Có thể hơi viển vông, nhưng từ việc giúp người xem cảm nhận giá trị của ngọn núi đặc biệt nhất Hà Nội, chúng tôi muốn mở ra ý tưởng cùng chung tay tôn vinh Ba Vì - ngọn núi thiêng của Thủ đô nói riêng và của Việt Nam nói chung, thậm chí có thể ví như núi Olympus của Hy Lạp, hay Phú Sĩ của Nhật Bản… Anh Lê Văn Thao, trưởng nhóm Enter Việt Nam, đã bày tỏ ước mơ như thế.
1. Dự án Có một Ba Vì như thế của Enter Việt Nam được triển khai trên cơ sở số hóa, xây dựng các dữ liệu về quần thể núi Ba Vì và trình bày ở dạng một bản đồ tương tác. Bắt đầu từ mùa Thu 2020, dự án đến nay đã hoàn thành cơ bản version (phiên bản) 1 và đang hướng tới việc phát triển những version tiếp theo trong tương lai.
Cái tên Enter Việt Nam thật ra không xa lạ với báo giới. Hơn 20 năm trước, nhóm nghiên cứu tự nguyện này được thành lập trên cơ sở quy tụ một số nhà nghiên cứu, học giả làm nền tảng, để kết nối với các họa sĩ đồ họa, chuyên gia công nghệ, biên tập viên xuất bản và mọi đối tượng yêu văn hóa. Ý tưởng chung của họ: Xây dựng một ngân hàng cơ sở dữ liệu số về đất nước con người Việt Nam, nơi người dùng có thể tìm thấy mọi thông tin từ lịch sử, địa lý, văn hóa xã hội, dân tộc, điểm đến… với đầy đủ hình ảnh, âm thanh phong phú, sống động.
"Trong quá trình làm cơ sở dữ liệu về Hà Nội, chúng tôi nhận được nhiều gợi ý về Ba Vì - vốn từng được cụ Nguyễn Trãi coi là núi tổ của Việt Nam trong sách Dư địa chí. Từ đó, việc triển khai dự án Có một Ba Vì như thế nhận được sự đồng thuận của toàn bộ nhóm biên tập" - Trưởng nhóm Lê Văn Thao cho biết - "Và chúng tôi phân công nhau tổ chức thực hiện dự án theo một dàn ý chung".
Như chia sẻ của anh Thao, việc triển khai dự án cũng gặp nhiều khó khăn trên thực tế. Chẳng hạn, ý tưởng thiết kế là phải tạo ra tính linh thiêng của ngọn núi, do đó phía thực hiện quyết định triển khai một mô hình 3D cho ngọn núi để ngọn núi có thể lơ lửng trên không trung và xoay xung quanh. Đây là một thách thức cả về đồ họa lẫn kỹ thuật vì ngọn núi rất lớn không như một vật nhỏ để có thể làm 3D.
Hoặc Ba Vì có rất nhiều giá trị cả về vật thể và phi vật thể, nếu giới thiệu không khéo có thể thành một cuốn "bách khoa" lan man khiến người xem mệt. Vì vậy, phía thực hiện phải tổ chức biên soạn tuyến dữ liệu theo nguyên tắc 5W của báo chí. Họ chia làm 2 nhóm chính, trong đó nhóm chuyên trách có 7 người gồm thiết kế đồ họa, lập trình viên, biên tập viên, thư ký sản xuất. Còn nhóm không chuyên trách, bao gồm các cố vấn chuyên môn, ý tưởng sáng tạo, thẩm định và rà soát nội dung… thì không thể đếm hết bởi như lời anh Thao, dự án được xin ý kiến phản biện nhiều nhất có thể để điều chỉnh trong quá trình làm.
"Cuối cùng, như mọi dự án khác, khó khăn lớn nhất của chúng tôi vẫn là kinh phí. Chúng tôi phải kêu gọi các nhà tài trợ, mỗi người hỗ trợ một chút để thực hiện, từ chỗ ăn chỗ ngủ khi đi điền dã, cũng như tiền vé vào cửa rừng quốc gia…" - anh Thao cho biết thêm.
2. Chỉ vài phút cài đặt bản đồ tương tác này, người dùng đã có thể khám phá "tất tần tật" thông tin về Ba Vì với bề dày lịch sử văn hóa vốn có. Dựa trên một mô hình núi Ba Vì ở dạng 3D, lần lượt nhiều lớp dữ liệu được trình bày theo từng cú click chuột. Tất cả thiết kế theo nguyên tắc thị giác, sử dụng đồ họa, để người xem có thể đi từ cái nhìn tổng thể đến chi tiết.
Tại đó, chúng ta được khám phá lịch sử tổng quan từ cổ đại tới hiện đại về Ba Vì - ngọn núi không phải cao nhất nhưng lại chiếm vị trí đặc biệt trong tâm khảm người Việt và được coi là đỉnh núi thiêng mở ra vùng đồng bằng sông Hồng trù phú, với thế núi phong thủy như đầu rồng của long mạch phương Nam. Rồi lần lượt, đó là đỉnh Ngọc Hoa, đỉnh vua và đỉnh Tản Viên - 3 đỉnh núi tạo nên cái tên Ba Vì, là các di tích khu quân sự Pháp, nhà thờ cổ, khu trại Hè, tháp Báo Thiên, cứ điểm Cote 600, là hệ thống các đền Ngự Dội, đền Tranh, đền Và, đền Trung hoặc cả thông tin về khu nghỉ dưỡng Melia hiện có…
Ở góc độ khác, những thông tin về hệ thống động thực vật trong Vườn Quốc gia Ba Vì, đặc điểm văn hóa của các dân tộc đang cư trú tại đây, hay địa hình, địa mạo của quần thể Ba Vì… cũng được cung cấp với thông tin khá chi tiết và khoa học. Hầu hết các thông tin này đều có ảnh, clip hoặc đồ họa - được các thành viên dự án tiến hành biên soạn hoặc trực tiếp sản xuất sau quá trình điền dã, khảo sát.
Như chia sẻ của các thành viên, sau sản phẩm ở version 1 vừa hoàn thành, version 2 trong tương lai của dự án được kỳ vọng sẽ thiết kế ở dạng game, với mục đích đưa vào các trường học tại Hà Nội để trở thành một tài liệu ngoại khóa, giúp các thế hệ học sinh hiểu thêm về văn hóa, lịch sử, giá trị của núi thiêng Ba Vì.
Xa hơn, như các dự án trước đó của Enter Việt Nam, sản phẩm số hóa này không được "đóng gói" mà luôn để ở dạng mã mở, giúp các thế hệ người dùng có thể liên tục cập nhật và nâng cấp để tạo ra nhiều dạng sản phẩm mới từ cơ sở dữ liệu có sẵn. Chẳng hạn, phía quản lý Vườn Quốc gia Ba Vì có thể dùng nó để đưa lên trang web hoặc ứng dụng của mình. Bà con làm cây thuốc người Dao có thể lấy dữ liệu từ dự án để xây dựng chương trình quảng bá. Rồi, người yêu di sảncó thể khai thác sơ đồ các địa danh thờ Đức Thánh Tản…
Như giấc mơ của những người thực hiện dự án, đó sẽ là thời điểm những version 3 - và cao hơn nữa - của Có một Ba Vì như thế được hoàn thiện, khi cộng đồng cùng hướng về việc bảo tồn và tôn vinh ngọn "núi thiêng" này qua vô vàn những lễ hội, sự kiện văn hóa, chuyến hành hương… trong năm.
"Còn bây giờ, chúng tôi chỉ dám mong sẽ có thêm nhiều người hiểu và quan tâm tới những giá trị đặc thù của Ba Vì, bên cạnh phần giá trị về… một khu vực bất động sản tiềm năng quanh đó vốn đang được biết tới" - anh Lê Văn Thao cười.
Đề cử Giải Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội
Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội do báo Thể thao và Văn hóa tổ chức được trao vào dịp 10/10 hằng năm, gồm 4 hạng mục: Giải thưởng Lớn, Giải Tác phẩm, Giải Việc làm, và Giải Ý tưởng.
Hạng mục Giải Ý tưởng năm nay có 3 đề cử chính thức:
1. Dự án Có một Ba Vì như thế của nhóm Enter Việt Nam.
2. Hai cuộc thi gắn với thiết kế nhà vệ sinh công cộng tại không gian Hồ Gươm của Quỹ AIF và của dự án "Hanoi Design City - Hà Nội đẹp từng centimet" cùng Viglacera và UBND Quận Hoàn Kiếm thực hiện.
3. Đề xuất đưa môn "Hà Nội học" thành một môn học phổ thông tại Hà Nội, do TP Hà Nội cùng một số đơn vị chuyên môn thực hiện.
Tags