và thành công. "Chăm chỉ" là từ mình tự thưởng cho bản thân, vì đâu ai có thể đạt được thành công mãi chỉ nhờ may mắn?
18 tuổi, bạn đã có trong tay nhiều giải thưởng lớn, được gọi với những danh xưng mỹ miều như "thần đồng", "cậu bé vàng của làng Toán học", đó có phải là một cảm giác rất ngầu không?
Về loạt danh xưng được truyền thông đặt, bạn bè xung quanh không ai gọi mình như thế cả. Nếu có ai đó gọi mình là "thần đồng", mình còn thấy ngượng. Tất nhiên, đôi khi nghĩ lại những thành tích đạt được, mình cũng được tiếp thêm động lực và cảm hứng để học tập. Nhưng mình luôn hạn chế khoe thành tích, vì khoe nhiều thành ra… nhàm.
Vả lại thành tích đạt được chỉ có giá trị thời điểm. Khi mới đạt được giải thưởng mới, mình sẽ thấy"Ừ nó ngầu phết", và cũng thấy vui khi được mọi người chúc mừng. Nhưng cảm giác tự hào và hạnh phúc sẽ nhanh chóng biến mất. Sau đó mình sẽ tự nhủ, trong tương lai, bản thân càng phải cố gắng nhiều hơn.
Người luôn đạt thành tích cao như Đăng có từng gặp phải thất bại nào lớn không?
Năm lớp 10, mình từng đạt Huy chương Vàng ở kỳ thi Olympic Toán học quốc tế. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam có học sinh lớp 10 đạt được thành tích như vậy ở đấu trường này.
Đến lớp 11, mình lại trượt đội tuyển đi thi IMO và đó là một cú sốc lớn. Tất nhiên, mình hiểu đó là một phần của cuộc chơi thôi. Mình sẽ không bao giờ nghĩ do mình "đen", thay vào đó mình sẽ nói là Việt Nam đã tìm được 6 bạn thí sinh xuất sắc hơn. Lúc đấy mình đã khóc cả chiều sau khi thi. Nói thật, dù sao đâu phải vì mình có một cái Huy chương Vàng là muốn dừng lại. Tham vọng mình có, động lực cũng có luôn.
Trở lại với cuộc thi Olympic Toán học Quốc tế năm lớp 12, áp lực của mình cao hơn rất nhiều. Bởi vì thành công mình đã biết, thất bại mình cũng từng nếm trải. Tất nhiên, giờ nhìn lại 2022 mình sẽ thấy mọi thứ quá mỹ mãn, nhưng ở thời điểm đó, có những lúc mình run lắm.
Và bạn đối diện với thất bại đó như thế nào?
Như mình đã nói, sau cuộc thi mình khóc cả chiều. Nghe có vẻ trẻ con nhưng lúc ấy giữ hình ảnh làm gì, thua thì cũng thua rồi. Sau đó, mình phải gồng gắng bản thân đi tiếp, vì dù sao mình cũng có mục tiêu phấn đấu. Đó là niềm đam mê với Toán học, đã theo mình từ khi còn nhỏ, thậm chí cả trước khi mình biết đến kỳ thi này. May mắn là khi mình quay lại, mình nhận được nhiều lời động viên từ các thầy, các bạn. Đặc biệt là bố mẹ, họ đã "thuyết phục" được mình quên đi thất bại và không bỏ cuộc.
Một điều nữa là do năm trước mình đã đạt Huy chương Vàng, do đó khi trượt đội tuyển năm lớp 11, mình thực sự muốn bản thân nỗ lực cho cơ hội cuối để chứng tỏ thành tích có được không phải do may mắn. Và năm lớp 12 mình đã làm được.
Người ta thường nói, việc học trong đội tuyển quốc gia và thi Olympic Toán học quốc tế thường áp lực lắm. Thực tế với Đăng thì như thế nào?
Mình nghĩ, không có cái gì là học cho vui. Một khi đã học thì phải có mục tiêu. Theo mình, học cái gì cũng sẽ có áp lực riêng. Học đội tuyển áp lực, vậy không học đội tuyển có áp lực không? Có chứ, làm gì có chuyện ôn thi Đại học dễ dàng được.
Ngoài ra, trong quá trình học đội tuyển, bọn mình cũng sẽ có một số "đặc quyền" hơn như tạm thời chỉ cần chú tâm vào môn học đi thi. Những môn khác có thể tạm gác lại hoàn thiện sau. Vì thế, mình có nhiều thời gian để chỉ tập chung cho môn Toán. Hơn cả, ở đội tuyển, mình còn gặp được những bạn đồng hành cùng chí hướng.
"Tuổi trẻ cứ mạnh dạn mà đánh đổi, sai thì còn làm lại được"
Bằng tuổi bạn, những người khác vẫn hồn nhiên, chỉ có học và chơi, thế nhưng bạn đã đạt được nhiều giải thưởng, chinh chiến ở cuộc thi Toán quốc tế. Đăng nghĩ mình có phải "đánh đổi" gì không?
Có chứ. Nhưng mình nghĩ các bạn khác cũng có những mục tiêu riêng và ai cũng phải đánh đổi một cái gì đó để đạt được mục đích của bản thân. Và "đánh đổi" không hẳn là từ chỉ có nghĩa tiêu cực.
Khi học đội tuyển Toán, mình sẽ không có nhiều thời gian tìm hiểu các môn khác, chẳng hạn như Lý, Hoá... So với nhiều bạn, mình có thể phải học nhiều, ít thời gian để chơi hơn. Nhưng mình thấy điều này xứng đáng. Tuổi trẻ cứ mạnh dạn mà đánh đổi, sai thì còn làm lại được. Đối với người khác, có thể họ thấy hành động của mình là không đáng, nhưng miễn mình thấy việc đó đúng thì cứ làm thôi.
Nếu không gắn bó với sự nghiệp nghiên cứu Toán học, Đăng nghĩ mình sẽ làm gì?
Tin học là một mảnh đất màu mỡ, sân chơi thú vị cho những người trẻ đủ tài năng. Mình thấy giờ có nhiều ngành nghề cần dùng đến Tin học, có cơ hội làm việc trong các tập đoàn lớn hay startup. Đó cũng là lý do mình đang tiếp cận và tìm hiểu thêm về Tin học. Tin học giúp mình có nhiều ứng dụng sau này, kể cả trong hướng đi nghiên cứu Toán của bản thân. Mình muốn Tin học sẽ là người bạn đồng hành giúp mình trong việc kiểm tra kết quả Toán, hoặc chạy thử những trường hợp của Toán mà mình không thể làm bằng tay.
Dự định của bạn trong năm 2023 là?
Mình vẫn còn một kỳ học tại trường ĐH Khoa học Tự nhiên trước khi sang Pháp du học. Trong thời gian còn ở Việt Nam, mình sẽ cố gắng học Toán cao cấp thật tốt để có nền tảng vững chắc giúp mình thuận lợi tiếp tục nghiên cứu Toán khi đi du học. Bên cạnh đó, mình cũng phải cấp tốc học tiếng Pháp để có thể vượt qua rào cản ngôn ngữ.
Tại sao bạn lại chọn Pháp làm điểm đến mà không phải bất kỳ quốc gia nào khác?
Mình đã đạt được học bổng toàn phần tại trường École normale supérieure Paris (trường Sư phạm Paris) ở Pháp. Đây là ngôi trường mà nhiều giáo sư Việt Nam đã chọn làm việc và từng theo học, trong đó có GS. Ngô Bảo Châu.
Được tiếp bước con đường của những giáo sư thành công là niềm mơ ước của mình. Ngoài ra, mình cũng đã tìm hiểu và thấy hệ đào tạo, chương trình học của trường phù hợp với định hướng của bản thân. Pháp còn là cái nôi tốt của những ngành khoa học cơ bản.
Một lý do nữa là học bổng của trường cũng có chương trình dành riêng cho những bạn đạt Huy chương Vàng và Bạc ở trong kỳ thi IMO. Mặc dù "đầu vào” của trường cũng rất cạnh tranh vì có nhiều thí sinh đủ điều kiện muốn học ở đây. Tuy nhiên, con đường mình apply học bổng vào trường thuận lợi hơn vì mình chỉ cần chứng tỏ bản thân ở lĩnh vực Toán, không cần viết luận. Ngoài Toán và Tin học, mình tự thấy về mặt xã hội bản thân không có gì quá nổi trội, viết luận sẽ không có nhiều lợi thế so với các bạn khác.
Sau khi đi du học, bạn có dự định quay về học tập và làm việc tại Việt Nam?
Mình nghĩ là có. Ngành Toán học Việt Nam có tốc độ phát triển rất nhanh, là cơ hội nghề nghiệp rộng mở cho những du học sinh như mình về nước làm việc.
Hơn nữa, sau đại dịch Covid-19, có một xu hướng đang trở nên phổ biến đó là hình thức làm việc trực tuyến. Do đó, dù sinh sống ở đâu, mình vẫn có thể kết nối được với các giáo sư hàng đầu trên thế giới.
Tuy nhiên, quyết định về nước của mình còn nằm ở tương lai, khi mình thật sự đã học tập và nghiên cứu đủ để có thể đóng góp được một điều gì đó.
Cảm ơn Đăng vì cuộc trò chuyện thú vị này!