"Mô hình hội chợ sách ở Việt Nam đã có những dấu hiệu phát triển tích cực trong những năm gần đây, với số lượng sự kiện được tổ chức ngày càng nhiều ở các địa điểm khác nhau trên toàn quốc" - ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Alpha Books, nhận xét - "Tuy nhiên, vẫn còn một số cách để mô hình này có thể được cải thiện để phát huy hết tiềm năng và đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết".
Nhiều năm làm việc trong ngành xuất bản và từng tham gia nhiều hội chợ sách trong nước và quốc tế, ông Bình có cuộc trò chuyện với Thể thao & Văn hóa (TTXVN) về mô hình này, cũng như các vấn đề liên quan.
Ý tưởng "1.000 hội sách khuyến đọc"
* Đã có những ý kiến rằng chúng ta đang lạm dụng khái niệm "hội chợ sách" - khi mà nhiều sự kiện nhỏ lẻ, chú trọng tới việc mua bán sách, cũng được tự phát gán với cái tên này. Từ kinh nghiệm bản thân, ông có thể khái quát về các loại hình hội chợ sách trên thế giới, cũng như cách vận hành của chúng?
- Các hội chợ sách trên thế giới có thể chia ra thành một số loại chính: Hội chợ sách quốc tế (tập trung giới thiệu, quảng bá sách của các tác giả và các nhà xuất bản đến các quốc gia khác nhau trên thế giới. Thông thường, các hội chợ này sẽ tổ chức các cuộc hội thảo, triển lãm, đấu giá sách và các hoạt động khác liên quan đế ngành sách); Hội chợ sách quốc gia(do các cơ quan, ban ngành thuộc chính quyền của một quốc gia tổ chức tại một hoặc nhiều địa phương ở quốc gia đó, nhằm khuyến khích phong trào và phát triển văn hóa đọc…)
Ngoài ra, có thể kể tới các mô hình Hội chợ sách địa phương (thường được tổ chức ở một thành phố nào đó, tập trung giới thiệu các tác giả địa phương và các nhà xuất bản); Hội chợ sách chuyên ngành (tập trung giới thiệu các loại sách chuyên ngành như sách khoa học, sách y học,sách về công nghệ, sách thiếu nhi, sách kinh tế)... hay Hội chợ sách trường học (có thể vừa gắn cụ thể với một trường phổ thông hoặc đại học, đồng thời có những đặc thù về thể loại sách cho các đối tượng này).
Hội sách đã có lịch sử phát triển vài trăm năm trên thế giới, kể từ trước khi Hội sách Frankfut được hình thành vào thế kỷ XV. Về cơ bản, chúng được tổ chức để tạo ra một nơi gặp gỡ, tương tác và trao đổi giữa các tác giả, nhà xuất bản, người đọc và các doanh nghiệp liên quan đến ngành sách. Thông thường thời gian tổ chức của các hội sách kéo dài từ 1 đến 7 ngày, tuy nhiên tôi cũng từng tham gia những hội sách kéo dài 10 ngày và hoạt động 24/7 liên tục không đóng cửa. Các hoạt động kèm theo hội chợ sách có thể bao gồm triển lãm sách, giới thiệu tác giả, đấu giá sách, các cuộc hội thảo, giao lưu tác giả - độc giả và những hoạt động giải trí như biểu diễn âm nhạc, kịch nghệ, vẽ ký họa…
* Nhìn sang Việt Nam, theo ông các hội sách của chúng ta đang đạt tới mức nào so với tiềm năng của nó?
- Nhìn chung, mô hình hội chợ sách ở Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Tổng thể, tôi nghĩ các hội chợ sách không chỉ nên tổ chức tốt ở các thành phố lớn trên cả nước, mà còn cần tổ chức nhiều hơn, tốt hơn ở các trường học, các địa phương thuộc tuyến huyện và thậm chí là tuyến xã.
Hội chợ sách có thể là một nền tảng tuyệt vời để thúc đẩy việc đọc và giáo dục, nên cần sự phối hợp chung tay của các tổ chức, thành phần xã hội như các hội khuyến học, hội phụ nữ, thư viện, các sở thông tin truyền thông, sở giáo dục, sở văn hóa… và dần dần tăng chất lượng, chiều sâu thông qua các hội thảo, sự kiện và các hoạt động giáo dục khác được tổ chức trong khuôn khổ của hội sách.
* Được biết, ông và Alpha Books đang có ý tưởng tổ chức hội sách khuyến học - khuyến đọc trên cả nước. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
- Chúng tôi muốn tổ chức chuỗi hội sách này như một hoạt động nhằm đưa sách vở đến gần hơn với độc giả và góp phần giúp việc đọc sách trở thành một phong trào đại chúng, đồng thời thu hút sự quan tâm của cộng đồng về việc đọc sách và phát triển ngành xuất bản.
Vắn tắt, các hội sách này sẽ được triển khai với các tiêu chí như sau:Chọn các địa điểm phù hợp để tổ chức hội sách, như các trung tâm văn hóa, các trường học; Tạo ra không gian thu hút, tạo động lực cho người đọcqua các hoạt động giao lưu, phối hợp giữa các tác giả, nhà xuất bản, giáo viên và độc giả;; Tập trung vào đối tượng khách hàng tiềm năng, đặc biệt là các em học sinh, sinh viên, các bậc phụ huynh; Quảng bá rộng rãi trên truyền thông để thu hút sự quan tâm và tham gia của đông đảo người dân.
Tất nhiên, về cơ bản, việc triển khai các hội sách này còn phải được đánh giá kỹ lưỡng thông qua việc đánh giá các yếu tố: tiềm năng thị trường, nhu cầu đọc sách của người dân, tình hình phát triển ngành xuất bản hay các yếu tố khác để đảm bảo hiệu quả và tính bền vững của hoạt động.
Nhưng thực tế, những năm qua,không chỉ tổ chức hội sách tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng,… chúng tôi còn tổ chức hội sách tại nhiều đô thị cỡ trung bình trở xuống. Và ở nhiều hội sách, chúng tôi thu lại được những kết quả tương đối tích cực với lượng sách bán ra, đồng thời có doanh thu ở mức chấp nhận được so với chi phí bỏ ra. Điều này cũng mang lại ít nhiều hy vọng về sự thay đổi của văn hóa đọc trong thời gian gần đây.
Vượt qua những rào cản
* Nhìn lại, theo ông, những trở ngại lớn nhấttrong việc "nâng cấp", hoàn thiện các mô hình hội chợ sách tại Việt Nam là gì?
- Vắn tắt, những trở ngại lớn nhất trong việc nâng cấp và hoàn thiện các mô hình hội chợ sách - đường sách tại Việt Nam gồm: (1) Thiếu sự quan tâm của chính quyền, các cơ quan ban ngành liên quan về việc đọc sách và phát triển ngành xuất bản; (2) Thiếu vốn đầu tư và khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác, tài trợ cho các hoạt động liên quan đến hội chợ sách; (3) Thiếu sự đồng thuận và hợp tác từ các nhà xuất bản, nhà phân phối, tác giả, đội ngũ thiết kế, in ấn, vận chuyển và các bên liên quan khác để cùng nhau phát triển. (4) Sự cạnh tranh gay gắt từ các hình thức giải trí trong giai đoạn công nghệ phát triển, khiến cho người dân ít có thời gian và sự quan tâm đến việc đọc sách.
* Riêng ở góc độ công nghệ, nhiều người cho rằng sự bùng nổ của các dịch vụ trực tuyến trong vài năm qua sẽ tác động rất mạnh tới mô hình hội chợ sách truyền thống. Theo ông, chúng ta có thể tận dụng -cũng như phải thay đổi - những gì từ xu thế "trực tuyến hóa" đang lên ngôi ấy?
- Quả thực, lượng công chúng đọc sách trực tuyến, mua sách trực tuyến đang ngày một nhiều lên và trở thành một phần không thể thiếu trong thế giới đọc sách hiện nay. Tuy nhiên, với những ngườiyêu thích cảm giác thực tế của việc mua sách, họ vẫn có nhu cầu đến các hội sách, phố sách để được trải nghiệm cảm giác này. Chưa kể các sự kiện, các hoạt động khuyến mại tại các phố sách, hội sách hiện nay thường hấp dẫn hơn nhiều so với hoạt động của các hội sách hay gian hàng trực tuyến.Thực tế các hoạt động khuyến mãi trên các gian hàng trực tuyến thoạt trông có thể rất hấp dẫn, nhưng thường chỉ được áp dụng trong một thời gian nhất định, với một số lượng đơn hàng nhất định.
Do vậy, tôi cho rằng các đơn vị tổ chức phố sách, hội sách có nhiều cáchđể tận dụng xu thế trực tuyến hóa này: Đưa ra các đề xuất, kiến nghị hợp lý để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất từ chính quyền trong việc mở rộng hoạt động; Tạo ra không gian trao đổi để có được sự hợp tác tốt nhất từ các bên liên quan trong việc nâng cao chất lượng sách và dịch vụ, từ đó đem lại trải nghiệm tốt nhất cho độc giả khi đến hội sách; Tận dụng sức mạnh của công nghệ để truyền thông tốt nhất cho hoạt động của mình.
* Cuối cùng, ông có thể nói gì về việc phát triển văn hóa đọc, nền tảng để đảm bảo thành công cho những hội chợ sách tại Việt Nam?
- Nhìn khách quan, văn hóa đọc tại Việt Nam vẫn chưa có chiều sâu. Chúng ta còn cần nhiều hoạt động phối hợp khác và cần thời gian dài hơn để thực sự xây dựng được nền văn hóa đọc có chất lượng và bền vững, qua đó phát triển trí tuệ và kiến thức cho cả dân tộc, quốc gia.
Để làm được điều này theo tôi, yếu tố then chốtlà sự chú trọng đến việc rèn luyện thói quen đọc sách cho trẻ ngay từ những ngày đầu tiên đến trường, cho đến khi các em tốt nghiệp đại học, để thói quen đọc sách thực sự được hình thành và ăn sâu vào cuộc sống của mỗi cá nhân. Các tiết đọc sách ở nhà trường và hệ thống thư viện ở trường học và địa phương - một hệ thống dường như tan vỡ nhiều thập niên nay - cần được khôi phục và hỗ trợ để hoạt động sao cho thật hiệu quả.
Tóm lại, văn hóa đọc đang có tín hiệu tích cực ở Việt Nam, nhưng tôi vẫn thấy cần tăng quy mô đầu tư cho lĩnh vực này. Và chỉ khi xây dựng được nền văn hóa đọc chất lượng, Việt Nam mới có thể trở thành một xã hội giàu văn hóa và phát triển bền vững. *
* Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện.
Nên "lồng ghép" hội sách vào các hoạt động văn hóa địa phương
Như phân tích của ông Đỗ Kim Cơ, Giám đốc Tri Thức Trẻ Books, để nhận lời tham dự hội sách tại các địa phương vùng xa hoặc các đô thị nhỏ, các đơn vị liên kết xuất bản sẽ cân nhắc dựa trên khả năng tiêu thụ sách tại từng khu vực này (được hình thành qua những con số thống kê hàng năm); tiếp theo đó là mảng sách sở trường của mỗi đơn vị, cũng như các khâu hỗ trợ, tài trợ hay cơ chế cho phía tham gia.
Theo chia sẻ của ông Cơ, một số địa phương - đặc biệt là vùng cao - dù nhiệt tình nhưng vẫn thiếu kinh nghiệm và có phần cứng nhắc trong việc tổ chức các hội chợ sách. Để hiệu quả, trước mắt, các hội chợ sách nên được lồng ghép trở thành một phần nội dung trong ngày hội văn hóa dân tộc, ngày lễ kỷ niệm thành lập tỉnh hoặc các sự kiện văn hóa, chứ không nhất thiết phải tổ chức vào ngày 21/4 hàng năm.
Tags