Nhằm không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, những năm qua, các đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn Thủ đô đã dành nhiều nguồn lực đầu tư, đổi mới đoàn phương tiện. Đó cũng là nỗ lực góp phần xây dựng Thủ đô ngày một thêm xanh, thân thiện với môi trường.
Nỗ lực đổi mới đoàn phương tiện
Nhằm không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, từng bước hợp lý hóa đoàn phương tiện, đầu tháng 11-2022, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) đã tiến hành thay thế hàng loạt phương tiện mới trên các tuyến buýt số 06E (Bến xe Giáp Bát - Phú Túc), tuyến số 95 (Nam Thăng Long - Xuân Hòa), tuyến số 110 (Bến xe Sơn Tây - Vườn quốc gia Ba Vì - Đá Chông).
Tổng Giám đốc Transerco Nguyễn Thanh Nam cho biết, việc thay thế phương tiện mới hoạt động trên các tuyến buýt đều nằm trong kế hoạch thay mới đoàn phương tiện của Tổng Công ty để ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân. Tính từ năm 2016 đến nay, Tổng Công ty đã tập trung đầu tư gần 600 xe buýt mới tiêu chuẩn khí thải Euro 3 và Euro 4 để thay thế các phương tiện cũ. Số phương tiện dưới 5 tuổi hiện có khoảng 800 xe - chiếm trên 73% tổng số phương tiện.
Không chỉ nỗ lực đầu tư đổi mới đoàn phương tiện, công tác bảo dưỡng, sửa chữa các phương tiện hiện có cũng được các đơn vị trong Transerco quan tâm. Mọi công đoạn bảo dưỡng, sửa chữa của các xí nghiệp trực thuộc đều phải tuân thủ theo quy trình chuẩn ISO của Tổng Công ty và được quản lý bằng hệ thống phần mềm chuyên dụng. Bất kỳ sự hư hỏng nào dù là nhỏ nhất cũng phải được kịp thời phát hiện, khắc phục nhằm bảo đảm an toàn trước khi xe ra tuyến.
Không nằm ngoài “cuộc chơi”, Công ty TNHH Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến là đơn vị đi đầu trong sử dụng phương tiện buýt chạy bằng khí thiên nhiên CNG với việc đầu tư mới 139 xe buýt mới sử dụng loại nhiên liệu này trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2022. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến cho biết, CNG là nhiên liệu không giải phóng nhiều khí độc và hầu như không phát sinh bụi. Xe buýt chạy bằng khí CNG sẽ góp phần giảm ô nhiễm môi trường và tiết kiệm được 30% nhiên liệu so với xe buýt chạy bằng dầu diesel.
Mặc dù mới tham gia vào hoạt động vận tải hành khách công cộng Thủ đô, Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái VinBus (thuộc Tập đoàn Vingroup) đã ghi đậm dấu ấn bằng việc mở 9 tuyến xe buýt điện. Đây là loại hình xe buýt điện lần đầu tiên được đưa vào hoạt động tại Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung với rất nhiều ưu điểm: Thân thiện với môi trường, sử dụng nguồn nhiên liệu sạch, không gây tiếng ồn, và đặc biệt là không phát thải gây ô nhiễm môi trường.
Theo báo cáo của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội, trong cơ cấu đoàn phương tiện xe buýt có trợ giá hiện nay của thành phố, hiện số xe buýt sử dụng năng lượng xanh là 220 xe (chiếm 11%), trong đó, xe buýt điện là 81 xe, xe buýt CNG là 139 xe; xe buýt sử dụng dầu diesel là 1.746 xe (chiếm 89%). Tính theo tiêu chuẩn khí thải thì số xe buýt đạt tiêu chuẩn khí thải từ Euro 4 trở lên là 1.053 xe (chiếm 53,6%), còn lại xe theo tiêu chuẩn khí thải từ Euro 3. Việc liên tục đầu tư đổi mới đoàn phương tiện đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, thu hút ngày càng nhiều người dân sử dụng dịch vụ. Thống kê cho thấy, hiện vận tải hành khách công cộng (gồm xe buýt và đường sắt đô thị) đã đáp ứng 17,8% nhu cầu đi lại của người dân Thủ đô.
Xây dựng lộ trình chuyển đổi phù hợp
Theo lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh tại Quyết định số 876/QĐ-TTg ban hành ngày 22-7-2022 của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Từ năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%. Đến năm 2050, 100% xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh.
Là đơn vị chủ lực của thành phố trong lĩnh vực xe buýt với số lượng đoàn phương tiện chiếm đa số, Transerco dự kiến tổng số phương tiện đủ điều kiện đưa vào lộ trình xem xét chuyển sang xe buýt điện từ năm 2025 là 225 xe, chiếm 21,3% đoàn phương tiện hiện có. Các phương tiện vẫn còn niên hạn sử dụng, từ năm 2025 sẽ được thay thế dần trong 2 - 4 năm kể từ khi đấu thầu lại.
Theo kế hoạch chuyển đổi dần từ buýt chạy diesel sang buýt điện, Transerco đang rà soát thời hạn tính khấu hao phương tiện để xác định đơn giá khấu hao phương tiện theo Quyết định số 1494/QĐ-UBND (ban hành ngày 1-3-2017) của UBND thành phố Hà Nội (quy định về định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố), bảo đảm thời gian thu hồi đủ vốn đầu tư phương tiện, sau đó sẽ dần thay thế sang xe buýt điện đối với các tuyến buýt đang vận hành.
Căn cứ kế hoạch lộ trình chuyển sang sử dụng xe buýt điện, năng lượng xanh, Transerco đề xuất UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo xây dựng lộ trình triển khai xe buýt điện để các doanh nghiệp vận hành xây dựng phương án chuẩn bị; nghiên cứu điều chỉnh chỉ tiêu kỹ thuật vận hành phù hợp với đặc điểm kỹ thuật của xe buýt điện và điều chỉnh định mức năng suất với xe buýt điện không quá 250 km/xe/ngày.
Transerco cũng đề nghị Sở Giao thông Vận tải báo cáo, đề xuất UBND thành phố Hà Nội xem xét cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cụ thể là bố trí ngân sách hỗ trợ cho xe buýt công cộng và ban hành chính sách hỗ trợ vay vốn, lãi vay đầu tư xe buýt điện, hạ tầng phục vụ xe buýt điện; chỉ đạo các công ty điện lực hỗ trợ phương án cung cấp nguồn điện công suất lớn vận hành các trạm nạp xe điện tại Depot, nhất là các điểm khẩn cấp trên đường.
Thực hiện lộ trình chuyển đổi, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội đã báo cáo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội về kết quả rà soát số lượng phương tiện và đề xuất kế hoạch chuyển đổi.
Theo ông Thái Hồ Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội, đối với các tuyến buýt đặt hàng (xe buýt điện và buýt nhanh BRT), đến năm 2027 sẽ thực hiện thay mới 35 xe buýt nhanh BRT đang sử dụng dầu diesel sang BRT sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh (do thời gian hoạt động trên 10 năm).
Đối với các tuyến buýt đấu thầu, giai đoạn 2023 - 2024, các phương tiện hoạt động từ 10 năm trở xuống tiếp tục được phép sử dụng. Các phương tiện đã sử dụng trên 10 năm được phép thay mới bằng phương tiện sử dụng nhiên liệu diesel (tuy nhiên vẫn khuyến khích thay mới bằng phương tiện sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh). Dự kiến năm 2023 thay 123 xe đối với 11 tuyến; năm 2024 thay 121 xe đối với 13 tuyến.
Giai đoạn 2025 - 2035, các phương tiện hoạt động trên 10 năm phải thay mới bằng phương tiện sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh. Tổng số 1.711 xe buýt sử dụng dầu diesel sẽ lần lượt được chuyển đổi trong giai đoạn này.
“Để triển khai theo đúng lộ trình chuyển đổi phương tiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Trung tâm kiến nghị Sở Giao thông Vận tải xem xét báo cáo UBND thành phố Hà Nội bố trí đủ nguồn ngân sách trợ giá bảo đảm ổn định hằng năm cho mạng lưới xe buýt chuyển đổi dần sang xe buýt điện, xe buýt sử dụng năng lượng xanh nhằm ổn định chất lượng dịch vụ mạng lưới vận tải hành khách Thủ đô; có chính sách hỗ trợ vay vốn và lãi vay đầu tư xe buýt điện, xe buýt năng lượng xanh để phục vụ công tác chuyển đổi; chỉ đạo Sở Công Thương có kế hoạch đầu tư, lắp đặt các trạm sạc điện, trạm tiếp nhiên liệu (khí CNG) tại các cây xăng để phục vụ việc tiếp năng lượng đối với các xe buýt điện, xe buýt CNG” - ông Thái Hồ Phương kiến nghị.