(Thethaovanhoa.vn) - Hàng năm, thành phố Hà Nội dành một khoản kinh phí thuộc ngân sách nhà nước đầu tư cho công tác tu bổ, tôn tạo di tích, phần khác thuộc nguồn thu từ các hoạt động sử dụng và phát huy giá trị di tích. Tuy nhiên, nguồn lực này chưa đủ để trùng tu, tôn tạo hàng ngàn di tích xuống cấp. Lối ra cho bài toán này được tính đến là đẩy mạnh huy động xã hội hóa, đồng thời có lộ trình tu bổ, tôn tạo di tích một cách hợp lý, khoa học.
Tăng cường xã hội hóa
Đến đình - đền Đông Hạ ở ngõ Huế, phường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng mới cảm nhận hết sự khang trang của di tích được tu bổ, tôn tạo chủ yếu bằng nguồn vốn xã hội hóa. Ngôi đền ba gian với tam quan đủ ba cửa mở ra ngõ Huế. Từ tiền tế, công trình phụ trợ đều được tu bổ đồng bộ, tạo diện mạo mới trên cơ sở đảm bảo các giá trị gốc. Cũng như vậy, chùa Liên Phái nằm trong ngõ Liên Phái, phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng cũng tiêu biểu trong thực hiện tốt công tác xã hội hóa trùng tu di tích. Kiến trúc di tích, hồ nước, sân vườn được đầu tư tôn tạo hài hòa với không gian chung. Hơn nữa, trước khi trùng tu nhà chùa phối hợp cùng địa phương di chuyển hàng chục hộ dân ra khỏi khuôn viên di tích hoàn trả lại không gian di tích.
Đây là hai trong rất nhiều di tích trên địa bàn Hà Nội thực hiện theo phương thức xã hội hóa khi mà nguồn kinh phí của thành phố chưa đáp ứng kịp thời cho công tác tu bổ, tôn tạo di tích. Những năm qua, nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội đã làm tốt công tác xã hội hóa, thu hút được sự đóng góp lớn từ các tổ chức, cá nhân. Hầu hết kinh phí cho việc đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích là kết hợp giữa nguồn ngân sách của thành phố, quận, huyện, thị xã với nguồn xã hội hóa trong nhân dân.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, công tác xã hội hóa tu bổ, tôn tạo di tích được người dân quan tâm thông qua hình thức như: đóng góp bằng tiền, hiện vật, vật tư và công sức. Tổng kinh phí xã hội hóa từ năm 2012 đến nay đạt từ 1.200 tỷ đồng đến gần 1.500 tỷ đồng. Các di tích tu bổ bằng nguồn xã hội hóa phần lớn do đơn vị tư vấn (hoặc đơn vị thi công) lập dự án, chủ trì triển khai các thủ tục, chính quyền và cơ quan chuyên môn tham gia hướng dẫn. Sau khi có giấy phép hoặc quyết định phê duyệt thì việc triển khai và giám sát hầu như do di tích thực hiện. Đến nay, rất nhiều di tích được tu bổ từ nguồn xã hội hóa góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa Thủ đô.
Điều này cũng mở hướng cho công tác tu bổ di tích xuống cấp tại Hà Nội hiện nay bằng hình thức đẩy mạnh huy động nguồn lực từ xã hội hóa khi ngân sách nhà nước chưa đáp ứng kịp thời. Theo quy định của Luật Di sản Văn hóa, nguồn xã hội hóa là một trong những nguồn lực tài chính để thực hiện bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Do vậy, các cấp chính quyền có trách nhiệm bố trí kinh phí từ các nguồn lực, vận động, tuyên truyền nhân dân đóng góp để bảo tồn, bảo vệ di sản văn hóa trên địa bàn theo phân cấp quản lý.
Ưu tiên cho di tích bị xuống cấp nặng
Mặc dù nguồn kinh phí tu bổ, tôn tạo di tích những năm gần đây được quan tâm hơn trước nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu tu bổ, tôn tạo của các di tích xuống cấp. Theo ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, các cấp từ cơ quan quản lý chuyên môn đến địa phương cần tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tại Kế hoạch số 120/KH-UBND ngày 1/6/2017 về việc khắc phục những tồn tại, hạn chế, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý di tích văn hóa, quản lý lễ hội trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trước tiên, các địa phương rà soát, phối hợp với các ngành liên quan lập kế hoạch phân loại những di tích xuống cấp theo từng cấp độ, thực hiện việc chống xuống cấp tại những di tích xuống cấp nặng có nguy cơ sập đổ theo phân cấp của thành phố. Các địa phương xây dựng kế hoạch tu bổ di tích, đảm bảo việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy tối đa giá trị văn hóa của di tích thuộc trách nhiệm quản lý trên địa bàn, trong đó xác định danh mục đầu tư, kinh phí đầu tư và lộ trình thực hiện tu bổ, tôn tạo di tích phục vụ phát triển du lịch. Đồng thời, xác định danh mục các di tích xuống cấp theo thứ tự ưu tiên và xây dựng kế hoạch đầu tư kinh phí và huy động xã hội hóa để tu bổ di tích đến năm 2030, trước mắt ưu tiên cho di tích bị xuống cấp nặng, có nguy cơ sập đổ, không đảm bảo an toàn.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng đề nghị các địa phương có phương án chống đổ, chống sập cho di tích tại những khu vực nguy hiểm, làm biển thông báo khu vực nguy hiểm ở vị trí phù hợp, bảo vệ, bảo quản hiện vật trong di tích, đảm bảo an toàn, tránh tình trạng thất lạc, mất mát, hư hỏng.
- Để hồi sinh di tích xuống cấp ở Hà Nội: Bài toán khó về nguồn lực
- Để hồi sinh di tích xuống cấp ở Hà Nội: Mỏi mòn chờ đầu tư
Giáo sư, Tiến sĩ Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia cho rằng, Hà Nội cần tăng cường đầu tư kinh phí, đồng thời mở rộng việc huy động các nguồn lực đầu tư cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, tăng cường vận động các tổ chức, cá nhân tài trợ cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản.
Hơn nữa, để làm tốt công tác tu bổ di tích cần xây dựng đội ngũ cán bộ có kiến thức tổng hợp, kinh nghiệm thực tế và có sự phối hợp của nhiều cấp ngành liên quan. Công tác tu bổ di tích mang tính đặc thù trong việc bảo tồn yếu tố gốc của di tích, do vậy rất cần có đội ngũ cán bộ, thợ lành nghề trong việc triển khai thực hiện.
Hà Nội được mệnh danh là Thành phố di sản văn hóa khi dẫn đầu cả nước về số lượng các di tích lịch sử cũng như di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia. Để khẳng định di sản văn hóa là một trong những nguồn lực nền tảng cho việc xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội toàn thành phố, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích cần phải đặt đúng vị trí với sự quan tâm đúng mức.
Đinh Thuận/TTXVN
Tags