Để công nghiệp văn hóa Hà Nội "cất cánh" từ di sản văn hóa phi vật thể (kỳ 1): Khi những di tích "kể chuyện"

Thứ Ba, 26/11/2024 07:13 GMT+7

Google News

Chúng ta đều biết, ẩn chứa trong những di sản văn hóa vật thể là tầng tầng, lớp lớp giá trị văn hóa phi vật thể. Đó có thể là những câu chuyện gắn với di tích, là những ký ức, hoài niệm gắn với một công trình kiến trúc cũ lâu năm. Nhưng dường như, không phải câu chuyện nào trong số đó cũng đã được khai thác hiệu quả.

Quan điểm này đã được đưa ra thảo luận tại hội thảo Xây dựng mô hình, sản phẩm công nghiệp văn hóa từ nguồn lực di sản văn hóa phi vật thể ở Thủ đô Hà Nội, do Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức ít ngày trước tại Hội trường Ngụy Như Kon Tum (số 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội). Đây cũng là dịp đúc kết kinh nghiệm khai thác tiềm lực di sản văn hóa phi vật thể trong phát triển công nghiệp văn hóa tại Thủ đô.

Từ "phần xác" đến "phần hồn"

"Hà Nội có bề dày cả về di sản văn hóa vật thể lẫn di sản văn hóa phi vật thể" - GS-TS Từ Thị Loan (Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia) nhận định. Như phân tích, đây chính là tiềm năng lớn để phát triển công nghiệp văn hóa tại Thủ đô. Song, theo bà Loan, các kiến trúc, di tích lịch sử, văn hóa, nghệ thuật chỉ là bề nổi, là "phần xác". Còn những câu chuyện gắn với những di tích đó, hay những di sản văn hóa phi vật thể nằm trong di sản văn hóa vật thể, mới là "phần hồn". Và, phần hồn này luôn tạo nên sức hấp dẫn cho hoạt động du lịch.

Để công nghiệp văn hóa Hà Nội "cất cánh" từ di sản văn hóa phi vật thể (kỳ 1): Khi những di tích "kể chuyện" - Ảnh 1.

Các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: TKST

Nhìn về trường hợp của Di tích Nhà tù Hỏa Lò, bà Loan đánh giá cao về việc di tích này đã biết cách khai thác có hiệu quả câu chuyện của mình. Cụ thể, đó là những trang sử về khí tiết và sự anh dũng của những người tù chính trị trong thời gian bị địch giam cầm, được kể qua nhiều cuộc trưng bày, triển lãm các hiện vật, qua các tour đêm...

Đồng thời, những tri thức dân gian gắn với cây bàng trong sân nhà tù - như sử dụng cành bàng làm đồ dùng cá nhân, quả bàng, lá bàng làm thuốc - cũng được tái hiện bằng hình ảnh sinh động tại các triển lãm ở đây. Theo thời gian, những tri thức dân gian ấy hiện có sự chuyển biến, phù hợp với nhu cầu trải nghiệm của du khách, từ đó được triển khai làm ra những món đồ lưu niệm - thậm chí là những món ngon như bánh lá bàng, trà sữa thạch lá bàn - để bán cho du khách.

Để công nghiệp văn hóa Hà Nội "cất cánh" từ di sản văn hóa phi vật thể (kỳ 1): Khi những di tích "kể chuyện" - Ảnh 2.

Những món ăn làm từ cây bàng được đội ngũ Di tích Nhà tù Hỏa Lò sáng tạo. Ảnh: TL

Đình Đồng Lạc và "dải yếm đào"

Ở một ví dụ khác, theo ghi nhận của GS-TS Phạm Hồng Tung (Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển - ĐHQGHN), trong những năm trở lại đây, nhiều ngôi đình ở khu vực phố cổ quận Hoàn Kiếm từng bị xuống cấp, thậm chí bị người dân lấn chiếm, đã được quan tâm hơn. Từ sự quan tâm này, các di tích được trùng tu, tôn tạo, trở thành nơi thực hành tín ngưỡng cho người dân trong khu vực, và điểm tham quan cho du khách.

Đồng thời, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội (cơ quan quản lý khu vực này) cũng đã phối hợp với đội ngũ các nghệ sĩ tổ chức nhiều triển lãm nghệ thuật tại những di tích trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Những triển lãm này đã kết nối du khách đến gần hơn với những câu chuyện về nghề truyền thống trên những con phố có sự hiện hữu của di tích đó. Tiêu biểu là dự án Chuyện đình trong phố (từng được đề cử giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 17 năm 2024) do họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cùng các cộng sự chung tay thực hiện.

Để công nghiệp văn hóa Hà Nội "cất cánh" từ di sản văn hóa phi vật thể (kỳ 1): Khi những di tích "kể chuyện" - Ảnh 3.

Triển lãm “Đường tơ” nằm trong dự án “Chuyện đình trong phố”, thực hiện tại đình Yên Thái (ngõ Tạm Thương, Hoàn Kiếm). Ảnh: BTC

Nhưng, ông Tung nhận thấy: Chưa phải câu chuyện lịch sử nào cũng được "kể" cho công chúng. Phải chăng, vì có những câu chuyện mà người làm văn hóa không biết kể sao cho khéo léo? Ông Tung dẫn chứng, đình Đồng Lạc (phố Hàng Đào) trong lịch sử từng cho thuê gian hàng để bán yếm đào. Thực tế, đình vốn là chốn trang nghiêm, chứa đựng nhiều điều cấm kỵ, và ở nhiều nơi chỉ dành riêng cho đàn ông. Vậy mà, lại có một nơi như đình Đồng Lạc: Không gian này trở thành chỗ buôn bán, chẳng những vậy còn bán đồ dành cho phụ nữ như yếm đào.

Theo chuyên gia này nhìn nhận, chính vì điểm đặc sắc không đâu có này, buôn bán yếm đào đã trở thành yếu tố phi vật thể cốt lõi của ngôi đình. Nhưng vấn đề đặt ra là cần phải kể câu chuyện tế nhị ấy sao cho tinh tế. Đồng thời, cần làm sao để không trưng bày hiện vật yếm đào, nhưng cũng đủ để gợi cho khách tham quan biết được, tại ngôi đình này từng bán món đồ như vậy.

Như ông Tung gợi ý, có thể đưa vào không gian trưng bày những vần thơ của Hồ Xuân Hương trong bài Vịnh nằm ngủ - "Yếm đào trễ xuống dưới nương long" hay câu ca dao "Đàn ông đóng khố đuôi lươn/Đàn bà mặc yếm hở lườn mới xinh". Ông Tung khẳng định: Chính nhờ những câu chuyện lịch sử như vậy, ký ức về di sản xưa sẽ sống lại, hòa nhịp với đời sống đương đại. Nếu đến tham quan một di tích chỉ để xem nó giữ được nguyên trạng như thế nào, du khách có thể chỉ muốn đến một lần. Song, việc đến di tích để được nghe những câu chuyện hấp dẫn mới chính là động lực để du khách quay trở lại trong những lần tiếp theo.

"Khi những di tích được "đánh thức" những câu chuyện ẩn chứa bên trong nó, cũng là lúc du lịch sáng tạo tìm kiếm được vị thế của mình" - TS Nguyễn Thị Thu Thủy.

Thúc đẩy du lịch sáng tạo

Dưới góc nhìn của TS Nguyễn Thị Thu Thủy (Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật - ĐHQGHN), khi những di tích được "đánh thức" những câu chuyện ẩn chứa bên trong nó, cũng là lúc du lịch sáng tạo tìm kiếm được vị thế của mình.

Thực tế, hình thức hoạt động du lịch sáng tạo đã xuất hiện một số năm trước, ví dụ như việc tập làm gốm tại làng nghề Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội). Nhưng khái niệm này mới được manh nha tại Việt Nam. Và hoạt động này mới chỉ tập trung manh mún ở các làng nghề, chưa phát triển rộng rãi ở nhiều điểm tham quan.

Để công nghiệp văn hóa Hà Nội "cất cánh" từ di sản văn hóa phi vật thể (kỳ 1): Khi những di tích "kể chuyện" - Ảnh 5.

Tác phẩm sắp đặt Mê lộ Đông Dương nằm trong triển lãm “Cảm thức Đông Dương” tại 19 Lê Thánh Tông. Ảnh: Thu Huyền

Nhưng bù lại, có một hiện tượng khác: Gần đây, nhiều công trình vốn không mở cửa cho công chúng tham quan đã trở thành không gian sáng tạo (và mở cửa miễn phí cho du khách) trong các kỳ Lễ hội Thiết kế sáng tạo của Hà Nội. Điển hình, tại tòa nhà Viện Đại học Đông Dương cũ (số 19 Lê Thánh Tông, quận Hoàn Kiếm), các nghệ sĩ đã tổ thức thực hiện triển lãm nghệ thuật Cảm thức Đông Dương trong thời gian qua.

Tại đây, dòng lịch sử về mỹ thuật Đông Dương - cũng như những nhân vật đã đóng góp cho nền mỹ thuật này - được tái hiện lại thông qua những tấm hình, những bức vẽ được in trên dải lụa, banner… Cùng với đó, các nghệ sĩ còn sử dụng công nghệ 3D mapping để làm nổi bật những hoa văn trang trí, bích họa trong không gian giảng đường. Và không chỉ tham quan, du khách còn được tương tác với triển lãm bằng nhiều giác quan: Thị giác, thính giác và cả xúc giác. Thậm chí, những bạn nhỏ khi đến đây, còn được tham gia vào trò chơi vẽ lại hoặc vẽ thêm đường nét cho hoàn chỉnh các bức tranh về hoa văn trang trí xuất hiện bên trong tòa nhà. Bà Thủy nhấn mạnh: Đây là những đặc điểm của du lịch sáng tạo, so với du lịch văn hóa thông thường là chỉ được xem bằng mắt.

Tiếp nối câu chuyện triển lãm trong các di tích, du lịch sáng tạo cũng đã mở đường cho các nghệ sĩ. "Nhờ vào nhu cầu trải nghiệm bằng nhiều giác quan của du khách, nhiều di tích đã dành ra một khoảng diện tích tuy không quá lớn, nhưng cũng đủ để làm không gian văn hóa sáng tạo cho các nghệ sĩ. Trong khi trước đây, các nghệ sĩ thường rất loay hoay đi tìm kiếm không gian để có thể hiện thực hóa những ý tưởng táo bạo của bản thân" - chị Nguyễn Vũ Tú Hằng (Giám đốc Hanoi Grapvine) vui mừng nhận xét.

Thực tế, như một số ví dụ khác, trong di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng đã dành không gian trong Nhà Thái học, (hay dãy nhà ở 2 bên) làm không gian văn hóa sáng tạo thường xuyên hoặc định kỳ cho các nghệ sĩ thực hành nghệ thuật. Tương tự, đình Nam Hương trên phố Hàng Trống - nơi nổi tiếng với nghề vẽ tranh nức tiếng đất Thăng Long, cũng trở thành không gian sáng tạo cho những bức tranh tân thời, "phái sinh" từ tranh dân gian, đồng thời, cũng là địa điểm tổ chức nhiều triển lãm nghệ thuật có chất lượng.

Dù gặp sự "cởi mở" từ nhiều di tích, thế nhưng trên hành trình sáng tạo,nghệ sĩ đôi khi cũng gặp phải một số ranh giới mà bản thân mình e ngại chưa dám vượt qua. Vấn đề này sẽ được chia sẻ trong kỳ tiếp theo của bài viết.

(Còn tiếp)

Phúc Nam

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›