Dạy dỗ người trẻ

Chủ nhật, 10/01/2016 06:32 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Năm 2016, Việt Nam bước sang năm thứ 9 trong thời kỳ dân số vàng. Theo dự báo, thời kỳ này ở Việt Nam có thể kéo dài trong 35 năm. Dân số vàng hiểu theo nghĩa đơn giản nhất là cơ cấu dân số có số người lao động lớn hơn số người phụ thuộc.

Song, càng ngày, chúng ta càng thấy dân số vàng trở thành sức ép với xã hội chứ không phải tiềm lực. Con số 199.400 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp trở thành nỗi ám ảnh tới toàn xã hội.

Bên cạnh vấn đề của yếu tố chính sách mang tính tầm nhìn, định hướng, chất lượng giáo dục (tạm gọi là những nhân tố cứng) còn là cách ứng xử với dân số vàng, cách điều tiết các mối quan hệ trong xã hội nhiều người trẻ, cách trao truyền các giá trị giữa các thế hệ mà người trẻ khát khao thể hiện đang chiếm tỷ lệ cao.


Dân số đông cũng trở thành sức ép với xã hội

Vô vàn ví dụ, một chủ tịch công ty truyền thông đăng đàn kêu gọi: Hãy xuống đi hỡi những bạn trẻ đang ngồi “trên nóc tủ”. Theo đó, vị chủ tịch công ty này khuyên răn người trẻ với tư cách nhà tuyển dụng. Ông cho rằng, người trẻ không nên quá ngây thơ và viển vông về giá trị bản thân. Ông “cảnh tỉnh” người trẻ “hãy theo đuổi đam mê, nợ nần sẽ theo đuổi bạn”.

Chưa bàn tới tính đúng- sai của những lời khuyên, chỉ riêng cách trao truyền kinh nghiệm của vị chủ tịch công ty truyền thông này dường như đã thất bại. Đó không phải là những lời đóng góp xây dựng, nói để người ta nghe.

Nhưng câu chữ nặng nề khiến người đọc có cảm giác như những lời tấn công để giải tỏa những bức bối cá nhân. Và, không lạ khi sau bài viết, người trẻ nổi giận phản ứng gay gắt tạo ra những cuộc tranh luận không đầu không cuối cốt để chứng minh mình đúng (chứ không phải cùng tìm đường tạo sức mạnh chung).

Ví dụ khác, trong lễ hội Count Down trong đêm giao thừa tại quảng trường trước Nhà hát Lớn Hà Nội vừa rồi, nhiều người trẻ đã bị ngất trong đám đông ngột ngạt. Phản ứng liền sau đó của “người lớn” là buông những lời nhận xét không mấy hay ho về ý thức người trẻ.

Trong khi đó, nhu cầu đi chơi của người trẻ là chính đáng; việc nâng ly trong một lễ hội giải trí cũng không đáng quan ngại. Vậy thảm cảnh này là do đâu? Nhìn vào những quảng trường bé xíu hiện thời cùng cơ cấu, số lượng dân số ở Thủ đô, thì đổ những oán thán lên người trẻ có lẽ là thiếu công bằng!

Những cách hành xử trên không phải là cách hành xử “người lớn”. Họ không lắng nghe người trẻ, nhìn người trẻ như những tháng ngày mình đã qua. Họ không dùng kinh nghiệm sống của mình để đưa cho người trẻ thêm sự lựa chọn mà họ chỉ muốn người trẻ vo tròn lại giống mình, trong hệ thống của lớp người đã qua. Và, dân số vàng cứ thế già nua dần cùng câu hỏi nhức nhối: Khi nào chúng ta thăng hoa?

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›