Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa được xem như một khâu đột phá trong phát triển văn hóa, con người Việt Nam, giúp chúng ta phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người, nhằm thực hiện khát vọng phát triển Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, "soi đường cho quốc dân đi" trong sự nghiệp đổi mới hiện nay.
Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp văn hoá
Nói về công nghiệp văn hóa là đề cập đến các ngành công nghiệp sản xuất ra các sản phẩm mang tính nghệ thuật và sáng tạo, có bản chất vật thể hoặc phi vật thể; thông qua khai thác những giá trị văn hóa cùng những sản phẩm và dịch vụ có tính trí tuệ, có ý nghĩa xã hội và văn hoá để thu về những nguồn lợi kinh tế.
Trên thế giới, phát triển công nghiệp văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ, là xu thế và dần trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia.
Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp văn hoá. Theo Phó Giáo sư, tiến sỹ Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, với chiều dài lịch sử phát triển cùng bản sắc văn hóa của 54 dân tộc anh em, Việt Nam thực sự là kho tàng văn hóa mà không phải quốc gia nào cũng có được. 54 anh em dân tộc sinh sống trên dải đất hình chữ S đã hình thành nên những nền văn hóa đặc sắc, phong phú. Bên cạnh những giá trị về văn hóa vật thể (các công trình kiến trúc nghệ thuật truyền thống), Việt Nam còn sở hữu vô số những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu (quan họ, ca trù, hát xoan, cải lương, tuồng, chèo…)… cùng một kho tàng vô giá về di tích, nghi lễ, lễ hội, trò chơi dân gian, thủ công truyền thống, dân ca, dân vũ, ẩm thực, phong tục tập quán, truyền thuyết, hình tượng anh hùng... Tất cả đều có thể trở thành chất liệu tuyệt vời cho sáng tạo, tạo ra những sản phẩm văn hoá nghệ thuật vừa tôn vinh văn hoá dân tộc, vừa tạo ra sự khác biệt, giá trị riêng cho các sản phẩm văn hoá nghệ thuật.
Về nguồn lực con người, Việt Nam đang trong giai đoạn "dân số vàng", tầng lớp trung lưu tăng nhanh. Dân số trung bình của Việt Nam năm 2023 đạt 100,3 triệu người. Đây là nguồn lực quan trọng - điều kiện thuận lợi cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa vừa với tư cách người sản xuất, vừa với tư cách người tiêu dùng các sản phẩm và dịch vụ của ngành công nghiệp văn hóa. Trong đó, bên cạnh đội ngũ trí thức, các văn nghệ sĩ, Việt Nam còn có đội ngũ nghệ nhân dân gian trong các lĩnh vực âm nhạc, hội họa, làm nghề truyền thống... Họ là những "báu vật sống" của đất nước trong việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, như du lịch, thủ công mỹ nghệ, âm nhạc...
Với những tiềm năng trên, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành và triển khai nhiều chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật để phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa. Điển hình như: Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 đề ra mục tiêu: "Xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam";
Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 18/6/2016 Phê duyệt "Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030", khẳng định: các ngành công nghiệp văn hóa là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. "Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" đã chỉ rõ 12 lĩnh vực của công nghiệp văn hóa Việt Nam, bao gồm: Quảng cáo; Kiến trúc; Phần mềm và các trò chơi giải trí; Thủ công mỹ nghệ; Thiết kế; Điện ảnh; Xuất bản; Thời trang; Nghệ thuật biểu diễn; Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Truyền hình và phát thanh; Du lịch văn hóa).
Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra nhiệm vụ: "Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hoá và dịch vụ văn hoá trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hoá Việt Nam"; tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu 6 nhiệm vụ lớn, trong đó có: "khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hoá, xây dựng thị trường văn hoá lành mạnh"…
Công nghiệp văn hoá đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội
Với tiềm năng sẵn có, cùng sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, thời gian qua các ngành công nghiệp văn hóa dần trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội.
Báo cáo tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (tháng 12/2023), Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, năm 2018, 12 lĩnh vực của ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3,61% GDP, năm 2019 ước đạt 6,02%. Năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, sụt giảm chỉ còn khoảng 4,32% và 3,92%. Đến năm 2022, các lĩnh vực đã bắt đầu phục hồi, ước đạt 4,04%.
Trong giai đoạn từ năm 2018-2022, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp ước đạt 1,059 triệu tỷ đồng (44 tỷ USD). Bình quân tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa đạt 7,21%/năm. Chỉ tính riêng năm 2022, thống kê có khoảng 70.321 cơ sở đang hoạt động có liên quan đến ngành công nghiệp văn hóa và bình quân lực lượng lao động thu hút khoảng 1,7 triệu đến 2,3 triệu người, tăng 7,44%/năm.
Sự xuất hiện của các trung tâm công nghiệp văn hóa, các thành phố sáng tạo đã và đang làm thay đổi cơ cấu vùng kinh tế. Các doanh nghiệp văn hóa, bao gồm cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Sự thay đổi này đã tạo nên các kết quả đáng ghi nhận ở cả 12 ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn 2018-2022. Cụ thể, đối với kiến trúc, giá trị gia tăng bình quân tăng 7,37%; đối với thiết kế, giá trị gia tăng của bình quân tăng 6,36%; đối với thời trang, giá trị gia tăng bình quân tăng 7,3%; đối với điện ảnh, giá trị gia tăng bình quân 7,94%...
Công nghiệp văn hoá còn có đóng góp tích cực vào công tác quảng bá hình ảnh, bản sắc và gia tăng sức hấp dẫn của sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam. Sự xuất hiện của 3 thành phố sáng tạo của Việt Nam (Hà Nội, Đà Lạt, Hội An) trên bản đồ các thành phố sáng tạo toàn cầu là một căn cứ vững vàng để Việt Nam có thể xác định mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo là trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa thu hút và hội tụ sự sáng tạo tại khu vực Đông Nam Á.
Trong các ngành công nghiệp văn hóa, du lịch là một trong những điểm sáng. Theo thống kê, tổng thu từ khách du lịch năm 2018 đạt 637 nghìn tỷ đồng; năm 2019 đạt 755 nghìn tỷ đồng. Giai đoạn 2020-2021 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tỷ lệ sụt giảm mạnh. Từ năm 2022, du lịch từng bước phục hồi với tổng thu từ khách du lịch năm 2022 đạt 495 nghìn tỷ đồng; năm 2023, đạt trên 678 nghìn tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2024 đạt trên 436 nghìn tỷ đồng... Đặc biệt, việc Việt Nam 4 lần được vinh danh là Điểm đến Di sản hàng đầu Thế giới tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới (năm 2019, 2020, 2022, 2023) cho thấy những giá trị nổi bật toàn cầu và sức hấp dẫn của du lịch văn hoá đối với cộng đồng quốc tế. Ngoài ra, sự phát triển của du lịch còn có tác động lan tỏa tới nhiều lĩnh vực như đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, qua đó góp phần cải thiện động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
Điện ảnh cũng là một lĩnh vực công nghiệp văn hóa có xu hướng phát triển nhanh. Theo thống kê, giai đoạn 2018-2022, giá trị sản xuất bình quân lĩnh vực điện ảnh tăng 8,03%/năm, giá trị gia tăng bình quân tăng 7,94%/năm, nguồn lực lao động bình quân tăng 8,05%/năm, số lượng cơ sở kinh tế hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh bình quân tăng 8,39%/năm. Năm 2023, doanh thu phòng vé Việt đạt 150 triệu USD (gần 3.700 tỷ đồng).
Ở lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, những năm gần đây, hàng thủ công mỹ nghệ luôn mang lại kim ngạch xuất khẩu hơn 1,7 tỷ USD/năm và được ví như "món quà nhỏ" mang hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Đến nay, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm gần 10% nhu cầu của thị trường toàn cầu. Theo thống kê của Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, cứ 1 triệu USD xuất khẩu của ngành hàng này mang lại lợi nhuận gấp từ 5-10 lần so với các ngành khác. Chưa kể các làng nghề thủ công mỹ nghệ trên cả nước đang tạo việc làm cho hàng triệu lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, cả nước hiện có 130 đơn vị hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp. Theo thống kê, trong giai đoạn 2018-2022, hoạt động sáng tác nghệ thuật có sự tăng trưởng (riêng giai đoạn 2021 có sụt giảm do tác động của dịch bệnh), giá trị sản xuất bình quân tăng 5,59%/năm, giá trị gia tăng của lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn bình quân tăng 5,67%/năm. Hiện nay, hoạt động nghệ thuật biểu diễn truyền thống và biểu diễn thực cảnh đang được khai thác hiệu quả để trở thành sản phẩm mũi nhọn phục vụ công chúng. Đây là những hoạt động cần tiếp tục đầu tư khuyến khích phát triển để tạo ra các giá trị nghệ thuật mới, các sản phẩm văn hóa có chất lượng cao hơn, có sức cạnh tranh, phổ biến ra thị trường khu vực và quốc tế.
Khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của các ngành công nghiệp văn hóa
Bên cạnh kết quả đạt được, ngành công nghiệp văn hóa nước ta vẫn còn những hạn chế và chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế. Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Việt Nam hiện còn thiếu cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp về thu hút nguồn vốn, phát triển nguồn lực để thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển toàn diện; Đầu tư tài chính cho công nghiệp văn hóa còn thấp, chưa có trọng tâm, trọng điểm, chưa tập trung phát triển các lĩnh vực có lợi thế nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực; Nguồn nhân lực trong các ngành công nghiệp văn hóa còn thiếu về số lượng và chất lượng; Nội dung, hình thức các sản phẩm, dịch vụ trong các ngành công nghiệp văn hóa chưa khai thác được hết các đặc trưng văn hoá bản địa, sự độc đáo, riêng có trong các sản phẩm, dịch vụ để nâng cao giá trị sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh, hấp dẫn khách hàng trong và ngoài nước…
Để công nghiệp văn hóa nước ta phát triển nhanh, bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, tại Hội nghị toàn quốc về "Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam", Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức, tư duy đến hành động; đổi mới tư duy, đột phá trong cách làm, xây dựng ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam "Sáng tạo - Bản sắc - Độc đáo - Chuyên nghiệp - Cạnh tranh", trên nền tảng văn hóa "Dân tộc - Khoa học - Đại chúng" của Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943.
Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng nhấn mạnh, tinh thần chung là các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, trọng tâm, trọng điểm hơn; chủ động, phối hợp chặt chẽ, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp văn hóa, khuyến khích mọi sự tìm tòi, tôn trọng tự do sáng tạo; chú trọng những ngành có nhiều tiềm năng, lợi thế (như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, phần mềm và các trò chơi giải trí), để đến năm 2030 giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp mới tăng cao được.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã đề xuất một số giải pháp để đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Theo đó, hoàn thiện khung khổ pháp lý để "khơi thông" nguồn lực thúc đẩy công nghiệp văn hoá phát triển, như: chính sách ưu đãi về vốn, khuyến khích sáng tạo đối với văn nghệ sĩ, các doanh nghiệp khởi nghiệp…; Vận dụng có hiệu quả các giá trị và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới thông qua hoạt động giao lưu, hợp tác, liên doanh, liên kết với các quốc gia có nền công nghiệp văn hoá phát triển, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…; tập trung xây dựng mạng lưới các doanh nghiệp sáng tạo, có thương hiệu, đủ sức cạnh tranh ở những lĩnh vực Việt Nam có tiềm năng, thế mạnh như phần mềm, thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn… tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa có chất lượng cao tham gia thị trường văn hóa trong nước và quốc tế. Đồng thời, chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực phát triển các ngành công nghiệp văn hoá…
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn khẳng định, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sẽ giúp Việt Nam tạo ra những sản phẩm - dịch vụ văn hóa có tính cạnh tranh cao, tạo thêm công ăn việc làm ổn định, đóng góp tích cực cho nền kinh tế. Đây cũng là chiến lược để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong bối cảnh chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự dồi dào của hàng hóa - dịch vụ văn hóa Việt Nam trên thị trường nội địa và quốc tế chính là sức mạnh mềm quan trọng của quốc gia, làm cho văn hóa thấm sâu vào đời sống người dân, cũng như mang văn hóa Việt Nam ra với thế giới, phát huy nội lực, quảng bá đất nước.
Tags