Đánh giá lại vai trò và tác động của danh hiệu UNESCO ở Việt Nam là 1 trong những nội dung quan trọng, đã được đề cập rất nhiều lần. Tại Hội nghị quốc tế Phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam vừa diễn ra tại tỉnh Ninh Bình, nội dung này cũng được đưa ra thảo luận.
1. Tính đến tháng 5/2023, Việt Nam đã có 57 danh hiệu UNESCO. Có thể nói, các danh hiệu UNESCO tại Việt Nam là tài sản lớn của quốc gia, luôn cần được gìn giữ và bảo tồn, đóng góp phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Đó là 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể, 9 di sản tư liệu cấp khu vực và thế giới, 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 3 công viên địa chất toàn cầu, 3 thành phố học tập toàn cầu, 1 thành phố sáng tạo, 1 thành phố hòa bình, 6 danh nhân quốc tế.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ VH, TT&DL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: "Các di sản văn hóa và thiên nhiên của Việt Nam được UNESCO ghi danh đã giúp khơi dậy niềm tự hào và khuyến khích mạnh mẽ các cộng đồng có di sản. Các cấp chính quyền địa phương, toàn xã hội đã tự nguyện và chủ động tham gia, đóng góp bảo vệ di sản, đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa của địa phương, tạo thêm động lực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội".
Thực tế, trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Những trường hợp điển hình có thể kể đến như Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long (Quảng Ninh); Hà Nội - Thành phố vì hòa bình; Quần thể di tích Tràng An (Ninh Bình); Quần thể di tích cố đô Huế; Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình); Khu phố cổ Hội An (Quảng Nam)...
Đáng nói, những danh hiệu này không chỉ là 1 trong những nhân tố trung tâm của chiến lược phát triển bền vững mà còn là trung tâm với lực hấp dẫn mạnh mẽ thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Điều này được minh chứng bằng những con số biết nói.
Cụ thể, năm 2019, khách du lịch tới tham quan các khu di sản ở Việt Nam tăng mạnh, đem lại nguồn thu lớn từ vé tham quan và dịch vụ du lịch, như: Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đã đón 4,4 triệu khách, trong đó, 2,9 triệu khách quốc tế, 1,5 triệu khách trong nước, doanh thu từ du lịch đạt 1.237 tỷ đồng. Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) đón 6,3 triệu khách, doanh thu từ du lịch đạt 867,5 tỷ đồng. Quần thể di tích cố đô Huế đón 3,3 triệu khách, trong đó khách quốc tế là 2,2 triệu người, doanh thu từ du lịch đạt 378 tỷ đồng...
Nhìn nhận những kết quả khả quan này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, cho rằng, các danh hiệu UNESCO là cấu thành quan trọng hình thành thương hiệu mỗi địa phương và đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội. Từ đó, để thấy văn hóa đã thực sự là nền tảng, giáo dục là động lực, khoa học công nghệ là mũi nhọn của sự phát triển bền vững.
2. Ở khía cạnh khác, tác động tích cực của những danh hiệu UNESCO còn cho thấy những kết quả trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO. Như Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá: "Trong suốt 47 năm kể từ khi chính thức là thành viên của UNESCO từ năm 1976, người Việt Nam đã phát huy tâm thế và mang nhận thức đó vào trong tất cả các hoạt động hợp tác với các đối tác, nhất là với UNESCO. Quan hệ Việt Nam - UNESCO là hình mẫu tốt về hợp tác hiệu quả. Ở đó Việt Nam - UNESCO là những người bạn cùng chí hướng, chung tầm nhìn và đều rất kiên trì, bền bỉ trong thực hiện các cam kết".
Trong khi đó, ông Firmin Edouard Matoko, trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về đối ngoại và ưu tiên châu Phi, đặc biệt nhấn mạnh, Việt Nam là hình mẫu hợp tác tích cực và hiệu quả với UNESCO.
"Việt Nam gia nhập UNESCO năm 1976, ngay sau khi thống nhất đất nước và 1 năm trước khi gia nhập Liên Hợp Quốc. Kể từ đó và trong suốt 47 năm qua, Việt Nam và UNESCO đã xây dựng mối quan hệ bền chặt dựa trên niềm tin chung về tầm quan trọng thiết yếu của giáo dục, khoa học và văn hóa, là động lực chính cho sự phát triển bền vững" - ông Firmin Edouard Matoko nói - "Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, Việt Nam đã dựa trên mô hình phát triển các khoản đầu tư rất đáng kể vào giáo dục, đồng thời, đưa ra những cam kết cụ thể để bảo vệ di sản như một trụ cột của bản sắc và sự gắn kết xã hội trong thời đại thay đổi này".
Cũng theo ông Firmin Edouard Matoko, "Việt Nam có gần 60 danh hiệu khác nhau của UNESCO, từ di sản thế giới, di sản văn hóa phi vật thể, ký ức thế giới, khu dự trữ sinh quyển, công viên địa chất cho đến các thành phố sáng tạo, thành phố hòa bình, thành phố học tập… Đây là quốc gia đi đầu về đầu tư vào việc bảo vệ và phát huy di sản và văn hóa".
Trong đó, một số địa phương đã được UNESCO đánh giá tốt trong việc trùng tu, bảo tồn như: Quần thể di tích cố đô Huế, Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), Hội An (Quảng Nam); cũng như có những tiến bộ trong công tác khảo cổ học, làm phát lộ ra nhiều di tích quan trọng tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), thành Nhà Hồ (Thanh Hóa), Khu di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam)….
Hoặc một số địa phương được đánh giá cao trong việc thúc đẩy mô hình phát triển xanh, sạch và bền vững thông qua các Công viên địa chất toàn cầu ở Cao Bằng, Hà Giang, Đắk Nông…; hay trong việc thúc đẩy vai trò của thanh niên trong quản lý và bảo vệ giá trị các khu dự trữ sinh quyển thế giới; đặc biệt là trong việc tận dụng các danh hiệu của chương trình Ký ức thế giới ở cấp độ thế giới và khu vực châu Á-Thái Bình Dương, các danh hiệu thành phố sáng tạo, thành phố học tập toàn cầu tại Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An, Lâm Đồng, TP.HCM, Đồng Nai, Đồng Tháp, Cà Mau, Kiên Giang và nhiều địa phương khác.
Từ những kết quả đáng tin cậy, ông Firmin Edouard Matoko cho rằng sự hợp tác thành công này đã góp phần đưa Việt Nam trở thành một quốc gia có bản sắc văn hóa mạnh mẽ, đa dạng và năng động. Điều này đặc biệt có ý nghĩa giúp Việt Nam tiếp tục tập trung nỗ lực bảo vệ bền vững các di sản, thúc đẩy du lịch sinh thái và phát triển nền kinh tế sáng tạo trong bối cảnh hiện nay.
3. Bên cạnh các thành tựu hay những câu chuyện thành công ở từng địa phương, thực tế công tác bảo tồn, phát huy ý nghĩa giá trị danh hiệu UNESCO vẫn còn nhiều bất cập.
Cụ thể như việc phát triển kinh tế nhiều lúc không khớp nhịp với việc bảo tồn và phát huy giá trị danh hiệu UNESCO. Nhận thức về di sản, bảo vệ môi trường, gắn việc bảo tồn di sản văn hóa với phát triển bền vững chưa thực sự thấm sâu vào hành động của các nhà quản lý, doanh nghiệp và người dân, lâu dài tiềm ẩn nhiều nguy cơ bởi các tác động tiêu cực từ thiên tai, biến đổi khí hậu luôn hiện hữu.
Việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản còn hạn chế…
Đơn cử như du lịch đã trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn ở Việt Nam và các địa phương sở hữu danh hiệu UNESCO đều là những điểm thu hút nhiều du khách. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của ngành du lịch cũng có thể đe dọa các giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn, tính xác thực của các di sản.
Trước thực tế này, đòi hỏi các địa phương sở hữu danh hiệu UNESCO phải thúc đẩy phát triển du lịch bền vững, cân bằng giữa lợi ích kinh tế với bảo tồn di sản và bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, hội nghị còn chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế, cũng như những giải pháp huy động sự tham gia của các đối tác, đặc biệt là người dân và doanh nghiệp, trong phát huy giá trị danh hiệu UNESCO nhằm mục đích phát triển bền vững.
"Việt Nam có gần 60 danh hiệu khác nhau của UNESCO… Đây là quốc gia đi đầu về đầu tư vào việc bảo vệ và phát huy di sản và văn hóa" - ông Firmin Edouard Matoko, Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO.
Tags