Ngành khát nhân lực, thu nhập ấn tượng
Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, 9 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường đạt 177.303 tỷ đồng, tăng trưởng 16,9% so với cùng kỳ năm 2021. Thậm chí trong nửa đầu năm 2021, trong khi nhiều ngành nghề phải vật lộn trong đại dịch, doanh số của ngành bảo hiểm vẫn tăng trưởng so với thời điểm trước đó.
Cuối năm 2022, Talentnet-Mercer đã công bố báo cáo khảo sát lương thưởng của 483.000 người lao động trên khắp Việt Nam đến từ hơn 600 công ty khác nhau cùng hơn 3.300 vị trí. Theo đó báo cáo đã chỉ ra top 3 ngành có mức độ tăng lương cao nhất, trong đó ngành bảo hiểm đứng ở vị trí thứ 2, chỉ cách biệt rất nhỏ so với mức tăng lương của ngành công nghệ (8,2%<8,88%).
Không chỉ có tốc độ tăng cao, báo cáo "Xu hướng lương thưởng 2023" do ManPowerGroup-công ty chuyên nghiên cứu về thị trường lao động và tuyển dụng còn cho thấy, các lao động trung và cao cấp của khối ngành bảo hiểm có mức lương cao hàng đầu trong 12 ngành được khảo sát.
Theo đó, các nhân sự tầm trung đến cao có kinh nghiệm dưới 5 năm sẽ có mức lương từ 45-240 triệu đồng/tháng; nếu trên 5 năm con số này là 60-450 triệu đồng/tháng. Trong đó vị trí thẩm định bảo hiểm có thể được trả mức lương lên đến 450 triệu đồng/tháng.
Ảnh minh hoạ
Thực tế, theo Nhịp sống thị trường, tính đến cuối năm 2022, công ty bảo hiểm Manulife đã chi tới 1.133 tỷ đồng nhằm trả lương cho 1.153 nhân viên, tức bình quân mỗi người sẽ nhận được 1 tỷ đồng/năm. Dù đã rất khủng nhưng đó mới chỉ là phần lương. Nhân viên của Manulife còn nhận được hoa hồng khi bán được các hợp đồng bảo hiểm.
Với mức lương này ước tính mỗi nhân viên tại Manulife đã nộp 292 triệu đồng thuế thu nhập cá nhân, tương đương 24 triệu đồng/tháng - cao hơn tổng thu nhập của rất nhiều ngành nghề hot. Tất nhiên mức nộp thuế sẽ có chênh lệch rất lớn giữa những người có thu nhập ở mức trung bình 20-30 triệu đồng/tháng hay những người thu nhập ở top đầu.
Dẫu lương cao và là ngành có tốc độ tăng trưởng hai chữ số nhưng trong thời điểm bùng nổ dịch Covid-19, song bảo hiểm vẫn đang thiếu hụt nhân sự chuyên môn. Trong năm 2022, kết quả đánh giá uy tín của các công ty bảo hiểm do Vietnam Report-VNR công bố cho thấy công ty thuộc lĩnh vực này đang gặp khó trong việc thu hút nguồn nhân lực. Đáng chú ý, tỷ lệ nhân sự tốt nghiệp từ chuyên ngành bảo hiểm dưới 10% diễn ra khá phổ biến, được ghi nhận tại 40% doanh nghiệp.
Học ngành bảo hiểm ở đâu?
Ngành Bảo hiểm (tiếng Anh là Insurance) ra đời trong nền kinh tế hội nhập, giúp con người có được một sự đảm bảo an toàn nhất về mặt tài chính và tinh thần trong cuộc sống cũng như trong sản xuất kinh doanh, bởi vì ở bất cứ nơi đâu và trong hoàn cảnh nào con người cũng dễ gặp phải những rủi ro trong cuộc sống và công việc.
Ngành Bảo hiểm giúp thực hiện những chính sách vĩ mô về ổn định kinh tế, khả năng kiềm chế lạm phát, giúp cân đối nền kinh tế trong thời đại hội nhập; góp phần to lớn trong việc bổ sung nguồn vốn đầu tư dài hạn và giúp tiết kiệm được các chi phí về đầu tư.
Hiện nay, Việt Nam có 3 trường đại học đào tạo chuyên ngành này, gồm Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Lao động - Xã hội (cơ sở Hà Nội), Đại học Kinh tế TP.HCM. Năm 2022, Đại học Kinh tế Quốc dân xét tuyển chuyên ngành này với mức điểm 26,4, Đại học Kinh tế TP.HCM có điểm tuyển sinh là 24,8 điểm, Đại học Lao động - Xã hội (Cơ sở Hà Nội) là 21,15 điểm.
Với mức điểm này, trung bình mỗi môn từ hơn 7-8,8 điểm là thí sinh có thể theo đuổi chuyên ngành bảo hiểm.
Chương trình ngành Bảo hiểm cung cấp cho sinh viên kiến thức về lĩnh vực bảo hiểm thương mại gồm các kiến thức chuyên ngành, các nghiệp vụ bảo hiểm, pháp luật, quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm, tài chính và kế toán, thương mại trong kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, tái bảo hiểm. Bên cạnh đó, sinh viên cũng được tìm hiểu chuyên sâu về kỹ năng thực hiện đàm phán, thiết lập và quản lý hợp đồng bảo hiểm, định phí bảo hiểm, giám định và giải quyết quyền lợi bảo hiểm, quản lý quỹ đầu tư, lập báo cáo tài chính, phân tích tài chính trong doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.
Ảnh minh hoạ
Nhiều người thường nghĩ rằng học ngành này chỉ làm môi giới bảo hiểm. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc ở những vị trí sau:
- Nhà nghiên cứu Bảo hiểm
- Cán bộ quản lý tài chính của công ty Bảo hiểm
- Cán bộ định phí
- Cán bộ đàm phán và kí kết hợp đồng
- Cán bộ phân tích, đánh giá rủi ro
- Cán bộ giám định, bồi thường thiệt hại
- Cán bộ quản lý danh mục đầu tư
- Cán bộ nhà nước về bảo hiểm
- Cán bộ phát triển bảo hiểm
Tags