(Thethaovanhoa.vn) - Olivia de Havilland, một trong những huyền thoại điện ảnh cuối cùng của Kỷ nguyên Vàng Hollywood, đã qua đời vào hôm 26/7 (theo giờ Mỹ) ở tuổi 104. Bà được hàng triệu khán giả khắp thế giới sùng bái với vai Melanie Wilkes, chị chồng - và cũng là chỗ dựa tinh thần - của nàng Scarlett O'Hara trong bộ phim bất hủ Cuốn theo chiều gió (Gone With the Wind).
Theo báo giới, De Havilland ra đi nhẹ nhàng tại nhà riêng ở Paris (Pháp). Trước đó, bà từng là ngôi sao cuối cùng trong dàn diễn viên chính của bộ phim kinh điển Cuốn theo chiều gió, dàn dựng theo tiểu thuyết cùng tên của Margaret Mitchell. Tác phẩm điện ảnh này đã đoạt 10 giải Oscar và thường được xếp hạng là “vô địch phòng vé mọi thời đại”.
Người tạo ra “luật De Havilland”
Trong sự nghiệp trải dài hơn 70 năm, De Havilland được ca ngợi với nhiều thể loại vai diễn khác nhau. Ở De Havilland có sức hấp dẫn lạ thường. Đôi mắt nai của bà vừa toát lên vẻ dịu dàng, ấm áp vừa tinh nghịch, kiên cường. Nhà phê bình hàng đầu James Agee từng thú nhận rằng ông “dễ bị tấn công” trước sức lôi cuốn của Olivia de Havilland”.
- Đấu giá kỷ vật của ngôi sao 'Cuốn theo chiều gió': Từ tình yêu tới địa ngục
- Ngôi sao còn sống duy nhất của ‘Cuốn theo chiều gió’ mừng sinh nhật 100 tuổi
Cũng cần nói thêm, De Havilland là trường hợp “ngoại lệ” trong Cuốn theo chiều gió. Để có được tác phẩm hoàn chỉnh lên màn bạc, dự án điện ảnh này phải trải qua 3 “đời” đạo diễn, trong khi mối quan hệ của các ngôi sao Vivien Leigh và Clark Gable ở ngoài đời lại cực kỳ xung đột. Thêm nữa, nam diễn viên Leslie Howard thể hiện rõ sự thờ ơ với vai Ashley Wilkes, chồng Melanie. Chỉ có De Havilland, bị thu hút với sự thấu cảm và rộng lượng của nhân vật Melanie, lại coi “Cuốn theo chiều gió là một trong những trải nghiệm hạnh phúc nhất mà tôi đã từng có trong đời. Đó là làm việc mà tôi muốn làm, hóa thân vào một nhân vật tôi yêu thích”.
Được biết, De Havilland còn quyết tâm theo đuổi vai diễn Melanie đến mức bà còn vận động vợ ông Jack Warner, chủ hãng phim Warner Bros., thuyết phục chồng mình. Khi Selznick sa thải đạo diễn George Cukor và thay thế Victor Fleming, De Havilland tiếp tục thảo luận riêng với Cukor để có được cách hóa thân “nhuyễn” nhất.
Không chỉ lo cho vai diễn của mình, De Havilland còn khích lệ các diễn viên khác để tìm ra lối diễn thuyết phục nhất. Cụ thể, khi Gable không muốn khóc trong một trong những cảnh cảm động nhất trong phim, Melanie an ủi Rhett Butler về việc Scarlett sảy thai, De Havilland đã tham gia thuyết phục Gable và nhờ đó nam tài tử Hollywood đã có màn diễn khó quên trên màn ảnh.
De Havilland được đề cử giải Oscar với phim Cuốn theo chiều gió và sau đó bà đã đoạt Tượng Vàng Nữ diễn viên xuất chính sắc nhất vào năm 1946 với To Each His Own. 3 năm sau đó, bà đoạt giải Oscar thứ 2 với phim The Heiress, trong đó bà thủ vai một người chỉ quanh quẩn trong nhà, sống giản dị trong bộ phim được dàn dựng theo cuốn Washington Square của Henry James.
Tiếp đó, De Havilland đã có vai diễn đột phá trong phim chính kịch The Dark Mirror (1946) và nhà phê bình điện ảnh James Agee nhận định vai diễn của bà “sâu sắc, không màu mè, kỹ lưỡng tới từng chi tiết”.
Có thời kỳ, De Havilland “đóng đinh” trong những nhân vật tuyệt vời với bản tính quá tốt đẹp, lãng mạn dù bà luôn mong muốn có những thử thách lớn hơn. Sau một thời gian không nhận được những vai diễn như mong muốn, năm 1943, De Havilland với thất vọng tràn trề đã kiện hãng Warner Bros. trong bối cảnh hãng phim cố gắng giữ bà sau khi đã hết hạn hợp đồng với tuyên bố bà nợ thêm 6 tháng vì đã “cự tuyệt” khi từ chối vai diễn.
Người bạn Bette Davis của De Havilland đã không thoát khỏi hợp đồng của mình trong những điều kiện tương tự vào những năm 1930, nhưng De Havilland đã thắng thế, với phán quyết của Tòa án phúc thẩm California rằng không có hãng phim nào có thể gia hạn hợp đồng nếu không có sự đồng ý của nghệ sĩ. Quyết định này hiện vẫn được gọi là “luật De Havilland” một cách không chính thức.
Sống thọ nhờ 3 chữ “L”
De Havilland sinh ngày 1/7/1916 ở Tokyo trong gia đình có cha là luật sư người Anh. Cha mẹ De Havilland ly hôn năm bà mới 3 tuổi, sau đó mẹ đưa De Havilland và em gái tới Saratoga, bang California (Mỹ). De Havilland trải qua 2 cuộc hôn nhân và đều ly dị.
De Havilland cho rằng bà sống thọ được như vậy là 3 việc liên quan đến chữ “L”: “Tình yêu, cười và học hỏi” (love, laughter, learning) cộng với tính hài hước.
De Havilland theo đuổi đam mê diễn xuất sau khi trình diễn kịch tại Trường Đại học Mills ở Oakland, California. Năm 1934, Warner Bros. muốn một số diễn viên sân khấu tham gia sản phẩm lớn của hãng và họ đã chọn De Havilland thủ diễn chính cùng Mickey Rooney, người thủ vai Puck.
Năm 1935, De Havilland thủ diễn chính cùng Flynn trong phim Captain Blood và liên tục đóng cặp với nam tài tử này trong suốt thập kỷ tiếp sau đó. Thời điểm đó, 2 người được xem là một trong những cặp đôi lôi cuốn nhất trên màn bạc, có điều khán giả dường như lại nhanh chóng quên đi các vai diễn của họ trong nhiều bộ phim như Dodge City và Santa Fe Trail mà lại ám ảnh với mối quan hệ của họ ngoài đời. Lúc ấy, Flynn khét tiếng là người “trăng hoa”, còn De Havilland khăng khăng mối quan hệ của mình với Flynn chỉ mang tính lý tưởng thuần khiết.
De Havilland từng nói rằng bà đồng cảm với nàng Scarlett O’Hara trong phim Cuốn theo chiều gió, người biết mình muốn gì và đã muốn là phải có bằng được. Nhưng bà khao khát tinh thần và sự cân bằng nội tâm của Melanie.
De Havilland nhớ một cuộc trò chuyện với Flynn vào giữa những năm 1930, ngay sau khi họ gặp nhau. Flynn hỏi De Havilland, lúc đó mới 18 tuổi, mục tiêu của bà trong cuộc sống là gì.
“Lúc đó tôi nghĩ, hỏi gì mà kỳ vậy, bởi chưa có ai hỏi tôi như vậy’ - De Havilland kể lại trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 2006. “Và tôi trả lời: “Làm được tốt những công việc khó”. Sau đó tôi hỏi: “Anh muốn gì ở cuộc sống này?”, Flynn đáp: “Anh muốn thành công”. Điều mà Flynn muốn có nghĩa là danh tiếng và sự giàu có. Flynn đã đạt được cả 2 thứ đó, nhưng khi anh nói vậy, tôi nghĩ vẫn chưa đủ”.
Không tìm thấy lý do để trở lại Mỹ Năm 1953, De Havilland chuyển tới Paris do sự “khăng khăng” của người chồng Pháp lúc bấy giờ, Pierre Galante. Hồi năm 2016, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của mình, De Havilland nói với hãng tin AP rằng “Hollywood đã trở thành một nơi ảm đạm, bi thảm” và bà không tìm thấy lý do nào để quay lại Mỹ. Trong những năm cuối đời, De Havilland sống trong một ngôi nhà gần thị trấn Bois de Boulogne ở Paris. Một lý do khiến bà thích Paris là vì bà có thể đi bộ xuống phố mà không bị làm phiền, ít nhất là cho đến khi bộ phim Cuốn theo chiều gió được phát sóng trên truyền hình Pháp. Năm 2008, De Havilland được trao Huân chương Nghệ thuật Quốc gia và 2 năm sau đó được trao tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh của Pháp. |
Việt Lâm (tổng hợp)
Tags